GS.Nguyễn Lân Dũng chủ trì Hội nghị đối thoại “Nhà khoa học với sinh viên ĐH Nông – Lâm Bắc Giang" In
Thứ sáu, 22/04/2016 15:07

Với mục đích giúp sinh viên có nhận thức đầy đủ hơn về tiềm năng phát triển của ngành Nông – Lâm nghiệp, cơ hội việc làm sau khi ra trường đồng thời tạo môi trường trao đổi các vấn đề về học thuật, về học tập và nghiên cứu khoa học giữa cán bộ, giảng viên, sinh viên với nhà khoa học, ngày 21/4/2016, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị đối thoại “Nhà khoa học với sinh viên Đại học Nông – Lâm Bắc Giang”. Tham dự Hội nghị có NGND.GS.Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn KH-GD của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Bình Nhự - Chủ tịch Hội đồng trường, cùng Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các phòng, khoa, trung tâm và đông đảo sinh viên tham dự.

 

Đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên tham dự buổi đối thoại


Mở đầu buổi đối thoại NGND. GS.Nguyễn Lân Dũng đã giới thiệu tổng quan về lịch sử và quá trình phát triển của ngành công nghệ sinh học. Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, ba phát minh cơ bản nhất về khoa học sự sống gồm: Thuyết tiến hóa (1859) của Darwin (1809-1882); Định luật di truyền (1863) của Mendel (1822-1884); Cấu trúc của gen – Cơ chế sao chép và di truyền của gen (1953) của F.Crick (1916-2004) và J.Watson (1928-) đã mở ra một trang mới cho ngành công nghệ sinh học thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cùng với sự phát triển của công nghệ sinh học, các nhà khoa học đã nghiên cứu và ứng dụng thành công trong y học, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường… Giáo sư cũng phân tích và chỉ ra những thế mạnh, hạn chế của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong Nông - Lâm nghiệp tại Việt Nam, từ đó giúp các bạn sinh viên có cái nhìn mới về công việc của mình trong tương lai.

 

NGND.GS.Nguyễn Lân Dũng nhiệt tình trao đổi tại Hội nghị đối thoại


Theo GS.NGND Nguyễn Lân Dũng thì “Các bạn sinh viên đừng nghĩ đến chuyện phải xin việc vào Nhà nước. Ở Viện của tôi, lương Tiến sĩ từ nước ngoài về, trong đó có con gái tôi Tiến sĩ từ Mỹ, lương hiện nay khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, lương cử nhân như các bạn còn thấp hơn nữa”. Giáo sư cũng nhắn nhủ tới các bạn sinh viên: Để thành công hãy nắm vững hai loại “vũ khí” đó là ngoại ngữ và tin học.

Bên cạnh đó, NGND.GS.Nguyễn Lân Dũng cũng chỉ ra những tấm gương vượt khó làm giàu, đến nay đã là những triệu phú, tỷ phú trên chính mảnh đất quê hương như anh Trịnh Xuân Mười (Đắk Lắk) với các giống Bơ và mô hình bơ xen cà phê; Anh Trần Nhữ Giáp (Hà Nội) chuyên các giống vịt trời, chim trĩ…; Bác Lê Văn Xê (Bình Dương) với các giống chanh không hạt, cam không hạt và bưởi ít hạt… và còn rất nhiều tấm gương khác để sinh viên học tập.

Ngay trong buổi tọa đàm, NGND.GS.Nguyễn Lân Dũng đã đưa ra bí quyết làm giàu với 10 triệu đồng dành cho những bạn sinh viên muốn làm giàu trên chính quê hương mình đó là: “Với ao, hồ sẵn có của nhà, các bạn bỏ ra 3 triệu đồng mua máy ấp trứng, 3 triệu đồng mua vịt trời giống và 4 triệu đồng mua thức ăn. Vịt trời có đặc tính đẻ nhiều, không bị bệnh, chủ yếu ăn ngô mầm, thịt có giá trị kinh tế cao với giá bán tại gốc là 200.000 đồng/1kg”. Như vậy, với cách làm trên các bạn hoàn toàn có thể tự làm chủ cuộc sống của mình mà không cần vào nhà nước, chỉ cần các bạn có niềm đam mê, chịu khó, ham học hỏi thì chắc chắn các bạn sẽ thành công.

 

NGND.GS.Nguyễn Lân Dũng giao lưu cùng sinh viên


Trong phần trao đổi, giải đáp NGND.GS.Nguyễn Lân Dũng đã nhận được trên 60 câu hỏi của cán bộ, viên chức và sinh viên Nhà trường. Bằng các câu chuyện thực tế, ông đã dẫn chứng và phân tích nhiều vấn đề quan trọng được xã hội quan tâm hiện nay như: Thực phẩm biến đổi gen có hại hay không có hại; công nghệ di truyền trong tạo chọn giống cây, con; những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông – lâm nghiệp; nuôi cấy tế bào; nuôi cấy mô; các giống cây lai, ghép cho năng xuất, chất lượng cao…

 

NGND.GS.Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường


Thông qua buổi đối thoại, cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường đã có cơ hội trao đổi, lĩnh hội những kiến thức khoa học bổ ích, được nghe những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong ứng dụng công nghệ sinh học từ một nhà khoa học hàng đầu. Từ đó, giúp sinh viên thay đổi nhận thức, tư duy trong học tập, nghiên cứu khoa học./.

TT TT-TV


 

Mời quý vị xem thêm bài viết trên báo Bắc Giang:

http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/160268/truo-ng-da-i-ho-c-nong---lam-ba-c-giang--to--chu-c-do-i-thoa-i--nha--khoa-ho-c-vo-i-sinh-vien-.html

 
truyen 18+, truyen cuoi, truyen kiem hiep, tieu thuyet tinh yeu, doc truyen teen