Hội thảo “Đánh giá hiệu quả của sử dụng bầu hữu cơ trong nhân giống cây lâm nghiệp và trồng rừng” In
Thứ sáu, 08/11/2019 16:28

Nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng bầu hữu cơ trong nhân giống cây lâm nghiệp và trồng rừng tại tỉnh Bắc Giang. Sáng ngày 08/11/2019, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiệu quả của sử dụng bầu hữu cơ trong nhân giống cây lâm nghiệp và trồng rừng”. Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giá thể bầu hữu cơ trong nhân giống cây keo, bạch đàn nhằm nâng cao hiệu quả trồng rừng và thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang” do UBND tỉnh Bắc Giang giao cho Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang thực hiện.

 

TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo


Tham dự Hội thảo có ông Lương Vũ Thắng – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bắc Giang; ông Hoàng Văn Chúc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH 2 thành viên Lâm nghiệp Yên Thế; ông Nguyễn Văn Kiêm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam cùng cán bộ, chuyên gia của hai công ty. Về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Văn Hoàn – Trưởng khoa Lâm nghiệp; TS. Nguyễn Tuấn Dương – Trưởng phòng Đào tạo, Chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia thực hiện đề tài.

 

ThS. Nguyễn Thị Thanh Nguyên – Giảng viên khoa Lâm nghiệp, thành viên nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo đánh giá hiệu quả của việc xây dựng mô hình trồng rừng từ bầu hữu cơ


Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhóm thực hiện đề tài báo cáo đánh giá hiệu quả của việc xây dựng mô hình trồng rừng từ bầu hữu cơ. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu 12 công thức thí nghiệm thành phần và tỷ lệ phối trộn các chất hữu cơ tạo bầu khác nhau với thí nghiệm đối chứng là bầu đất. Mỗi công thức thí nghiệm được tiến hành 30 mẫu, 3 lần nhắc lại, thời gian theo dõi thí nghiệm từ 6 – 8 tháng. Tỷ lệ sống ở các công thức phối trộn có sự khác nhau rõ rệt và tỷ lệ phối trộn của các thành phần hữu cơ tạo bầu ảnh hưởng đến khả năng ra rễ, tốc độ sinh trưởng của cây con ở giai đoạn vườn ươm.

 

Đại biểu, khách mời xem cây giống Bạch đàn và Keo trồng bằng bầu hữu cơ và bầu đất


Tháng 3/2019 Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam tiến hành trồng thử nghiệm giống Bạch đàn CT3 bằng cây con nhân giống giá thể bầu hữu cơ trên địa bàn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Sau 9 tháng, nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả của sử dụng bầu hữu cơ trong nhân giống cây lâm nghiệp và trồng rừng là: Chất lượng cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống cao; giảm chi phí vận chuyển trọng lượng bầu hữu cơ bằng 1/5 bầu đất; chất lượng cây giống ổn định góp phần tăng thu nhập cho người trồng rừng; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải từ vỏ bầu nilon gây ra…

 

Ông Nguyễn Văn Kiêm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam phát biểu tham luận

 

Ông Hoàng Văn Chúc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH 2 thành viên Lâm nghiệp Yên Thế phát biểu tham luận

 

Ông Lương Vũ Thắng – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học,

Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bắc Giang phát biểu


Trao đổi tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đơn vị tham gia thực hiện đã tích cực đóng góp các ý kiến về những ưu, nhược điểm mà họ gặp phải trong quá trình sản xuất và sử dụng bầu hữu cơ trong nhân giống cây lâm nghiệp và trồng rừng như bầu hữu cơ có khối lượng nhẹ thuận lợi cho việc vận chuyển mà không bị vỡ bầu, đặc biệt vận chuyển đường dài một xe có thể vận chuyển được nhiều mà không lo quá tải, cây để trồng lên nhau không bị dập nát, cây ở vườn ươm chăm bón dễ dàng, ruột bầu tơi xốp giúp rễ cây phát triển tốt. Tận dụng được nguồn nguyên liệu hữu cơ có sẵn tại địa phương. Vỏ bầu tự phân hủy nên không gây ảnh hưởng đến môi trường. Công suất máy đóng bầu đạt 30.000 đến 40.000 bầu một ngày gấp 4 lần so với đóng bầu thủ công.

Bên cạnh đó còn những hạn chế đầu tư máy móc ban đầu cao chỉ phù hợp với sản xuất vừa và lớn. Bầu thoát nước nhanh nên phải tưới thường xuyên, khi trồng rừng gặp điều kiện không thuận lợi ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cây. Thành phần ruột bầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ khâu xử lý thực bì không kỹ sẽ dẫn đến mối, dế ăn vào cây ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của cây…

 

TS. Nguyễn Tuấn Dương – Trưởng phòng Đào tạo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu

 

Lãnh đạo Nhà trường, nhóm thực hiện đề tài chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Dương – Trưởng phòng Đào tạo, Chủ nhiệm đề tài cảm ơn những ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các đơn vị tham gia thực hiện đề tài. Nhóm thực hiện đề tài nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công thức phối trộn, quy trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và đảm bảo đúng thời gian nghiệm thu.

Trần Trang