Giấc mơ nho cho miền Bắc In
Thứ sáu, 13/09/2019 15:57

Hơn 20 năm trước, miền Bắc từng có một giấc mơ nho khi nhập giống nho từ Pháp về trồng nhưng không thành công, sau đó việc di thực một số giống nho khác về cũng gặp nhiều trắc trở cho đến tín hiệu tốt của hôm nay…

Tăm tắp vườn nho

Khi nghe anh Phùng Duy Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ Nông lâm nghiệp thuộc Trường Đại Nông-Lâm Bắc Giang chỉ đạo tỉa bỏ bớt quả nho trên giàn, người cháu của ông chủ HTX Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa - Bắc Giang) vừa làm vừa tiếc. Mũi kéo chạm vào quả non như chạm vào chính da thịt của anh. Thói thường, các nhà vườn cứ thấy quả ra trĩu trịt là mừng chứ không hề biết đến chuyện phải tỉa.

Công nhân tỉa nho ở HTX Đồng Tâm 3.

Bởi vậy mà trung tâm của Hiếu phải cử 3 người xuống để hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ thao tác đồng thời giám sát luôn hàng chục công nhân đang cắt ở đây. Công việc này cần tiến hành càng sớm càng tốt khi quả nho mới nhỏ bằng hạt đậu và càng nhanh càng tốt bởi để chúng sẽ lớn rất mau, chèn ép vào nhau, phát triển thiếu cân đối và không thể đạt kích cỡ tiêu chuẩn.

Mới nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng tỉa nho là công đoạn tỉ mẩn đến cầu kỳ vì không chỉ liên quan đến chất lượng quả mà còn quyết định cả đến hình dáng của chùm nho sau này có bắt mắt hay không.

 

Kỹ thuật được phổ biến là tỉa theo hình chữ V với đỉnh trên cùng để mỗi bên 5 quả, phía dưới là 2 hàng để mỗi bên 4 quả, dưới nữa để mỗi bên 3 quả, rồi 2 hàng để mỗi bên 2 quả và cuối cùng là để 1 quả ở đáy. Đó là với chùm nho sai còn những chùm thưa hơn cũng vẫn tỉa theo hình chữ V nhưng không nhất thiết phải theo đúng niêm luật nghiêm ngặt như vậy. Thường những quả chĩa hướng vào bên trong bị loại bỏ đầu tiên.

Khác với giàn trồng mẫu kiểu chữ Y của trung tâm, ở đây làm giàn kiểu vuông bởi vậy mỗi gốc có tới 20 cành cấp 2 với 20 chùm quả. Ông Nguyễn Văn Nghiệp- Giám đốc HTX Đồng Tâm 3 cười rất tươi bảo với tôi rằng, ngay từ đầu khi làm hệ thống nhà màng cũng không định trồng nho mà là trồng dưa lưới nhưng khi nghe thấy thông tin hấp dẫn của giống Hạ Đen đã mạnh dạn chuyển hướng.

Nho sai trĩu cành.

Ngoài nhà màng có sẵn, ước tính ông đã đầu tư xuống đây khoảng 500 triệu đồng với hệ thống tưới nhỏ giọt, cung cấp dinh dưỡng đến từng gốc nên cả ngàn cây như một, ra hoa, kết quả đều tăm tắp.

Ba năm thử nghiệm

Đi dưới bóng mát của 5.000 m2 giàn nho lúc lỉu quả mà lòng tôi nhen nhóm lên hi vọng cho miền Bắc khi nghe anh Hiếu khẳng định thành công đã nắm chắc trong tay cỡ 70-80%. Xin được kể qua một chút về lai lịch của dự án. Tháng 9/2016 trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Trung Quốc- Đông Nam Á lần thứ 14 ở Nam Ninh (Trung Quốc), dự án Hành lang khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt-Trung đã được ký thỏa thuận.

Đầu năm 2017, mô hình trình diễn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đại học Nông-Lâm Bắc Giang tiến hành dưới sự chuyển giao của Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây với 3 loại cây trồng là nho Hạ Đen, dưa lưới và các giống ngô mới, trong đó triển vọng nhất vẫn là nho. 1 vườn nho rộng 2.200m2 được thành hình ngay trên mảnh đất cằn cỗi của đơn vị.

Theo anh Hiếu tìm hiểu nho vốn không phải cây bản địa ở vùng Quảng Tây mà trước đây là mía. Khí hậu Quảng Tây khá giống khí hậu miền Bắc của Việt Nam nên khi đưa nho về trồng thử nghiệm 10 năm trước cũng có nhiều lo lắng, bởi tuy có thể chịu được biên độ nhiệt từ 5-45 độ C nhưng nho yêu cầu phải khí hậu khô bởi bộ lá mỏng nên hễ mưa lắm, ẩm nhiều là nát, là dễ sinh ra nấm bệnh.

Thế nhưng các nhà khoa học đã khắc phục được điểm yếu này bằng biện pháp che phủ nylon và nhanh chóng mở rộng diện tích nho của tỉnh Quảng Tây lên đến cả trăm ngàn ha.


Khu trồng nho thực nghiệm ở Trường Đại Nông - Lâm Bắc Giang.

Một chuyên gia Trung Quốc được cắt cử sang "ba cùng" với dự án hơn 2 năm trời. Thời gian đầu, do chưa kịp làm mái che nên vụ thứ nhất hoàn toàn không cho thu hoạch bởi mưa xuống khiến bộ lá của nho nát hết, các loại nấm bệnh như thán thư, sương mai dễ dàng tấn công. Đến khi nhà màng làm xong thì mọi thứ mới dần đi vào ổn định.

Hạ Đen là giống nho á nhiệt đới có nguồn gốc nhập từ Đài Loan mà xa nữa là từ Nhật Bản, khác hẳn với giống nho nhiệt đới của Ninh Thuận, Việt Nam. Nếu để tự nhiên giống này sẽ ra quả quanh năm nhưng bằng cách xử lý cắt tỉa, phun chất điều tiết sinh trưởng các nhà khoa học của trung tâm đã tạo ra hai vụ giống như ở Trung Quốc.

Ước tính đầu tư cho 1 sào trồng nho hơn 40 triệu gồm xây dựng cơ sở vật chất (dựng cọc, làm giàn, kéo màng che phủ…) chiếm khoảng 30 triệu, còn lại là công làm giàn, công lao động, vật tư nông nghiệp…Tuy chi phí khá cao nhưng khung giàn có thể dùng trong 20 năm, màng phủ 2 năm thay thế 1 lần, mỗi 1 sào mất chừng 1,6 triệu đồng. Năng suất lý thuyết của Hạ Đen khoảng 20 tấn/ha nhưng thực tế khi trồng ở Việt Nam qua mấy vụ liên tục đạt khoảng 16- 18 tấn/ha.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015 diện tích cây nho của nước ta khoảng 1.300 ha thì Ninh Thuận đã chiếm cỡ 1.200 ha, sau đó là Bình Thuận, miền Bắc gần như không có nho hàng hóa.

Cụ thể, trên diện tích 2.200m2 của khu dự án vụ 1 năm 2018 được 400 kg với giá bán 150.000đ/kg thu 60 triệu, 2 vụ năm 2018 được 1,4 tấn với giá bán 150.000đ/kg thu 210 triệu, vụ 1 năm 2019 được 2,5 tấn với giá bán 120.000đ/kg thu 300 triệu.


Như vậy, thời gian hoàn vốn ngay trong năm thứ 2, năm thứ 3 đã cho thu lợi nhuận ước khoảng 46 triệu/sào (tính cộng cả 1 vụ cuối năm 2019 sẽ cho thu hoạch).

Nho thường có các loại sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ, nhện trắng hay bệnh sương mai hại lá, bệnh thán thư hại quả. Hướng tới chất lượng VietGAP, từ khi quả chuyển màu sẽ được bọc lại bằng bao, không sử dụng đến hóa chất nữa, 40 ngày sau mới thu hoạch để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Nhờ có nguồn gốc rõ ràng nên sản phẩm làm ra luôn trong tình trạng không có đủ để mà bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch bởi nhu cầu nho của miền Bắc rất lớn, mỗi ngày chợ đầu mối Long Biên phải nhập về 300-400 tấn.

Nho trồng ở Việt Nam tuy bé nhưng lại ngọt hơn nho Trung Quốc.

Quả nho khi trồng ở Việt Nam không to như ở Trung Quốc, mỗi chùm 63 quả chỉ đạt 450 gram thay vì 600-700 gram, vỏ có dày hơn nhưng ngược lại, chất lượng quả được cả chuyên gia ngoại lẫn nội ngợi khen bởi độ ngọt cao hơn (brix đạt 20,5), thịt quả giòn, vị rất thanh. Là giống nho không có hạt nên Hạ Đen khi chín khoảng 1 tuần mà không thu hái sẽ tự rụng dù cuống vẫn còn tươi chứ không để lâu trên cây đến khi khô cuống được như những giống nho có hạt.

Tháng 3/2019 được sự đồng ý của Bộ NN- PTNT, Trung tâm đã tiến hành mở rộng diện tích trồng nho trên các vùng sinh thái khác nhau của miền Bắc gồm 8 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La, Vĩnh Phúc với diện tích khoảng 5 ha. Dự kiến tháng 12/2019 tại điểm HTX Đồng Tâm 3 xã Thường Thắng huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và điểm ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội sẽ cho quả vụ đầu tiên, số còn lại dự kiến thu vào tháng 6/2020. Tháng 6/2019, đơn vị đã làm thủ tục xin đăng ký bảo hộ cũng như xét công nhận giống nho Hạ Đen này…

“Điều kiện tiên quyết để trồng nho Hạ Đen tại miền Bắc là phải có nhà màng che phủ bên trên nhưng xung quanh không cần phải quây kín. Thứ nữa yêu cầu đất có thành phần cơ giới nhẹ, tốt nhất là đất bãi, không được để ngập nước.

Kinh nghiệm ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội có hai điểm thử nghiệm cách nhau chỉ khoảng 400m nhưng một thoát nước tốt phát triển bình thường, một không bơm kịp để ngập nguyên ngày cây đã trút sạch lá, giờ mới đang hồi phục.

Để phát triển kinh tế, theo tính toán của chúng tôi diện tích phù hợp nhất cho một nông hộ vào khoảng 5 sào, vừa đủ cho hai lao động thường xuyên và cho hiệu quả cao nhất”

(Phùng Duy Hiếu-Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ Nông lâm nghiệp).

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜng