Trồng nho Hạ Đen hiệu quả cao nhưng không dành cho người lười |
Thứ ba, 15/09/2020 14:16 |
Từng có nhiều thử nghiệm trồng nho nội, ngoại ở phía Bắc nhưng đều thất bại thảm hại cho đến khi có gói kỹ thuật dành cho một giống nho mới mang tên Hạ Đen.
Tỉa quả ở vườn nho nhà anh Vinh. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ruộng lúa, vườn nho sau 6 tháng Ít ai ngờ vườn nho rộng 4.000m2 với 1.300 cây đang đeo trĩu quả của anh Nguyễn Tiến Vinh ở tổ dân phố Nguộn, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên, Bắc Giang) chỉ cách đây có hơn 6 tháng vốn là ruộng lúa bạc màu. Trong dịp tình cờ anh biết được thông tin về giống nho mới mang tên Hạ Đen do Đại học Nông lâm Bắc Giang giới thiệu nên đã đầu tư khoảng 600 triệu để cải tạo khu ruộng cao của nhà mình thành vườn nho với thiết kế khá đơn giản, mái che nylon và kiểu giàn chữ Y. Ngày 11/3/2020 xuống giống, giờ đây chúng đều sinh trưởng phát triển tốt, mỗi cây có 12 cành cấp 2, mỗi cành để 1 chùm quả. Tuy còn xanh, chưa được thu nhưng ước sẽ cho năng suất khá cao. Anh Vinh bộc bạch: Đối với các cây trồng khác có mùa vụ chăm sóc sau đó là nghỉ ngơi nhưng với nho Hạ Đen từ thời điểm xuống giống cho đến lúc được thu, không có ngày nào là không phải chăm. Trong thời gian cây lớn liên tục phải ngắt ngọn, cứ ra 5 lá 1 lần, đồng thời tỉa chồi nách để thân cây to thêm. Sau khi cây cao chừng 1m phải phân nhánh cành cấp 1, sau đó lại phân nhánh cành cấp 2, phải buộc cành đồng thời liên tục bấm tỉa chồi nách, ngắt ngọn tiếp.
Thiết kế của vườn nho nhà anh Vinh. Ảnh: Dương Đình Tường.
Nho là cây dây leo nên tốc độ phát triển rất nhanh, diện tích lớn thì hôm nay ngắt ngọn, bấm tỉa cuối vườn thì một hai ngày sau đầu vườn cây đã phát triển rồi. Bởi thế bình thường vườn nhà anh cần 3 lao động làm toàn thời gian, vào giai đoạn cao điểm phải tỉa quả, chọn quả sẽ cần tới hơn 10 lao động trong suốt gần 1 tháng. Hạ Đen khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên mà phải có biện pháp xử lý. Yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt bởi cây tương đối mẫn cảm, thu hút nhiều loại sâu bệnh nên phải phòng trừ đúng thời điểm, đúng liều lượng... Sau khi thăm vườn nhà anh Vinh chúng tôi để trở lại buổi lễ đón nhận bằng bảo hộ và công bố lưu hành giống nho Hạ Đen tại trường Đại học Nông lâm Bắc Giang. Suốt hành trình, nhiều người cứ nắc nỏm về gói quy trình kỹ thuật đã biến điều không thể thành có thể khi không những chỉ trồng thành công nho ở miền Bắc mà còn mở ra một hướng đi mới cho bà con.
Anh Vinh đang chăm sóc cho nho. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cần những điều kiện gì để trồng nho? Ông Nguyễn Tuấn Điệp-Hiệu phó trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cho biết, đến thời điểm hiện tại đơn vị đã triển khai 12 mô hình trồng Hạ Đen ở các tỉnh, nơi có diện tích nhiều như Bắc Giang 4 ha, Cao Bằng 3 ha, Sơn La 1 ha, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái… tổng khoảng 20 ha: “Trước đây trường đã đưa nho Pháp về trồng thử rồi mang cả nho từ Ninh Thuận ra thử nghiệm nhưng đều không thành công bởi xác định giống không phù hợp với khí hậu, sinh thái. Gần đây, để tránh thất bại trường đã sang hợp tác với Trung Quốc để chọn giống ở những nơi có điều kiện sinh thái tương tự miền Bắc. Lúc đầu nhiều chuyên gia trong nước cũng khuyên là không nên bởi có nhiều bài học thất bại trước đây rồi nhưng chúng tôi vẫn quyết định thử. Kết quả vượt cả ngoài sự trông đợi, trồng đầu năm 2017 thì cuối năm cho thu hoạch. Bình thường nho chỉ 1 năm 1 vụ thì Hạ Đen 1 năm 2 vụ, năng suất rất cao tới 10 tấn/ha, chất lượng tốt với độ ngọt (brix) tới 18-19 trong khi nho thường chỉ 16-17. Hiệu quả kinh tế của nho Hạ Đen vượt hẳn so với các loại cây ăn quả truyền thống của miền Bắc”.
Bà Trần Thị Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đang tìm hiểu mô hình nho ở nhà anh Vinh. Ảnh: Dương Đình Tường.
Với những giống mới, đã có nhiều bài học kinh nghiệm về chuyện vội vã trồng rồi lại vội vã chặt. Vậy điều kiện như thế nào có thể trồng được? Tôi hỏi ông Điệp và nhận được sự trả lời: Mái che nylon là điều kiện tiên quyết khi trồng nho Hạ Đen ở miền Bắc để phòng ngừa mưa gió gây ra rách lá, cây phát sinh nấm bệnh. Đất trồng nho thích ứng khá rộng, từ đất ruộng, đất bãi đến đất đồi núi thậm chí cả đất bạc màu nhưng cần phải tuyệt đối không để bị ngập nước. Theo mô hình mà nhà trường chuyển giao, đầu tư tất tật từ giống, vật tư nhà màng công khoảng trên 1 tỉ/ha, tương đương 1 sào khoảng 40 triệu. Ngoài kinh tế, điều kiện để thành công nữa là người trồng phải thực sự tâm huyết. Với những hộ đã có kinh nghiệm trồng cây ăn quả rồi thì khả năng thành công cao, còn những người chưa trồng bao giờ sẽ rất khổ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của nhà trường khi phải chuyển giao công nghệ, nhất là ở giai đoạn đầu.
Cận cảnh một chùm nho Hạ Đen lúc còn non. Ảnh: Dương Đình Tường.
Một thông tin đáng lưu ý là do nho Hạ Đen đang trở thành cây trồng hot nên thời gian vừa qua nhiều người dân nhất là ở tỉnh Lạng Sơn đã tự nhập chui hàng theo kiểu “xách tay” mang về trồng và tự nhân giống bán ra thị trường. Hậu quả là khiến nhiều người dân tại các tỉnh, thành mua giống về trồng, do không được hướng dẫn kỹ thuật bài bản nên 2 - 3 năm không có quả, lãng phí tiền của và công sức. Một số trường hợp sau đó lại phải cầu cứu nhà trường để cán bộ kỹ thuật tiến hành tiếp nhận, đi hướng dẫn lại theo đúng kỹ thuật như điểm của anh Hà ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ trồng quy mô 10.000 m2 gần 3 năm chưa có quả, điểm của chị Hoa ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trồng quy mô khoảng 4.000m2 gần 3 năm chưa có quả. Sau khi được hướng dẫn kiểu cầm tay chỉ việc, mọi vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng. Nho Hạ Đen bước đầu tỏ ra cho hiệu quả kinh tế khá cao, sau khoảng 2-3 vụ (hơn 1 năm) người trồng có thể hòa vốn và có lãi, ngoài việc thu quả, các vườn nho có thể trở thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm
Link: https://nongnghiep.vn/trong-nho-ha-den-hieu-qua-cao-nhung-khong-danh-cho-nguoi-luoi-d273020.html Vân Đình Báo Nông nghiệp Việt Nam
|