Hai giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 8 |
Thứ hai, 04/11/2019 13:37 |
Sáng 31/10/2019 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ tổng kết, tôn vinh tài năng sáng tạo khoa học tỉnh Bắc Giang năm 2019. Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang vinh dự có hai giải pháp đạt giải Nhì và giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật. Hai giải pháp đó là “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang cây trồng mới (cây nho Hạ đen) làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” đạt giải Nhì của nhóm tác giả: Đỗ Thành Trung, Phùng Duy Hiếu, Bùi Thị Thu Trang – Trung tâm NCUD & CGCN Nông - Lâm nghiệp và “Chế phẩm Trichoderma một phương pháp sản xuất nông nghiệp bền vững” đạt giải Khuyến khích của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Phương, Nguyễn Thị Thúy Liên, Lã Thị Nguyệt, Chu Thùy Dương, Nguyễn Ngọc Tuấn – Khoa Nông học. Theo báo cáo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang, năm nay có 126 giải pháp tham dự Hội thi thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng như: Giáo dục và Đào tạo; Y dược, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; Cơ khí, tự động hóa, giao thông, vận tải; Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường. Xuất phát từ tinh thần sáng tạo, tìm tòi ra những điểm mới với mong muốn tạo ra những sản phẩm có ích phục vụ cuộc sống, lao động hàng ngày của người dân, các tác giả của Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, đưa vào ứng dụng sản xuất sao cho đạt năng suất cao nhất và tiết kiệm nhất.
Các tác giả của giải pháp ứng dụng công nghệ cao trồng cây nho Hạ đen nhận giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 8 Điển hình là giải pháp ứng dụng công nghệ cao trồng cây nho Hạ đen. Nổi bật ở chỗ, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Bắc Giang nói riêng và miền Bắc nói chung không phù hợp để trồng loại cây khó tính như nho Hạ đen nhưng các tác giả đã khắc phục những điểm bất lợi, sử dụng các biện pháp như dùng thép không gỉ căng dàn ngang hình chữ Y theo dọc luống, bên trên có vòm che bằng nilon, phủ bạt dưới gốc cây không cho cỏ dại mọc, giữ ấm cho đất và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại. Năng suất đạt 16,4 tấn/ha, giá bán bình quân 120 nghìn đồng/kg, lãi thuần 46 triệu đồng/sào, quả không hạt, độ ngọt ~ 18 độ brix, sau 2 năm trồng có thể thu hồi toàn bộ chi phí đầu tư và bắt đầu cho lợi nhuận. Theo TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, với việc trồng thành công nho Hạ đen đầu tiên trong cả nước, hy vọng tương lai không xa, trên địa bàn tỉnh sẽ có vùng nho lớn, trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Qua đó, Bắc Giang sẽ có thêm sản phẩm nông sản thế mạnh trên vùng đất vốn nổi tiếng bởi nhiều hoa thơm, trái ngọt. Hay như giải pháp sử dụng chế phẩm Trichoderma – một loại vi nấm có khả năng ký sinh và đối kháng trên nhiều loại nấm bệnh cây trồng, có khả năng phòng trị hoặc tiêu diệt các tác nhân gây bệnh và kích thích sự phát triển của rễ, giúp cho bà con nông dân giảm thiểu chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm công lao động trong quá trình sản xuất, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và xây dựng được một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững theo hướng nông nghiệp hiện nay.
Tác tác giả giải pháp sử dụng chế phẩm Trichoderma vào sản xuất nông nghiệp bền vững nhận giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 8 Là một trong những trường đại học đi đầu trong toàn tỉnh về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, chắc chắn Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang sẽ góp phần tích cực vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bắc Giang nói riêng và miền Bắc nói chung./. Ảnh: NVCC Trung tâm Thông tin – Thư viện
|