Niềm vui của người trồng nấm In
Thứ hai, 05/02/2024 14:38

Vẻ mặt, nụ cười rạng rỡ của đại diện các hộ gia đình sáu thôn thuộc xã Vĩnh An, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang tại hội trường Ủy ban nhân dân xã Vĩnh An và những người hỗ trợ dự án, có lẽ đã nói lên thành công ban đầu của mô hình sản xuất nấm ăn thương phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm mà Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang phối hợp thực hiện nhằm giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho người dân xã Vĩnh An, huyện Sơn Động.

Loại nấm mà chúng tôi nói đến là nấm bào ngư hay còn gọi là nấm sò, được dùng khá phổ biến trong ẩm thực Việt Nam và được các giảng viên, chuyên gia của Khoa Lâm nghiệp, Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho 20 hộ dân tham gia thực hiện mô hình.

Hướng đi mới cho nông nghiệp Vĩnh An

Chúng tôi đến Vĩnh An, một xã mới được thành lập năm 2020 trên cơ sở hợp nhất hai xã Vĩnh Khương và An Lập, đúng dịp Bắc Giang tổ chức lễ công bố thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên vào những ngày đầu năm mới 2024.

Thật trùng hợp khi Tết đến, xuân về, Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang có buổi nghiệm thu mô hình sản xuất nấm ăn thương phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người dân sáu thôn của Vĩnh An sau ba tháng triển khai. Thành công bước đầu của mô hình như một món quà mà cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường dành tặng xã trong kế hoạch góp phần cho mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo của Sơn Động vào năm 2025.

Tại buổi nghiệm thu, dẫu đã được Phó Hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Dương; Thạc sĩ, Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp Nguyễn Chí Thành và Tiến sĩ Ngô Anh Sơn nói nhiều về dự án trước đó, nhưng chỉ đến khi gặp gỡ các hộ dân xã Vĩnh An, chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn về niềm vui của mỗi người khi mô hình đang mang lại sự thay đổi rõ nét trong cuộc sống của họ.

Theo ông Nông Văn Rót, 66 tuổi ở thôn Mai Hiên, mô hình này phù hợp để triển khai và nhân rộng bởi giống nấm bào ngư hiệu quả hơn những loại nấm thương phẩm họ đã làm cách đây khoảng 20 năm, cả về năng suất lẫn thu nhập. Mỗi bịch nấm cho thu hoạch 2-5 lạng, mỗi ngày gia đình ông có thể bán ra trên dưới 20 kg nấm, với giá bán dao động trên dưới 40.000 đồng/kg.

Đó là con số ấn tượng của những hộ được nhận đủ 1.500 bịch nấm trong dự án như gia đình ông Rót, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng nấm. Gia đình ông Rót không chỉ có lò sấy riêng mà ông còn biết bố trí khu vực trồng nấm sạch sẽ, thực hiện theo đúng kỹ thuật mà các chuyên gia Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang hướng dẫn. Ông cũng chịu khó học hỏi thêm kinh nghiệm từ những mô hình thành công tại các địa phương khác.

Sau ba tháng triển khai, mô hình bước đầu đã mang lại những triển vọng, sản phẩm và thị trường tiêu thụ nói chung cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ngoài hộ ông Rót, chúng tôi đã có dịp ghé thăm mô hình sản xuất nấm ăn quy mô hộ gia đình của nhà chị Đỗ Thị Đào ở thôn Mặn. Với 1.450 bịch nấm, chị Đào cũng thu hoạch được vài ki-lô-gam mỗi ngày. Tuy hiệu quả không cao như hộ ông Rót nhưng thành công bước đầu cũng giúp chị có thêm thu nhập để gia đình trang trải cuộc sống hằng ngày.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh An Giáp Xuân Hồng cho biết thêm, tại địa phương trước đây và ở một số xã của huyện Sơn Động, đã có nhiều mô hình trồng nấm. Có điều khi đó, việc trồng các loại nấm linh chi, nấm mỡ cho năng suất không cao, đầu ra lại bấp bênh.

Vì thế, số hộ dân theo nghề trồng nấm tại xã Vĩnh An nói riêng cũng giảm dần và chỉ còn một số hộ trồng, trước khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn Vĩnh An để thực hiện dự án giảm nghèo bền vững thông qua mô hình sản xuất nấm ăn quy mô hộ gia đình cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã.

Khi dự án được triển khai, bước đầu lãnh đạo xã cũng có những tâm tư, băn khoăn vì sợ các hộ dân không thực hiện đúng kỹ thuật, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhưng nếu không quyết tâm thực hiện, không động viên người dân cùng tham gia, người dân sẽ có tư tưởng ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, không tự vươn lên và thụ hưởng thành quả của bản thân.

Vì thế, khi bắt tay vào làm, Vĩnh An cũng rất khắt khe, nghiêm túc trong việc chọn hộ nghèo, hộ cận nghèo, thực hiện như thế nào để hiệu quả. Đến nay, theo ông Hồng, sau ba tháng triển khai, mô hình bước đầu đã mang lại những triển vọng, sản phẩm và thị trường tiêu thụ nói chung cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Hồng cho biết, Vĩnh An đang nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo xuống dưới 25% trong năm 2024, đồng thời phấn đấu về đích nông thôn mới theo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sơn Động.

Bạn đồng hành của nhà nông

Cùng chia sẻ niềm vui với người dân xã Vĩnh An hiển nhiên là những cán bộ, giảng viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang, những người đã và sẽ đồng hành cùng họ trong hơn ba tháng qua và trong thời gian tới.

Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Dương, Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang là một cơ sở đào tạo đại học công lập, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được thành lập theo Quyết định số 133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/1/2011 trên cơ sở nâng cấp từ Trường cao đẳng Nông-Lâm (năm 1999). Tiền thân của trường là Trường trung học Kỹ thuật nông nghiệp Trung ương (1984-1999) vốn được sáp nhập từ hai trường:

Trường trung cấp Trồng trọt Sông Lô-Tuyên Quang (1959-1984) và Trường trung cấp Chăn nuôi-Hòa Bình (1959-1984) và tiếp nhận cơ sở vật chất, diện tích đất đai 65,3 ha của Trường đại học Nông nghiệp II thuộc xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, giao nhiệm vụ, với hai nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường ngoài công tác giảng dạy còn thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, có nhiều thành tựu và mong muốn được chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật tới nông dân trên mọi miền đất nước, nhất là trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và huyện Sơn Động nói riêng.

Mô hình trồng nấm ăn thương phẩm là một trong những công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang, bên cạnh các nghiên cứu về giống chuối tiêu hồng, đông trùng hạ thảo… và nhanh chóng được chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân của sáu thôn thuộc xã Vĩnh An.

Cán bộ Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho người dân xã Vĩnh An, huyện Sơn Động.


Thành công bước đầu của mô hình sẽ giúp Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang có thêm động lực đưa những giống nấm mới vào sản xuất, một mặt giúp người dân địa phương có thêm cơ hội nâng cao thu nhập, một mặt cho thấy trách nhiệm, sự chia sẻ của nhà trường với cộng đồng.

Trách nhiệm và sự chia sẻ đó được thấy rõ hơn qua sự sâu sát của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường trong ba tháng cùng người dân các thôn thuộc xã Vĩnh An triển khai mô hình, từ những công đoạn ban đầu trong phòng thí nghiệm sinh học đến tập huấn thực tế.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp, sau khi có được danh sách 10 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo, nhà trường đã tổ chức hai buổi tập huấn, buổi lý thuyết tại hội trường Ủy ban nhân dân xã Vĩnh An và buổi kỹ thuật tại hộ ông Rót, trong đó cán bộ, chuyên gia của trường trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các khâu từ chọn nguyên liệu, phối chọn bình và cấy giống.

Sau đó, Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang tiến hành bàn giao 18.200 bịch nấm cho 20 hộ, trong đấy có những hộ nhận đủ 1.500 bịch theo quy định, một số hộ nhận ít hơn tùy theo kinh nghiệm trồng và chăm sóc.

Nấm thu hoạch của địa phương cung không đủ cầu, sản phẩm sạch, hàm lượng dinh dưỡng cao và rất phù hợp để nhân rộng khi phương pháp, kỹ thuật đơn giản và hiệu quả hơn so với mô hình trước đây.

Điều thú vị là trong quá trình nuôi trồng, người dân Vĩnh An đã chủ động phản ánh, liên hệ với giảng viên, trao đổi các hoạt động thu hoạch, chăm sóc như thế nào. Nhờ đó, việc chuyển giao kỹ thuật trồng nấm ăn thương phẩm của trường diễn ra suôn sẻ và thành công, thể hiện qua hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế và xã hội.

Nấm thu hoạch của địa phương cung không đủ cầu, sản phẩm sạch, hàm lượng dinh dưỡng cao và rất phù hợp để nhân rộng khi phương pháp, kỹ thuật đơn giản và hiệu quả hơn so với mô hình trước đây.

Nói như ông Rót thì mặc dù Sơn Động nói chung có thế mạnh về trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi nhờ điều kiện tự nhiên nhưng ở Vĩnh An, hy vọng cây nấm sẽ giúp xã hình thành một sản phẩm nông nghiệp quan trọng trong tương lai, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thương mại hóa nông sản và tăng thu nhập cho các hộ gia đình tại địa phương.

Nguồn: nhandan.vn