Khép lại năm 2016 cũng ghi dấu chặng đường 5 năm nâng cấp trở thành Đại học, Nhà trường đã đạt những kết quả rất đáng khích lệ. Ông có thể chia sẻ thêm về những kết quả này? Năm 2011, nhà trường nâng cấp trở thành Trường ĐHNL Bắc Giang, hiện trường có 15 chuyên ngành đào tạo: Khoa học cây trồng; Bảo vệ thực vật; công nghệ sinh học; Chăn nuôi; Thú y; Chăn nuôi thú y; Quản lý đất đai; Quản lý tài nguyên và môi trường; Lâm sinh; Quản lý tài nguyên rừng; Lâm nghiệp đô thị; Kinh tế; Kế toán; Công nghệ thực phẩm; Kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường hiện đang đào tạo trình độ thạc sỹ khóa đầu tiên với 4 chuyên ngành: Khoa học cây trồng, chăn nuôi, Quản lý đất đai, Quản lý kinh tế. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ được tăng cường, hiện có 259 cán bộ viên chức (CBVC) trong đó có 29 tiến sỹ, 148 thạc sỹ. Với tiềm lực đó, nhà trường đã thực hiện nhiều đề tài/dự án các cấp đạt hiệu quả như: 2 dự án cấp nhà nước; 2 dự án cấp tỉnh; 2 dự án cấp huyện; 28 cấp trường và 60 đề tài cấp khoa. Năm 2016 có 43 bài báo khoa học trong đó 7 bài báo quốc tế, xuất bản 3 ấn phẩm khoa học. Theo đó, phát triển KHCN, xây dựng nhiều mô hình thành công trong sản xuất được nhà trường triển khai hiệu quả tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; chuyển giao một số công nghệ sản xuất đồ uống, chiết xuất tinh dầu nghệ ở Thanh Hóa, Bắc Giang… được đối tác đánh giá cao về công nghệ và chất lượng. Không chỉ đạt hiệu quả cao với các đề tài/dự án trong nước, trường còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trong năm 2016, trường đã tổ chức ký biên bản ghi nhớ với Sở KHCN Quảng Tây (Trung Quốc) về dự án hành lang biên giới về KHCN; bước đầu tham gia dự án hợp tác Phần Lan – Nga; ký 10 biên bản ghi nhớ với các đối tác trong nước.
Để nghiên cứu khoa học (NCKH) đạt hiệu quả, nhà trường đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất với hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm tương đối hiện đại và đồng bộ; Khu ký túc xá sinh viên được cải tạo sạch đẹp; khuôn viên có cảnh quan đẹp; xây dựng một số mô hình trình diễn về KHCN, nhất là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với sự phát triển vượt bậc về quy mô và hiệu quả hoạt động của nhà trường thì vấn đề liên kết với doanh nghiệp (DN), tạo cho sinh viên một môi trường thực tập hiệu quả đã được Nhà trường triển khai ra sao? Trường đã đẩy mạnh việc ký kết hợp tác cùng các đơn vị, DN nhằm tăng cường thúc đẩy các hoạt động đào tạo; trao đổi thông tin; phối hợp tham gia các đề tài, dự án; đặc biệt tạo cơ hội cho sinh viên được thực hành, thực tập và trải nghiệm thực tế từ DN. Năm 2016, trường đã ký kết biên bản ghi nhớ với trên 10 đơn vị, DN, điển hình Công ty TNHH New Hope Hà Nội chi nhánh Bắc Giang; Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia; Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang; Công ty Dinh dưỡng Hải Thịnh…Trên cơ sở liên kết giữa hai bên, hàng năm trường gửi sinh viên đến các công ty, DN, trang trại để thực hành thực tập theo các chương trình ngắn và dài hạn. Thông qua việc tiếp cận thực tiễn, giúp sinh viên nâng cao tay nghề, rèn luyện kỹ năng thực hành và đặc biệt sinh viên được làm việc trong môi trường công nghiệp, kỷ luật, năng động và đầy hiệu quả. Với mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng để sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu của các nhà tuyển dụng, sau 5 năm đào tạo đại học, trường đã tiến hành tổ chức các hội thảo đánh giá, đổi mới chương trình đào tạo đối với các ngành Quản lý đất đai, Kế toán, Khoa học cây trồng và Công nghệ thực phẩm. Ngày 11/9/2016, Đại học NLBG cùng lãnh đạo các đơn vị thực hiện dự án đã tiến hành ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án “Xây dựng hành lang khoa học nông nghiệp trong khu vực biên giới Việt - Trung”. Xin ông chia sẻ đôi nét về dự án? Việc tham gia thực hiện dự án mang lại ý nghĩa như thế nào cho sự phát triển của nhà trường? Được sự ủng hộ của Chính phủ hai nước và các bộ, ngành có liên quan, ngày 11/9/2016 tại Trung tâm Hội nghị sáng tạo và chuyển giao kỹ thuật Trung Quốc - ASEAN lần thứ 4, Hiệu trưởng nhà trường cùng lãnh đạo các đơn vị thực hiện dự án đã tiến hành ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án “Xây dựng hành lang khoa học nông nghiệp trong khu vực biên giới Việt - Trung”. Với tổng vốn đầu tư 4 triệu nhân dân tệ (khoảng 150 tỷ VNĐ), dự án thực hiện trong 3 năm (2016-2019) tại 4 tỉnh của Việt Nam gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh. Trong dự án này, Đại học NLBG là trường đại học duy nhất tham gia và giữ vai trò quan trọng đó là tư vấn khoa học kỹ thuật cho dự án. Dự án thực hiện một số nội dung: Xây dựng khu trình diễn nông nghiệp; sàng lọc và so sánh thử nghiệm giống cây trồng như lúa, ngô nếp, ngô ngọt, rau; thực hiện trình diễn và nghiên cứu công nghệ tổng hợp năng suất và chất lượng cao của một số giống cây trồng; triển khai đào tạo quốc tế về áp dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp đối với khu vực biên giới Việt Nam; trao đổi học thuật và các hoạt động kinh tế, thương mại. Việc tham gia dự án mang lại một số ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của nhà trường như: Từng bước xây dựng khuôn viên nhà trường thành khu trình diễn nông nghiệp công nghệ cao với những giống tiến bộ kỹ thuật như nho, một số loại dưa, một số giống ngô, lúa... Dự án được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, giảng viên (GV) và sinh viên nhà trường có cơ hội vận dụng lý thuyết vào thực hành, tiếp cận với nền khoa học tiên tiến, tăng cường năng lực triển khai và quản lý dự án quốc tế, là cơ hội tốt để nâng cao trình độ ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Trung. Trường hiện có trên 20 nhà khoa học có trình độ tiến sỹ được đào tạo từ Trung Quốc, do vậy việc triển khai dự án sẽ thuận lợi. Dự án được triển khai sẽ góp phần vào xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nhân lực có trình độ, chất lượng cao cho tỉnh và các tỉnh lân cận phát triển, nhà trường đã có hướng đi và giải pháp nào nhằm thực hiện trọng trách này? Với mục tiêu xây dựng nhà trường trở thành trường đại học, một trung tâm có uy tín về Đào tạo & NCKH không chỉ ở Bắc Giang mà còn ở vùng Đông Bắc Việt Nam, do vậy hướng đi và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung vào các vấn đề sau: Nâng cao chất lượng đội ngũ GV: Hiện nay nhà trường có 29 GV có trình độ tiến sỹ, đạt 21% cao hơn so với trung bình toàn ngành giáo dục (19%). Hiện nay có khoảng 15 GV đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, những năm tới tỷ lệ GV có trình độ cao sẽ tăng lên nhiều. Phấn đấu đến năm 2020 ĐHNL Bắc Giang có ít nhất 2-3 Phó Giáo sư. Tăng cường cơ sở vật chất: Để đảm bảo việc nghiên cứu chuyên sâu, nhà trường sẽ đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm cho từng khoa, bắt đầu từ năm 2017, mỗi khoa sẽ chọn một phòng thí nghiệm để nhà trường đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại. Ngoài nguồn kinh phí NCKH, hàng năm trường đầu tư khoảng 01 tỷ đồng cho các đề tài NCKH. Tiến tới nhập khẩu chương trình đào tạo tiến tiến; khuyến khích các khoa chuyên môn tự thu thập để nhập khẩu chương trình đào tạo từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Đẩy mạnh quản trị đại học theo hướng đổi mới: Tự chủ về tổ chức nâng cao hiệu quả của bộ máy tổ chức xây dựng trên quan điểm tăng cường hỗ trợ, phục vụ người học; Tự chủ về nhân sự nhằm thu hút và đào tạo nhân tài; Tự chủ về NCKH nhằm từng nước nâng cao năng lực nghiên cứu và chú trọng đến sản phẩm đầu ra của nghiên cứu (công trình, bài báo, công nghệ…). Cải tiến công tác quản lý, đánh giá chất lượng công việc, giao quyền tự chủ cho các đơn vị để các đơn vị, CBVC nâng cao trách nhiệm, chủ động trong công việc làm việc năng động sáng tạo. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước: Trên cơ sở các mối quan hệ sẵn có với các đối tác trong và ngoài nước, ĐHNL Bắc Giang tiếp tục mở rộng mối quan hệ với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ để trao đổi và thu hút nguồn lực phát triển nhà trường. Những năm qua, ĐHNL Bắc Giang đã mời một số giáo sư người Mỹ, Nhật đến trao đổi và trình bày những chuyên đề khoa học cho GV và sinh viên của trường. Những năm tới trên cơ sở hợp tác về đào tạo, trường sẽ mời một số nhà khoa học nước ngoài đến tham gia giảng dạy tại trường.
|