Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “Giáo dục và đào tạo”: Thảo luận sâu về cơ chế tự chủ In
Thứ tư, 26/09/2018 08:46

(BGĐT)-Ngày 25-9, tại Trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục theo chuyên đề “giáo dục và đào tạo”, qua đó lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).

 

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng trao đổi một số vấn đề cử tri quan tâm


ĐBQH tiếp xúc với cử tri gồm các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Ủy viên BTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Hà Thị Lan, Phó trưởng Phòng Thông tin - Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh).

Cùng dự có các đồng chí: Từ Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Việt Yên; đại diện ban giám hiệu một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong tỉnh; đại diện các trường học trên địa bàn huyện Việt Yên.

Trong không khí cởi mở, 13 cử tri là cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục thẳng thắn bày tỏ ý kiến, kiến nghị. Tập trung nhiều vào các vấn đề: Tự chủ tài chính ở trường đại học; đầu tư cơ sở vật chất trong nhà trường; việc triển khai các hoạt động giáo dục như tuyển dụng giáo viên, quản lý thu – chi, sử dụng sách giáo khoa. Cử tri Nguyễn Bình Nhự, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang cho rằng, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) nên quy định rõ ràng, chi tiết hơn về sở hữu nhà nước và quản lý, mua sắm tài sản công. Bởi với những quy định như hiện nay thì khi các trường tự chủ sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bà Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Ninh phản ánh, việc mua sắm tài sản tập trung hiện nay không phù hợp với điều kiện của các nhà trường; thời gian hoàn thành thủ tục kéo dài trong khi trang thiết bị thì luôn cần ngay, gây khó khăn cho quản lý và tổ chức giảng dạy. Cử tri này cũng nêu, thực tế thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học vẫn đang tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Bà Yến đề nghị hằng năm, các ngành chức năng tỉnh nên nghiên cứu, hoàn thành sớm kế hoạch tuyển dụng giáo viên để bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp.

Về học phí đối với người học, các cử tri: Nguyễn Thị Thanh Thiết, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Tiến; Dương Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa My nhấn mạnh, việc miễn học phí cho trẻ 5 tuổi và bậc THCS là một chủ trương có ý nghĩa đột phá, đề nghị được thông qua sớm. Bởi nó bảo đảm sự công bằng trong thực hiện quyền trẻ em khi cùng là đối tượng phổ cập.

 

Đồng chí Lê Ánh Dương trao đổi với cử tri tại hội nghị


Trước những băn khoăn về dự thảo phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập từ năm học 2019-2020, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, hai phương án đưa ra lấy ý kiến nhằm hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện năng lực học sinh. Từ đó từng bước đáp ứng với cách thức tổ chức của kỳ thi THPT quốc gia.

 

Cử tri Nguyễn Thị Yến phát biểu tại hội nghị


Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Lê Ánh Dương đều khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Vì thế, việc đầu tư cho giáo dục, đào tạo luôn được toàn xã hội quan tâm. Các đồng chí nhấn mạnh, sự nghiệp giáo dục hiện còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đặc biệt, bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí sắp xếp giáo viên, quản lý tài chính trong nhà trường cần tập trung hơn nữa để đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh phát triển toàn diện; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng thế hệ trẻ có tri thức và năng động.
Cũng tại hội nghị, các ĐBQH tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ phân loại để chuyển đến Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản luật.

Tường Vi

Theo baobacgiang.com.vn

http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/248663/doan-dbqh-tinh-tiep-xuc-cu-tri-theo-chuyen-de-giao-duc-va-dao-tao-thao-luan-sau-ve-co-che-tu-chu-trong-nha-truong.html