Chàng trai 8X "khiến" cây nho nở hoa, kết trái trên vùng đất đỏ bazan |
Thứ sáu, 11/06/2021 15:50 |
Sau nhiều năm bôn ba học hỏi, chàng trai 8X ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã quyết tâm mang giống nho hạ đen từ miền Bắc về trồng trên vùng đất đỏ bazan. Bước đầu, cây đã cho quả ngọt... Chàng thanh niên 8X mà chúng tôi muốn nói tới là anh Lê Văn Chúc (SN 1986), trú ở làng Mới Lập, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Đưa cây nho "bén duyên" trên đất Nghệ An Anh Lê Văn Chúc sinh ra và lớn lên trên mảnh đất còn khó khăn của xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn. Gia đình vốn là nông dân, cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, không đủ ăn nên việc học hành của anh Lê Văn Chúc cũng chỉ dừng lại ở hết lớp 12. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh đi làm ăn khắp nơi, nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống. Thấu hiểu những vất vả của cha mẹ và đàn em nhỏ, nên anh Lê Văn Chúc quyết định trở về quê hương lập nghiệp.
Vườn nho hạ đen của anh Lê Văn Chúc phát triển rất tốt Những ngày đầu lập nghiệp, với số vốn ít ỏi vay ngân hàng để trồng cam, quýt trên vùng đất đỏ bazan cũng chẳng khấm khá hơn là bao, thậm chí khi được mùa thì mất giá. Sau một thời gian dài loay hoay trong việc chuyển đổi cây trồng nhưng không hiệu quả, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin, anh Lê Văn Chúc nhận thấy giống nho hạ đen trồng ở Bắc Giang cho hiệu quả kinh tế cao. Anh liền khăn gói lên đường ra Bắc Giang tìm đến những vườn nho cho hiệu quả cao để học hỏi. Sau một thời gian tìm hiểu, anh đã nắm khá vững những kiến thức về trồng nho. Khoảng giữa năm 2020, anh mua 400 gốc nho không hạt (còn gọi nho hạ đen) về quê nhà để trồng thử nghiệm trên đất đỏ bazan. Đến nay, cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, cho vụ quả đầu tiên.
400 gốc nho của anh Chúc đều phát triển rất tốt Đứng giữa vườn nho trĩu quả, anh Lê Văn Chúc nở nụ cười mãn nguyện với những thành quả bước đầu: "Đây vốn là đất trồng cam, quýt của gia đình, tuy nhiên, vài năm gần đây cho thu nhập rất bấp bênh. Tôi đã đến Trường đại học Nông lâm Bắc Giang tìm hiểu và mua giống nho về trồng thử nghiệm trên diện tích 3.000 m2. Tới nay, cây đã cho quả đẹp…". Vườn nho được anh Lê Văn Chúc đầu tư làm giàn ngang và giàn hình chữ Y theo dọc luống. Trồng cây theo cách: Hàng cách hàng 2,5-3 m, cây cách cây một m, bên trên làm mái vòm nilon trong suốt để hạn chế mưa, sương, gió. Ngoài việc lên luống cao, anh còn cho đào thêm các tuyến mương trữ, thoát nước xung quanh vườn để tránh ngập úng.
Vườn nho của anh Chúc trồng đúng kỹ thuật của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nên cây phát triển rất tốt Theo anh Lê Văn Chúc, kỹ thuật trồng nho quan trọng nhất là phải thiết kế được hệ thống thoát nước, chống ngập úng. Theo tính toán của anh, chi phí cho một cây nho từ khi trồng cho đến khi thu hoạch rơi vào khoảng 500.000 đồng. Với 400 gốc nho hiện tại, số vốn anh bỏ ra đã lên đến gần 200 triệu đồng. Quả ngọt đầu mùa Được tiếp cận các kỹ thuật của Trường đại học Nông lâm Bắc Giang cộng với sự cần cù chịu khó, vườn nho hạ đen của anh Chúc sinh trưởng phát triển tốt, cây trĩu cành, quả mọng, ngọt, giòn.
Sau gần 1 năm đưa vào trồng, vườn nho của anh Chúc đã cho kết quả ngoài mong đợi Cây nho hạ đen phát triển tốt, đầu ra được Trường đại học Nông lâm Bắc Giang bao tiêu nên đến thời điểm này anh Lê Văn Chúc tự tin là mình đã thành công. Qua theo dõi, cây nho hạ đen thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khô nóng cũng như thổ nhưỡng của địa phương. Bộ rễ cây phát triển mạnh, lá to dày, cây ít bị các bệnh thường gặp ở cây nho như bệnh nấm, bọ trĩ. Theo anh Lê Văn Chúc, cây nho hạ đen có chu kỳ sinh trưởng kéo dài từ 15-20 năm. Mỗi năm, cây cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 3 và tháng 6. Vì vậy, dù vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng hiệu quả kinh tế kéo dài, càng về sau càng tiết kiệm chi phí.
Vườn nho của anh Chúc cho vụ đầu tiên khoảng một tấn quả Vụ quả bói đầu tiên gia đình thu hoạch được hơn một tấn. Bình thường giống nho này được bán vào các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch với giá từ 130.000-150.000 đồng/kg. Ông Hoàng Văn Chuân - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết: "Những năm qua, trên địa bàn xã Nghĩa Yên nông dân chuyển đổi cây trồng ồ ạt trong đó có cây cam, quýt phát triển mạnh dẫn đến cung vượt cầu. Trước thực trạng đó, đã có nhiều hộ mạnh dạn tìm hướng đi mới, trong đó có anh Lê Văn Chúc đã thành công với mô hình nho không hạt". Nguyễn Duy (Dân trí) |