Nghiên cứu các biện pháp phòng chống bệnh Circovirus ở vịt |
Thứ tư, 11/10/2023 14:51 |
Sáng ngày 11/10/2023, tại phòng họp số 2 Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức buổi hội thảo nghiên cứu đặc điểm bệnh lý và biện pháp phòng chống bệnh Circovirus ở vịt tại tỉnh Bắc Giang.
Toàn cảnh buổi hội thảo Tham dự buổi hội thảo về phía khách mời có đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang; Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng và các hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn tỉnh. Về phía Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang có: TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế và các giảng viên, sinh viên khoa Chăn nuôi – Thú y. “Nghiên cứu đặc điểm bệnh lý và biện pháp phòng chống bệnh Circovirus ở vịt tại tỉnh Bắc Giang” được triển khai tại 3 huyện có quy mô đàn vịt lớn: Yên Dũng, Việt Yên, Lục Nam tại tỉnh Bắc Giang được thực hiện từ tháng 2/2023 đến tháng 11/2023. Nhóm tác giả mong muốn sau nghiên cứu sẽ đánh giá đặc điểm bệnh lý của bệnh Circovirus ở vịt tại tỉnh Bắc Giang và từ đó đề xuất một số biện pháp phòng chống bệnh Circovirus ở vịt, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt an toàn.
TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu Phát biểu tại buổi hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Điệp cho biết tổ chức hội thảo để đánh giá bước đầu kết quả thực hiện của đề tài, đồng thời khẳng định niềm tin, uy tín về sản phẩm nghiên cứu của Nhà trường với các đơn vị có liên quan và bà con nông dân.
TS. Nguyễn Thị Hương Giang báo cáo chuyên đề đặc điểm bệnh lý và phương pháp chẩn đoán bệnh Circovirus ở vịt
ThS. Hồ Thu Hiền báo cáo chuyên đề phòng chống dịch bệnh Circovirus ở vịt Qua nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh Circovirus ở tại 03 huyện của tỉnh Bắc Giang là 11,33%. Bệnh có tỉ lệ khá thấp nhưng nó gây tình trạng giảm miễn dịch ở vịt, làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh khác gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi vịt. Do đó, việc nghiên cứu đặc điểm bệnh lý và các biện pháp phòng bệnh Circovirus ở vịt có ý nghĩa rất quan trọng để chẩn đoán và kiểm soát bệnh dịch, góp phần phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tại buổi hội thảo, nhóm nghiên cứu đã chia sẻ đến các đại biểu và bà con nông dân một số các bệnh truyền nhiễm mới nổi trên vịt như: bệnh Tembusu, bệnh Reovirus, bệnh Parvo để bà con nông dân nắm bắt được và có hướng phòng bệnh trong chăn nuôi vịt.
ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ đặc điểm dịch tễ, bệnh lý, chẩn đoán và phòng bệnh Tembusu ở vịt Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu đã đánh giá các phương pháp nghiên cứu nhằm phát hiện sớm và chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm chính xác ở vịt có ý nghĩa rất lớn cho người chăn nuôi vịt. Từ đó, giúp người chăn nuôi vịt chủ động phòng bệnh và hạn chế tối đa thiệt hại trong quá trình sản xuất giúp bà con mang lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang phát biểu
Đại diện Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Yên Dũng phát biểu
Các vị đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu Một số vấn đề được đại biểu và bà con nông dân quan tâm như: Mẫu bệnh phẩm, quy trình phòng chống dịch bệnh, sử dụng vacxin, phân vùng nghiên cứu… đã được các đại biểu thảo luận và đề ra các hướng giải quyết.
Ảnh: Duy Hoàng Tin: Nguyễn Nga
|