NGHIÊN CỨU KHOA HỌC & HTQT
Nho Hạ Đen - cây trồng mới cho nông dân In
Thứ năm, 24/06/2021 16:34

Tháng 6/2020, UBND tỉnh phê duyệt dự án “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình sản xuất nho Hạ Đen nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” do Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang thực hiện. Sau một năm triển khai, dự án bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra hướng áp dụng cây trồng mới cho nông dân.


“Phá dớp” không trồng được nho tại miền Bắc


Tháng 3/2017, thực hiện dự án hành lang khoa học biên giới Việt - Trung, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nhận chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc nho Hạ Đen từ Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc).


ThS. Phùng Duy Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Nông - Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang) hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc Nho Hạ đen


Với sự hướng dẫn của các chuyên gia, kỹ thuật viên đến từ nước này, vườn nho rộng 2.200 m2 được hình thành ngay trong khuôn viên nhà trường với 800 gốc nho đầu tiên được trồng. Với kỹ thuật được sử dụng tiên tiến nhất, cùng với độ thích nghi của cây nho, sau 1 thời gian ngắn đã cho quả với năng suất cao, khoảng 16 tấn/ha.

Nhận thấy nho Hạ Đen thích ứng tại vùng đất Việt Yên, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tháng 3/2019, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT mở rộng nhập khẩu cây giống, trồng tại các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn La, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và TP Hà Nội với tổng diện tích 2,5 ha để tự trồng, chăm sóc theo công nghệ được chuyển giao, từ đó khảo nghiệm khả năng thích ứng của nho Hạ Đen với khí hậu miền Bắc.

Một năm sau, 100% điểm trồng đã ra hoa, kết trái với chất lượng, năng suất vượt so với dự kiến. Nhận thấy khả năng phát triển của giống cây này, tháng 6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án KH&CN cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình sản xuất nho Hạ Đen nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”, giao Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN nói: “Việc phê duyệt nhiệm vụ này cho thấy tỉnh đánh giá cao khả năng phát triển cũng như giá trị kinh tế cây nho Hạ Đen mang lại bởi trước đây từng có rất nhiều giống nho trồng ở miền Bắc không mang lại hiệu quả. Thành công của Trường Đại học Nông - Lâm “phá dớp” không thể trồng, phát triển cây nho tại miền Bắc”.


Mở hướng làm giàu mới


Ngay sau khi được phê duyệt dự án, nhóm tác giả thực hiện đã nghiên cứu, lựa chọn hai địa điểm để triển khai mô hình với quy mô 1,5 ha. Ghi nhận tại Hợp tác xã (HTX) rau sạch Mỹ Thái (Lạng Giang) - nơi đang trồng giống nho này cho thấy, để chăm sóc 10 nghìn m2 với 4 nghìn gốc nho, HTX lắp đặt mái che, công nghệ tưới nhỏ giọt và giao cho một kỹ sư phụ trách khu vực trồng nho, mọi diễn biến về quá trình sinh trưởng của cây đều được ghi lại cẩn thận.

Hàng tuần, cán bộ của Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ đến tận nơi kiểm tra, hướng dẫn người lao động thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, bảo đảm cây phát triển tốt. Tương tự, cuối năm 2020, gia đình bà Thân Thị Tuyết, ở xã Hồng Thái (Việt Yên) quyết định phá bỏ 5 nghìn m2 cây ăn quả (cam, bưởi) để trồng 2 nghìn cây nho.

Đến nay, vườn nho của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cho quả vào đầu năm 2022. “Vườn nho đang vươn lên xanh tốt và cán bộ kỹ thuật đánh giá sẽ chắc chắn cho quả, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thu nhập cao”, bà Tuyết chia sẻ.

Sau 4 năm tiếp cận công nghệ trong trồng nho Hạ Đen, đến nay Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật, đồng thời chuyển giao, mở rộng diện tích trồng nho ra toàn miền Bắc với tổng diện tích khoảng 100 ha. Đây sẽ là nguồn để bổ sung giống cây trồng mới cho việc đa dạng cây trồng ở Bắc Giang và các tỉnh miền Bắc.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết (Báo Bắc Giang)

 
<< Trang đầu < Trang trước 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 Trang sau > Trang cuối >>

Trang 51 / 119