Viện độc lập về các vấn đề Môi trường (UfU) – Cộng hòa liên bang Đức thăm và làm việc tại Trường In
Thứ sáu, 05/05/2017 18:40

Sáng nay 5/5/2017, TS. Michael Zschiesche - Giám đốc UfU – CHLB Đức cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

Đi cùng đoàn còn có ông Harald Mark đại diện công ty MSP – CHLB Đức, bà Katrin Broemme và bà Nguyễn Thị Thủy – thành viên UfU.Tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác của UfU có TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Văn Bài – Trưởng khoa Tài nguyên & Môi trường; TS. Nguyễn Văn Vượng – Trưởng khoa Nông học; TS. Nguyễn Văn Hoàn – Trưởng khoa Lâm nghiệp cùng chuyên viên phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế.

Mở đầu buổi làm việc, TS. Nguyễn Quang Hà - Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ sự vui mừng khi được tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác của UfU. Sau khi giới thiệu những nét chính về Nhà trường, Thầy Hiệu trưởng đề nghị hai bên sẽ thảo luận thẳng vào các vấn đề trọng tâm.

TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi làm việc



Tiếp theo chương trình TS. Michael Zschiesche - Giám đốc UfU giới thiệu sơ bộ về UfU. Theo đó, UfU (Unabhängiges Institut für Umweltfragen – tên tiếng Anh: Independent Institute for Environmental Issues) là một Viện khoa học chuyên khởi xướng và quản lý các dự án khoa học, các hoạt động có tầm quan trọng về mặt xã hội và công cộng; thúc đẩy thay đổi tình trạng môi trường sinh thái đang xuống cấp...Viện được thành lập vào năm 1990, đến nay Viện có 26 nhân viên làm việc tại nhiều dự án tại Đức và các nước trên thế giới, trên các lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, luật môi trường và quản lý tài nguyên, môi trường.

 

TS. Michael Zschiesche - Giám đốc UfU giới thiệu về Viện UfU và Dự án.



TS. Michael Zschiesche cho biết, ở Đức, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân của Cộng hòa Liên bang Đức (gọi tắt là Bộ Môi trường Liên bang Đức - BMUB) tài trợ các dự án về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong các nước được nhận nhiều hỗ trợ từ các dự án này của Đức. Từ năm 1998, UFU đã hoạt động tại Việt Nam. Năm 2004 Viện đã thực hiện các dự án trong lĩnh vực bảo tồn đất. UfU cũng đã tham gia tổ chức Hội nghị đối thoại thường niên giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (Bộ TN&MT) và BMUB về các chủ đề bảo vệ đất, đất ô nhiễm và các biện pháp giải quyết, ứng phó với các chất thải công nghiệp nguy hại.



Ông Harald Mark đại diện công ty MSP – CHLB Đức giới thiệu về công ty MSP

 

Bà Katrin Broemme – thành viên UfU giới thiệu về Dự án


Năm 2013, BMUB đã tài trợ một chương trình nghiên cứu tiềm năng phát triển năng lượng sinh học. Dự án có tên là:"Dự án chống biến đổi khí hậu thông qua trồng cây năng lượng". Trong đó, cây năng lượng là tài nguyên quan trọng để phát triển năng lượng sinh học. Ý tưởng của dự án là tìm kiếm những vùng đất không phù hợp với trồng cây thực phẩm để phát triển cây năng lượng nhằm tránh xung đột. Mục tiêu của dự án là tìm kiếm các khu công nghiệp sau khai thác, các vùng đất ô nhiễm để phát triển cây năng lượng. Dự án đã được tiến hành tại 3 điểm là: khu vực khai thác khoáng sản mỏ đa kim Núi Pháo – Thái Nguyên, mỏ than – Quảng Ninh và mỏ Bô xít – Lâm Đồng. Ngoài trồng cây và giải quyết các vấn đề môi trường, Dự án còn quan tâm đến vấn đề kinh tế, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế. Về mặt quản lý, Dự án sẽ hỗ trợ Tổng cục Môi trường lập cơ sở dữ liệu về các khu mỏ đã và đang khai thác để quản lý cũng như xác định tiềm năng để trồng cây năng lượng. Cây năng lượng không chỉ giúp nhanh chóng mở rộng diện tích trồng cây, phủ xanh đất trống, chống xói mòn, tăng tính đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính tại các khu vực ảnh hưởng bởi khai thác khoáng sản, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng mới phục vụ đời sống cho người dân địa phương như: khí sinh học, nhiên liệu sinh học hoặc dùng để chế biến nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện... và tạo nguồn thức ăn chủ động cho gia súc trong điều kiện đất canh tác có hạn và bị thu hẹp.


Toàn cảnh buổi làm việc


Với tính khả thi của giai đoạn một, Viện đang xúc tiến triển khai giai đoạn 2 tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ hướng tới các vùng đất bạc màu thay vì đất mỏ và đất ô nhiễm. TS. Michael Zschiesche cho rằng, với các ngành nghề đào tạo về nông lâm nghiệp và môi trường, Đại học Nông – Lâm Bắc Giang sẽ là đối tác phù hợp để hợp tác với UfU trong việc triển khai giai đoạn 2 của Dự án.

Sau khi nghe phần giới thiệu của phía đối tác, TS. Nguyễn Quang Hà – Hiệu trường Nhà trường cho biết, Trường luôn sẵn sàng đóng góp công sức để chung tay thực hiện dự án với UfU. Tuy nhiên, thầy cũng lưu ý rằng, giai đoạn 1, Dự án hướng tới các vùng đất mỏ sau khai thác, các khu công nghiệp bị ô nhiễm nên các đơn vị chủ trì vốn dĩ có trách nhiệm khôi phục môi trường. Trong khi đó, giai đoạn 2 của Dự án hướng tới các vùng đất bạc màu có thể thuộc sở hữu của người dân hoặc địa phương. Vì vậy, một vấn đề đặt ra là lựa chọn loại cây để đảm bảo lợi ích về mặt kinh tế cho bà con.



TS. Nguyễn Văn Bài - Trưởng khoa TN&MT, TS. Nguyễn Văn Vượng - Trưởng khoa Nông học cùng đoàn công tác đến thăm và khảo sát thực địa tại xã Thượng Lan


Cũng trong chương trình làm việc, Đoàn công tác viện UfU đã đến thăm và khảo sát thực địa tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên – địa phương mà Trường đang hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Nếu thuận lợi, trong thời gian tới UfU và Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang sẽ phối hợp triển khai trồng cây năng lượng tại đây.

Trung tâm TTTV