Nghiệm thu đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2014 (phần hai) In
Thứ ba, 30/12/2014 14:12

Các khoa: Chăn nuôi – Thú y, Nông học, Tài chính – Kế toán và Tài nguyên & Môi trường

ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền – Khoa Chăn nuôi – Thú y trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu trước Hội đồng khoa học


Với điều kiện khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm gần đây người dân xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động đang phát triển nghề nuôi ong lấy mật nhằm khai thác nguồn hoa rừng có trong tự nhiên. Chỉ tính riêng năm 2013 toàn xã thu được 120 tấn mật. Mặc dù sản lượng mật ong lớn nhưng chưa có thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như xuất khẩu và quá trình phát triển đàn ong vẫn còn tự phát trong nhân dân, chưa có cơ quan, doanh nghiệp nào có đánh giá chất lượng mật ong tại địa phương. Vì vậy, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền – Giảng viên khoa Chăn nuôi – Thú y đã triển khai thực hiện đề tài “ Nghiên cứu khả năng sản xuất và chất lượng mật của ong Apis cerana tại xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động”. Đề tài đã tâp trung nghiên cứu 5 nội dung: Tình hình nuôi ong tại địa phương; Tình hình thời tiết và lịch nở hoa của một số cây nguồn mật chính; Theo dõi sản lượng mật; Phân tích các chỉ tiêu chất lượng mật và Xác định tỷ lệ dịch bệnh hại ở ong. Kết quả đã cho thấy khí hậu từ tháng 3 đến tháng 11/2014 với nền nhiệt trung bình là 26°C, ẩm độ là 78,9%, nguồn hoa phong phú và đa dạng chính là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi ong phát triển. Qua đánh giá và phân tích các chỉ tiêu như chất rắn, nước, hàm lượng HMF, axit tự do, đường khử tự do của mật ong Tuấn Đạo đều nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về giá trị thực tiễn đối với người nông dân xã Tuấn Đạo, kết quả của đề tài giúp địa phương từng bước hoàn thiện quy trình nuôi ong và khẳng định một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân xã Tuấn Đạo.

 

TS. Nguyễn Trọng Kim – Nguyên Trưởng Khoa Chăn nuôi – Thú y thành viên Hội đồng phản biện


Những năm gần đây nghề nuôi thỏ tại Bắc Giang cũng đang dần được mở rộng tại các hộ gia đình với quy mô nhỏ và vừa. Đề tài “Khảo sát khả năng sinh sản, sinh trưởng của thỏ Newzealand White nuôi tại trại chăn nuôi trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang” của Sinh viên Cáp Thị Quyên – Khoa Chăn nuôi – Thú y nhằm nghiên cứu  đánh giá về khả năng sinh sản, sinh trưởng và năng xuất chất lượng thịt của Thỏ tại Bắc Giang. Với sự hướng dẫn tận tình của TS. Nguyễn Văn Lưu – Phó trưởng Khoa Chăn nuôi – Thú y. Đề tài đã bước đầu đã xác định được tuổi phối giống, tuổi cai sữa, số con đẻ ra/ lứa, số con sơ sinh, khả năng sinh trưởng từ cai sữa, 50 – 70 – 90 ngày tuổi, khả năng cho thịt …. Đề tài đã đạt được những kết quả nhất định, là cơ sở để triển khai và nhân rộng mô hình chăn nuôi thỏ Newzealand White trên địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt giá trị thực tiễn và góp phần đáng kể vào phòng trào NCKH của Sinh viên trong Nhà trường.

Cũng giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, người dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bao đời nay đều nuôi gà theo phương thức chăn thả tự do, chuồng trại đơn giản và đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh chăn thả chưa được quan tâm đầy đủ đây chính là điều kiện để các bệnh về giun sán gây hại ở gà xuất hiện. Để góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm và đặc biệt là gà trên địa bàn huyện Việt Yên, Sinh viên Khoa Chăn nuôi – Thú y đã tìm hiểu và nghiên cứu đề tài “Điều tra tình hình nhiễm giun đũa gà nuôi thả vườn tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang”. Đề tài do Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Mai làm chủ nhiệm, Giảng viên hướng dẫn là ThS. Nguyễn Thị Chinh. Đề tài đã nghiên cứu tỷ lệ nhiễm giun đũa bằng phương pháp xét nghiệm phân và mổ khám không toàn diện đường tiêu hóa gà từ đó xác định được tỷ lệ nhiễm giun đũa gà theo các lứa tuổi, theo mùa vụ và thử nghiệm thuốc trị bệnh giun đũa gà để khuyến cáo cho người chăn nuôi biện pháp phòng trừ. Với kết quả và quá trình nghiên cứu của Sinh viên, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài đáp ứng được yêu cầu khoa học và thực tiễn, đề tài giúp Sinh viên học tập nghiên cứu thực hành được tốt hơn.

Mặc dù mới được thành lập nhưng Cán bộ, Giảng viên của Trung tâm Công nghệ sinh học đã khắc phục mọi khó khăn để vừa đảm bảo công việc chuyên môn vừa sắp xếp thời gian nghiên cứu khoa học. Năm 2014 Trung tâm Công nghệ sinh học có 3 đề tài nghiên cứu của Giảng viên và Sinh viên. Các đề tài tập trung nghiên cứu, chọn lọc bằng phương pháp in vitro trong chọn lọc để tạo ra các giống cây trồng có chất lượng cao, ít sâu bệnh đáp ứng nhu cầu của thị trường.

 

ThS. Nguyễn Thị Thúy Liên – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học trả lời các câu hỏi của Hội đồng phản biện


ThS. Nguyễn Thị Thúy Liên chủ nhiệm đề tài Nhân nhanh giống hoa cúc bằng kỹ thuật in vitro. Đã tiến hành nghiên cứu nhằm tạo số lượng hoa cúc có thương phẩm, nồng độ cao, ít nhiễm bệnh, giá thành thấp, tạo điều kiện cho Sinh viên học tập và nghiên cứu tiếp cận công nghệ nuôi cấy tế bào. Kết quả đề tài đã tìm ra môi trường tái sinh chồi và môi trường nhân nhanh chồi tốt nhất. Hội đồng khoa học đánh giá cao giá trị  thực tiễn của đề tài. Kết quả của đề tài làm tài liệu tham khảo và là cơ sở cho những đề tài nghiên cứu tiếp theo không chỉ cây hoa cúc mà còn áp dụng cho nhiều loại cây trồng có giá trị khác nhau.

Chuối là một loại trái cây phổ biến ở những vùng nhiệt đới, nó cung cấp nhiều vitamin và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể con người. Vì vậy nó là một sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn. Hiện nay có rất nhiều giống chuối khác nhau như chuối xiêm, chuối ngự, chuối tây… nhưng phần lớn người dân hiện nay đều trồng theo phương pháp truyền thống và tự phát, nên muốn có số lượng cây giống lớn để trồng thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức chăm sóc. Vì vậy, để đáp ứng một phần nhu cầu giống chuối cho thị trường Sinh viên Lê Hoàng Thu Phương tiến hành nghiên cứu “Nhân nhanh giống chuối tiêu hồng bằng phương pháp in vitro”. Chủ nhiệm đề tài đã tìm hiểu một số kết quả nghiên cứu nhân giống chuối bằng kỹ thuật in vitro để rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các bước nghiên cứu nhân giống chuối tiêu hồng bằng in vitro tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học, từ đó đánh giá ảnh hưởng của giá thể đến sinh trưởng phát triển của chuối tiêu hồng sau in vitro. Kết quả đề tài đã xác định được thời gian và chất đất phù hợp với cây chuối tiêu hồng. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao.

 

TS. Nguyễn Thị Xuyến – thành viên Hội đồng phản biện đánh giá kết quả nghiên cứu của các đề tài trong lĩnh vực Công nghệ sinh học


Kỹ thuật xử lý đột biến in vitro ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong công tác chọn tạo giống cây trồng và Colchicine là chất được sử dụng nhiều nhất để tạo thể đa bội trong cây trồng. ThS. Chu Thùy Dương đã lựa chọn đề tài “Chọn dòng Cẩm chướng gấm (Dianthuschinensis L.) đa bội bằng xử lý đột biến Colchicine  in vitro” để nghiên cứu đột biến. Đề tài đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của việc xử lý colchicine in vitro đến khả năng sống và tạo chồi của cây cẩm chướng gấm và Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và sự biến dị của chồi cẩm chướng sau khi xử lý colchicine in vitro. Từ các thí nghiệm nghiên cứu tác giả đã đã tìm kiếm được dạng đột biến, đặc biệt là tạo cây đa bội, nhân dòng làm vật liệu cho công tác chọn tạo giống cây hoa cẩm chướng. Đề tài có ý nghĩa thực tiễn tốt, Hội đồng nghiệm thu đề nghị tác giả tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa để tạo ra các giống hoa cẩm chướng mới phù hợp với thị hiếu của thị trường hiện nay.

Nhiều năm trở lại đây người dân có xu hướng chuyển sang các cây trồng ngắn ngày và đặc biệt là các loại rau, củ, quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xuất phát từ cơ sở thực tiễn và thực tế nêu trên ThS. Lê Duy Thành đã tiến hành thực hiện đề tài “Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số giống bí xanh mới trồng vụ Xuân 2014 tại trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang”. Đề tài đã tiến hành nghiên cứu sự sinh trưởng, phát triển, năng xuất, mức độ gây hại sâu bệnh chính của các giống Bí xanh số 1, Bí xanh số 2 và Bí Sặt. Từ các kết quả nghiên cứu, thu thập đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế giữa 3 giống bí trồng thử nghiệm để đưa ra được mô hình sản xuất bí xanh năng xuất chất lượng, tạo sản phẩm hàng hóa rau quả an toàn. Kết quả nghiên cứu cho thấy giống bí xanh số 1 và số 2 có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống bí Sặt của địa phương như cây sinh trưởng khỏe, thích nghi tốt, ít sâu bệnh, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao, quả to năng suất cao hơn. Mặc dù quá trình nghiên cứu, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn nhưng nhóm tác giả đã cố gắng hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình và cho ra được kết quả tốt nhất. Đề tài góp phần mở ra triển vọng đa dạng cây trồng ngắn ngày cho tỉnh Bắc Giang.

 

Sinh viên Ngô Thị Hậu – Khoa Tài chính – Kế toán trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài


Huyện Yên Thế là địa phương có tốc độ phát triển đàn gà thương phẩm nhanh nhất tỉnh Bắc Giang.Theo số liệu thống kê năm 2013 tổng đàn gà huyện Yên Thế là 4,5 triệu con, nhưng khâu tiêu thụ hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào tư thương nên tình trạng ép giá vẫn diễn ra nhất là khi dịch bệnh xảy ra hay có sự biến động bất lợi của thị trường. Việc tiêu thụ gặp rủi ro đồng nghĩa với việc người chăn nuôi phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đánh giá rủi ro một cách khoa học hệ thống trong tiêu thụ gà còn nhiều hạn chế. Nắm bắt được yêu cầu đó Sinh viên Ngô Thị Hậu, Khoa Tài chính – Kế toán dưới sự hướng dẫn của ThS. Mai Thị Huyền đã thực hiện đề tài “Đánh giá rủi ro trong tiêu thụ gà đồi trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang”. Đề tài tiến hành nghiên cứu thực trạng tiêu thụ, nhận diện, đánh giá rủi ro, ứng xử của cộng đồng về rủi ro và giải pháp quản lý giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ gà đồi. Sau quá trình nghiên cứu tác giả đã đưa ra được hệ thống cơ sở lý luận về tiêu thụ và rủi ro trong tiêu thụ gà đồi, những lợi thế và rủi ro gặp phải khi tiêu thụ gà đồi. Từ đó chỉ ra được 5 nhóm giải pháp để khắc phục những rủi ro trên. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao sự cố gắng của Sinh viên bằng các kết quả nghiên cứu tỷ mỉ công phu, số liệu cung cấp đầy đủ thuyết phục, từ đó góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm gà đồi Yên Thế.

 

TS. Nguyễn Hải Nam cùng các thành viên Hội đồng phản biện đánh giá chất lượng đề tài của em Ngô Thị Hậu


Chủ trương xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả rõ nét trong việc phát triển kinh tế, xã hội làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn trong đó có Tuấn Đạo. Với điều kiện tự nhiên của mình, Tuấn Đạo có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế rừng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế và đem lại thu nhập ổn định cho người trồng rừng thì cần có một quy hoạch, chi tiết cụ thể. Trước yêu cầu đó ThS. Vũ Trung Dũng – Khoa Tài nguyên & Môi trường cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Quy hoạch sử dụng đất chi tiết khu rừng mẫu tại xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang”. Tại buổi nghiệm thu chủ nhiệm đề tài đã tiến hành báo cáo tiến độ thực hiện. Đến nay, đề tài đã hoàn thành xây dựng kế hoạch thực hiện tổng thể; Kiểm tra thực địa, tiếp xúc với lãnh đạo và nhân dân xã Tuấn Đạo; Thu thập tài liệu, đo đạc xây dựng bản đồ quy hoạch chi tiết; Biên tập bản đồ; Đang tiến hành viết báo cáo thuyết minh. Đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng các gia đình có đất rừng ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Hội đồng phản biện đánh giá cao tính ứng dụng thực tiễn của đề tài.

Bảng tổng hợp kết quả đánh giá các đề tài NCKH


STT

Tên đề tài

Chủ nhiệm đề tài

Kết quả đánh giá

1

Xây dựng kỷ yếu trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

ThS. Nguyễn Thị Kim Nhung

Xuất sắc

2

Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất rượu Brandy từ quả vải thiều Bắc Giang

TS. Nguyễn Văn Lục

Khá

3

Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất sữa bột đậu tương từ nguyên liệu hạt đậu tương nảy mầm

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền

Khá

4

Nghiên cứu ứng dụng chủng nấm mốc Aspergillus Oryzae trong sản xuất tương

SV Nguyễn Thị Thoa

Khá

5

Nghiên cứu một số biện pháp nhằm tăng hiệu quả nhân giống cây có múi bằng phương pháp ghép trong vườn ươm tại Tuấn Đạo – Sơn Động – Bắc Giang

ThS. Bùi Thị Thu Trang

Khá

6

So sánh hiệu quả tác động của các loại phân bón lá trong sản xuất cà chua ở trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

ThS. Nguyễn Thị Mỹ Yến

Khá

7

Xác định công thức bón phân NPK đến khả năng sinh trưởng của cây Lát hoa ở giai đoạn vườn ươm phục vụ xây dựng nông thôn mới ở xã Tuấn Đạo

ThS. Trần Minh Cảnh

Khá

8

Nghiên cứu xác định thành phần loài, phân bố và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn các loài chim nước trong khuôn viên trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

ThS. Nguyễn Chí Thành

Khá

9

Quy hoạch sử dụng đất chi tiết khu rừng mẫu xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

ThS.. Vũ Trung Dũng

Khá

10

Nghiên cứu xây dựng và triển khai phần mềm thi trắc nghiệm trên máy tính tại trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang (giai đoạn 2)

ThS. Trần Văn Châu

Khá

11

Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và năng xuất của một số giống bí xanh mới trồng vụ Xuân năm 2014 tại trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

ThS. Lê Duy Thành

Khá

12

Nhân nhanh giống hoa cúc Chrysanthemun indicum L bằng kỹ thuật In vitro

ThS. Nguyễn Thị Thúy Liên

Khá

13

Chọn dòng Cẩm chướng gấm (Dianthus Chinensis) đa bội bằng xử lý Colchicine in vitro

ThS. Chu Thùy Dương

Khá

14

Nhân nhanh giống chuối tiêu hồng bằng phương pháp in vitro

SV Lê Hoàng Thu Phương

Khá

15

Đánh giá rủi ro trong tiêu thụ gà đồi huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang

SV Ngô Thị Hậu

Khá

16

Nghiên cứu khả năng sản xuất và chất lượng mật của ong A.cerana nuôi tại xã Tuấn Đạo, Sơn Động, Bắc Giang

ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền

Khá

17

Điều tra tình hình nhiễm giun đũa gà nuôi thả vườn tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

SV Nguyễn Thị Ngọc Mai

Khá

18

Khảo sát khả năng sinh sản, sinh trưởng của Thỏ Newzeland White tại trại chăn nuôi trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

SV Cáp Thị Quyên

Khá

 

Trung tâm Thông tin – Thư viện