NGHIÊN CỨU KHOA HỌC & HTQT
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu Khoa học cấp trường năm 2014 In
Thứ ba, 16/12/2014 14:06

Phần 1: Nghiệm thu 9 đề tài NCKH thuộc các lĩnh vực Tin học, Lý luận chính trị, Công nghệ thực phẩm, Nông học và Lâm nghiệp

Năm 2014 trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang có tổng cộng 19 đề nghiên cứu Khoa học (NCKH) cấp trường. Đơn vị có nhiều đề tài NCKH nhất là Khoa Nông học với 06 đề tài, Khoa Công nghệ thực phẩm 03 đề tài, Khoa Chăn nuôi – Thú y 03 đề tài, Khoa Lâm nghiệp 02 đề tài, Khoa Lý luận chính trị 01 đề tài, Khoa Tài nguyên & Môi trường 01 đề tài, Phòng Đào tạo 01 đề tài và Khoa Tài chính – Kế toán 01 đề tài.

Các đề tài tập trung chủ yếu nghiên cứu các lĩnh vực mà Nhà trường có thế mạnh như Trồng trọt, Chăn nuôi, Công nghệ thực phẩm… mục tiêu của các đề tài là tạo ra các giống cây, con có chất lượng tốt, các sản phẩm sạch không hóa chất phục vụ công tác NCKH, Đào tạo, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay. Dưới đây là danh sách 18 đề tài NCKH cấp trường năm 2014 được nghiệm thu.

Bảng danh mục các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2014

STT

Tên đề tài

Chủ nhiệm đề tài

1

Xây dựng kỷ yếu trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

ThS. Nguyễn Thị Kim Nhung

2

Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất rượu Brandy từ quả vải thiều Bắc Giang

TS. Nguyễn Văn Lục

3

Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất sữa bột đậu tương từ nguyên liệu hạt đậu tương nảy mầm

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền

4

Nghiên cứu ứng dụng chủng nấm mốc Aspergillus Oryzae trong sản xuất tương

Sinh viên Nguyễn Thị Thoa

5

Nghiên cứu một số biện pháp nhằm tăng hiệu quả nhân giống cây có múi bằng phương pháp ghép trong vườn ươm tại Tuấn Đạo – Sơn Động – Bắc Giang

ThS. Bùi Thị Thu Trang

6

So sánh hiệu quả tác động của các loại phân bón lá trong sản xuất cà chua ở trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

ThS. Nguyễn Thị Mỹ Yến

7

Xác định công thức bón phân NPK đến khả năng sinh trưởng của cây Lát hoa ở giai đoạn vườn ươm phục vụ xây dựng nông thôn mới ở xã Tuấn Đạo

ThS. Trần Minh Cảnh

8

Nghiên cứu xác định thành phần loài, phân bố và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn các loài chim nước trong khuôn viên trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

ThS. Nguyễn Chí Thành

9

Quy hoạch sử dụng đất chi tiết khu rừng mẫu xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

ThS.. Vũ Trung Dũng

10

Nghiên cứu xây dựng và triển khai phần mềm thi trắc nghiệm trên máy tính tại trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang (giai đoạn 2)

ThS. Trần Văn Châu

11

Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và năng xuất của một số giống bí xanh mới trồng vụ Xuân năm 2014 tại trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

ThS. Lê Duy Thành

12

Nhân nhanh giống hoa cúc Chrysanthemun indicum L bằng kỹ thuật In vitro

ThS. Nguyễn Thị Thúy Liên

13

Chọn dòng Cẩm chướng gấm (Dianthus Chinensis) đa bội bằng xử lý Colchicine in vitro

ThS. Chu Thùy Dương

14

Nhân nhanh giống chuối tiêu hồng bằng phương pháp in vitro

Sinh viên Lê Hoàng Thu Phương

15

Đánh giá rủi ro trong tiêu thụ gà đồi huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang

Sinh viên Ngô Thị Hậu

16

Nghiên cứu khả năng sản xuất và chất lượng mật của ong A.cerana nuôi tại xã Tuấn Đạo, Sơn Động, Bắc Giang

ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền

17

Điều tra tình hình nhiễm giun đũa gà nuôi thả vườn tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Mai

18

Khảo sát khả năng sinh sản, sinh trưởng của Thỏ Newzeland White tại trại chăn nuôi trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

Sinh viên Cáp Thị Quyên

 

Ngày 25 tháng 11 năm 2014 Hiệu trưởng Nhà trường TS. Nguyễn Quang Hà đã ký quyết định số 681/QĐ-ĐHNL-KH về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu kết thúc đề tài NCKH cấp trường năm 2014. Theo đó, mỗi Hội đồng nghiệm thu sẽ gồm 5 thành viên, trong đó TS. Đoàn Văn Soạn – Phó Hiệu trưởng làm Chủ tịch các Hội đồng, ThS. Diêm Tuyết Mai – Chuyên viên phòng Khoa học & HTQT làm Thư ký, các ủy viên khác theo từng Hội đồng.

 

ThS Nguyễn Thị Kim Nhung báo cáo tóm tắt kết quả “ Xây dựng kỷ yếu trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang” trước Hội đồng nghiệm thu

 

NGƯT. ThS. Nguyễn Đức Dương – Phó Hiệu trưởng thành viên Hội đồng nghiệm thu phát biểu đánh giá kết kết quả thực hiện đề tài của ThS. Nguyễn Thị Kim Nhung


Hướng đến chào mừng Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang (1959 – 2014) ThS. Nguyễn Thị Kim Nhung cùng các thành viên đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Xây dựng kỷ yếu trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang”. Xuyên suốt cuốn kỷ yếu là lịch sử xây dựng và phát triển Nhà trường từ khi còn là trường Trung cấp Kỹ thuật đầu tiên của ngành Nông trường, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển với nhiều lần được đổi tên và được nâng cấp từ Trung cấp lên Cao đẳng. Ghi nhận những đóng góp to lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên – viên chức của Nhà trường, năm 2011 Trường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang trên cơ sở trường Cao đẳng Nông – Lâm, đây là mốc son đánh dấu bước trưởng thành về mọi mặt của Nhà trường. Hiện nay Nhà trường có 8 Phòng chức năng, 9 Khoa chuyên môn và 2 Trung tâm với gần 3000 Sinh viên đang theo học tại tất cả các hệ đào tạo. Đây là đề tài rất có giá trị và ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ Cán bộ - Giảng viên trẻ phát huy các giá trị truyền thống để phát triển bền vững trong tương lai.

 

ThS. Trần Văn Châu – Trưởng phòng Đào tạo trình bày tóm tắt đề tài nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu


Với mục tiêu xây dựng một phần mềm phục vụ thi trắc nghiệm trên mạng LAN đề tài:“Nghiên cứu xây dựng và triển khai phần mềm thi trắc nghiệm trên máy tính tại trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang (giai đoạn 2)” của ThS. Trần Văn Châu đã tập trung nghiên cứu lý thuyết tổng quan về thi trắc nghiệm, ngôn ngữ lập trình ASP, NET, hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL server2005. Nhóm tác giả sử dụng cách phân tích thiết kế hướng chức năng để phân tích và thiết kế hệ thống. Kết quả của đề tài là phần mềm thi trắc nghiệm trên mạng LAN có các chức năng như biên soạn câu hỏi, đề thi, đáp án, tự động chấm điểm và lưu kết quả vào server...Với ý nghĩa thực tiễn lớn, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao.

Là tỉnh có sản lượng vải thiều lớn, nhưng thời gian thu hoạch quả vải ngắn cho nên vấn đề chế biến các sản phẩm từ quả vải được nhiều cơ quan chức năng và những người trồng vải quan tâm. Nắm bắt được nhu cầu đó TS. Nguyễn Văn Lục đã thực hiện “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất rượu Brandy từ quả vải thiều Bắc Giang”. Tác giả đã tiến hành phân tích chất lượng nguyên liệu của quả vải thiều Bắc Giang để sản xuất rượu Brandy, từ đó đã có những tuyển chọn chủng nấm men phù hợp và xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất rượu Brandy. Đề tại được Hội đồng đánh giá có nội dung nghiên cứu phong phú, có ý nghĩa khoa học thực tiễn cao, tạo mô hình cho Sinh viên thực tập và đảm bảo các bước của một đề tài NCKH.

Với giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao của hạt đậu tương ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền đã “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất sữa bột đậu tương từ nguyên liệu hạt đậu tương nảy mầm”. Bằng các thí nghiệm trong quá trình nghiên cứu tác giả đã xác định được các điều kiện tối ưu để hạt đậu tương nảy mầm gồm: Nhiệt độ nước ngâm 35°C; Thời gian ngâm 3 giờ; Ẩm độ của hạt sau ngâm 45 – 50%; Nhiệt độ ủ 25°C; Thời gian ủ để hạt nảy mầm 26 giờ; Tỷ lệ hạt nảy mầm95,7%; Độ dài của hạt mầm 0,7 – 1,2 cm. Nồng độ dịch trước khi sấy là 7,4°Bx (tương đương với tỷ lệ đậu/nước ¼). Dịch sữa được đun nóng lên 60°C và đồng hóa ở áp suất 200 bar và lựa chọn phương pháp sấy phun để sấy bột đậu tương ở nhiệt độ 170°C, áp suất 4bar. Với các điều kiện trên sản phẩm bột đậu tương nảy mầm sẽ cho kết quả tốt nhất. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt giá trị ứng dụng thực tiễn trong ngành công nghệ thực phẩm.

 

Sinh viên Nguyễn Thị Thoa lớp D-CNTP 2A trả lời các câu hỏi của Hội đồng nghiệm thu


Dưới sự hướng dẫn của ThS. Phạm Thị Bình – Giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Sinh viên Nguyễn Thị Thoa lớp D-CNTP 2A và các thành viên đã tập trung “Nghiên cứu ứng dụng chủng nấm mốc Aspergillus Oryzae trong sản xuất tương”. Đề tài đã đề xuất được quy trình công nghệ sản xuất tương có bổ sung chủng nấm mốc Aspergillus Oryzae nhằm rút ngắn chu kỳ sản xuất và nâng cao hương vị của sản phẩm tương lên men tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các thông số: Gạo nếp 100%, Đậu tương 43%, Muối 57%, Nước 343%, tỷ lệ mốc bổ sung 3%, ủ mốc từ 5-6 ngày, ngâm nước đậu 5-6 ngày, để tương 15 ngày thì chín... Tuy còn một vài hạn chế nhỏ nhưng đề tài đã gặt hái được những thành công nhất định, đặc biệt đây lại là một trong số ít đề tài của Sinh viên nên cần được khuyến khích phát huy.

Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm phân bón lá với nồng độ các chất dinh dưỡng khác nhau. Việc sử dụng các loại phân đó sao cho hiệu quả là vấn đề được nhiều người nông dân quan tâm, đã có một số nghiên cứu sử dụng chế phẩm phân bón lá trên các cây trồng như đậu đũa, rau mùng tơi, khoai tây… nhưng việc nghiên cứu trên cây cà chua thì chưa được quan tâm nhiều. Xuất phát từ thực tiễn đó ThS. Nguyễn Thị Mỹ Yến đã thực hiện nghiên cứu đề tài “So sánh hiệu quả tác động của các loại phân bón lá trong sản xuất cà chua ở trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang”. Với 5 công thức thí nghiệm và 4 loại phân bón lá. Tác giả đã tiến hành nghiên cứu đánh giá đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây cà chua khi sử dụng các loại phân bón lá. Đánh giá mức độ sâu bệnh hại khi sử dụng các loại phân bón lá. Đánh giá hiệu quả năng xuất khi sử dụng các loại phân bón lá và chất lượng cà chua khi sử dụng các loại phân bón lá. Kết quả đã cho thấy trong 4 loại phân bón lá dùng trong thí nghiệm thì phân bón lá Greendelta – 21 cho hiệu quả tốt nhất. Hội đồng khoa học Nhà trường đánh giá đây là đề tài có ý nghĩa khoa học thực tế, góp phần tạo môi trường cho Sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học.

Những năm gần đây nghề trồng cây ăn quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng sản lượng, giá trị sử dụng đất và tăng thu nhập từ đó giúp người dân ở nhiều địa phương xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động là một xã nghèo điều kiện kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn cho nên việc người dân được học tập áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều hạn chế. Nắm bắt được nhu cầu đó ThS. Bùi Thị Thu Trang đã tiến hành “Nghiên cứu một số biện pháp nhằm tăng hiệu quả nhân giống cây có múi bằng phương pháp ghép trong vườn ươm tại Tuấn Đạo – Sơn Động – Bắc Giang”. Đề tài đã đi nghiên cứu và xác định được phương pháp ghép cây có múi đạt hiệu quả cao nhất về tỷ lệ cây sống. Xác định được lượng phân bón và phương pháp bón phù hợp cho cây sau ghép. Xác định được chế độ điều tiết nước cho cây sau ghép trong vườn ươm. Đây là một trong các đề tài nhằm hỗ trợ xã Tuấn Đạo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

 

ThS. Trần Minh Cảnh báo cáo tóm tắt đề tài trước Hội đồng

 

TS. Đoàn Văn Soạn – Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu đánh giá tổng quan đề tài


Cũng nằm trong chương trình các đề tài nghiên cứu phục vụ xây dựng nông thôn mới, đề tài “Xác định công thức bón phân NPK đến khả năng sinh trưởng của cây Lát hoa ở giai đoạn vườn ươm phục vụ xây dựng nông thôn mới ở xã Tuấn Đạo” của Thạc sỹ Trần Minh Cảnh đã đi sâu nghiên cứu và chỉ ra được nồng độ phân bón NPK – 0,5% là thích hợp nhất đối với sự sinh trưởng của cây Lát hoa. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho bà con nông dân mở rộng diện tích vườn ươm đáp ứng nhu cầu con giống cho trồng rừng, tạo thêm công ăn việc làm, tăng mức thu nhập.


ThS. Nguyễn Chí Thành trình bày tóm tắt quá trình nghiên cứu sự phong phú và đa dạng của hệ chim nước trong khuôn viên Nhà trường

 

Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng nghiệm thu


Các loài động vật hoang dã nói chung và loài chim nói riêng hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức cho sự tồn tại, phát triển và loài chim nước cũng không nằm ngoài quy luật đó. Với tổng diện tích khoảng 60 ha, trong đó 26 ha là diện tích mặt nước và các tập đoàn cây lâm nghiệp được trồng xung quanh khuôn viên thì Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang chính là điều kiện lý tưởng cho các loài chim nước cư trú, sinh sản và phát triển. Tuy nhiên từ khi hình thành đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào về thành phần loài, sự phân bố, tình trạng cũng như các giải pháp bảo tồn và phát triển. Xuất phát từ thực tế đó ThS. Nguyễn Chí Thành đã tiến hành“Nghiên cứu xác định thành phần loài, phân bố và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn các loài chim nước trong khuôn viên trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang”. Bằng các phương pháp nghiên cứu như thu thập, kế thừa tài liệu, phỏng vấn, điều tra ngoại nghiệp, xử lý nội nghiệp nhóm tác giả đã bước đầu xác định được sự có mặt của 13 loài chim cư trú trong khuôn viên trường, trong đó loài có số lượng cá thể đông nhất là Cò ngàng nhỏ, Vạc và Cò bợ. Từ những kết quả nghiên cứu nhóm tác giả đã chỉ ra những ảnh hưởng xấu đến các loài chim nước như: Tác động của con người, sinh cảnh sống bị thu hẹp, chế độ nước hồ, xây dựng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng của thời tiết. Bên cạnh đó, nhóm đã chỉ ra những giải pháp bảo tồn và phát triển loài chim nước như: Cấm các hoạt động săn bắn trái phép, tuyên truyền vận động người dân xung quanh bảo vệ, mở rộng cải tạo các khu vực sinh sống của các loài chim, hạn chế các tiêu cực từ việc xây dựn cơ sở hạ tầng… Đây là một đề tài mới có tính thực tiễn cao góp phần bảo vệ và phát triển khu hệ chim, một nét đặc trưng của Nhà trường.  (còn nữa)

 

Trung tâm Thông tin – Thư viện

 
<< Trang đầu < Trang trước 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 Trang sau > Trang cuối >>

Trang 103 / 119