Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 |
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; quy định của Luật giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh vào đại học, cao đẳng: các cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh; Căn cứ Thông báo số 74/TB-VPCP ngày 20/02/2014 của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng; Công tác tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2014 được triển khai theo các nội dung sau đây: I. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG KỲ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HỆ CHÍNH QUY NĂM 2014 1. Tổ chức tuyển sinh: Trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được xác định, các trường tổ chức một đến hai lần tuyển sinh. Các trường tổ chức tuyển sinh theo kỳ thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện lịch tuyển sinh quy định tại văn bản này; các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện lịch tuyển sinh quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường. - Thời gian kết thúc tuyển sinh là ngày 31/10/2014 đối với trường đại học và ngày 15/11/2014 đối với trường cao đẳng. a) Tổ chức tuyển sinh riêng - Các trường xây dựng Đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và được Bộ GD&ĐT xác nhận bằng văn bản; - Hình thức, nội dung tuyển sinh phải phù hợp với ngành đào tạo của nhà trường và chương trình giáo dục phổ thông; không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh; - Các tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển rõ ràng. - Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. - Các trường tổ chức tuyển sinh theo đúng các quy định của đề án tự chủ tuyển sinh và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ GD&ĐT ban hành. b) Tổ chức kì thi chung - Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn đề thi tuyển sinh dùng chung cho các trường; - Các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển. 2. Sửa đổi, bổ sung một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh 2.1. Chính sách ưu tiên theo đối tượng a) Đối tượng 01 được sửa như sau: Thí sinh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015, hưởng nhóm ưu tiên 1, phù hợp với Nghị định 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, quy định đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh. Thí sinh là người dân tộc thiểu số ở các khu vực còn lại hưởng nhóm ưu tiên 2. b) Sửa đổi đối tượng: “Quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã xuất ngũ có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên” thành: “Quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ, được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo luật định”, thuộc nhóm ưu tiên 1. c) Bổ sung đối tượng: con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên, hưởng ưu tiên 1. d) Sửa đổi đối tượng “Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học” thuộc đối tượng 04, nhóm ưu tiên 1 thành: “Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng”; đ) Bổ sung đối tượng thí sinh là: Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành Quân sự cơ sở, các trường thuộc Bộ Quốc phòng, hưởng nhóm ưu tiên 2. e) Bổ sung đối tượng “Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc nhóm ưu tiên 1”, hưởng nhóm ưu tiên 2; g) Bổ sung đối tượng thí sinh là “Người khuyết tật nặng” khi dự thi vào đại học, cao đẳng được hưởng nhóm ưu tiên 2. h) Bổ sung đối tượng “Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%;” thuộc nhóm hưởng ưu tiên 2. i) Điều chỉnh các đối tượng “Thí sinh là con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; con của người có công giúp đỡ cách mạng” sang hưởng nhóm ưu tiên 2. 2.2. Khu vực ưu tiên a) Điều chỉnh khu vực ưu tiên “- Khu vực 1 (KV1) gồm: Các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 theo quy định hiện hành. - Khu vực 2 (KV2) gồm: Các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1). b) Bổ sung những trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên theo hộ khẩu thường trú: Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 nếu học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh cho các đối tượng tham gia tuyển sinh riêng hoặc tham gia kì thi chung, được thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. 2.3. Bổ sung đối tượng được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học kĩ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức, đã tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển thẳng vào đại học theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải; đoạt giải khuyến khích được tuyển thẳng vào cao đẳng theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn thí sinh đoạt giải. 3. Quy định về xây dựng điểm trúng tuyển Sau khi có kết quả thi của thí sinh tham gia kì thi chung, Bộ GD&ĐT xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, quyết định phương án điểm trúng tuyển. II. ĐĂNG KÝ DỰ THI VÀ ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN 1. Đăng kí dự thi (ĐKDT) 1.1. Đối với thí sinh tham dự kì thi chung a) Hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm: - Một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2. (Phiếu số 1 do Sở giáo dục và đào tạo lưu giữ, Phiếu số 2 do thí sinh giữ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết). - 03 ảnh chân dung cỡ 4´6cm được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKDT; 3 phong bì đã dán sẵn tem ghi rõ họ, tên và địa chỉ, số điện thoại của thí sinh. - Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có). Những thí sinh là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế và con của người có công giúp đỡ cách mạng, nộp bản sao hợp lệ Quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với người có công của cơ quan có thẩm quyền. Riêng thí sinh có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các đại học thì cần nộp thêm bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1. b) Nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh - Học sinh đang học lớp 12 trung học phổ thông (THPT) tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí tuyển sinh tại trường đó. - Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT (kể cả thí sinh dự thi liên thông), lệ phí tuyển sinh tại các địa điểm do sở GD&ĐT quy định. - Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí tuyển sinh quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau: + Theo hệ thống của sở GD&ĐT: Từ ngày 17/3/2014 đến 17.00 giờ ngày 17/4/2014; + Tại các trường tổ chức thi: Từ ngày 18/4/2014 đến 17.00 giờ ngày 29/4/2014. 1.2. Đối với thí sinh đăng kí vào các ngành, các trường tổ chức tuyển sinh riêng a) Hồ sơ đăng kí tuyển sinh - Hồ sơ đăng kí tuyển sinh vào trường tổ chức tuyển sinh riêng được quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh của trường; - Bộ GD&ĐT quy định mẫu phiếu đăng kí dự thi thống nhất (dùng cho việc đăng kí vào trường tuyển sinh theo kỳ thi chung cũng như đăng kí vào trường tổ chức tuyển sinh riêng). b) Nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh - Theo hệ thống của sở GD&ĐT: Từ ngày 17/3/2014 đến 17.00 giờ ngày 17/4/2014; - Tại các trường tổ chức tuyển sinh riêng: Từ ngày 18/4/2014 thí sinh tiếp tục nộp hồ sơ đăng kí tuyển sinh tại trường và bổ sung hồ sơ (nếu còn thiếu), thời gian kết thúc nộp hồ sơ theo quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường. - Thí sinh có nguyện vọng đăng kí vào các ngành, các trường tổ chức tuyển sinh riêng, bên cạnh việc điền các nội dung trong phiếu đăng kí dự thi, cần nộp đầy đủ hồ sơ đăng kí xét tuyển theo yêu cầu của trường. Những thí sinh chưa nộp đủ hồ sơ theo quy định, cần ghi rõ trong phiếu đăng kí dự thi những giấy tờ còn thiếu. Những giấy tờ còn thiếu phải nộp bổ sung đầy đủ cho các trường trong thời gian quy định của đề án tự chủ tuyển sinh của trường. - Lệ phí tuyển sinh: thực hiện theo quy định tại Thông tư liên lịch giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Tài Chính về chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. 1.3. Các sở GD&ĐT, các trường không thay đổi thời hạn, không kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí tuyển sinh trước hoặc sau thời hạn quy định. 2. Đăng kí xét tuyển (ĐKXT) 2.1 Đối với thí sinh đăng kí vào các trường tuyển sinh theo kì thi chung a) Hồ sơ đăng ký xét tuyển Hồ sơ ĐKXT gồm: Bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận kết quả thi theo qui định của từng trường và 01 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. b) Nộp hồ sơ và lệ phí ĐKXT - Trong thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường. - Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau. - Nếu có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định. - Hàng ngày, các trường nhận và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh. c) Một số lưu ý về việc ĐKXT của thí sinh - Thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm Giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển. - Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có các điều kiện đầu vào phù hợp. - Thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung, chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ của trường ĐH; trường CĐ thuộc các ĐH) khi có các điều kiện đầu vào phù hợp. 2.2 Đối với thí sinh đăng kí vào các trường tổ chức tuyển sinh riêng a) Hồ sơ, thời gian đăng ký xét tuyển Thực hiện theo quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường; b) Một số lưu ý về việc ĐKXT của thí sinh - Thí sinh có nguyện vọng học tại các ngành của trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh riêng và có tổ chức thi tuyển theo đề thi chung, sau khi đã khai mục 2 trong phiếu ĐKDT, cần đánh dấu vào ô tương ứng ở dòng cuối của mục 2. - Thí sinh có nguyện vọng học tại các ngành của trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh riêng và không tổ chức thi theo đề thi chung: + Nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả của kỳ thi chung để xét tuyển, sau khi đã khai mục 2 trong phiếu ĐKDT (không ghi mã ngành, chuyên ngành) cần đánh dấu vào ô "Tham gia kỳ thi chung của Bộ" và khai đầy đủ mục 3 (tên trường có nguyện vọng học, kí hiệu trường, khối thi và mã ngành). + Nếu có nguyện vọng xét tuyển theo phương án tuyển sinh riêng, cần đánh dấu vào ô "Tham gia đề án tuyển sinh riêng của trường "và khai đầy đủ mục 3 (tên trường có nguyện vọng học, kí hiệu trường, khối thi và mã ngành); + Nếu có cả hai nguyện vọng, sau khi đã khai mục 2 trong phiếu ĐKDT (không ghi mã ngành, chuyên ngành) cần đánh dấu vào cả hai ô và khai đầy đủ mục 3 (tên trường có nguyện vọng học, kí hiệu trường, khối thi và mã ngành). III. ĐỢT THI VÀ LỊCH THI TUYỂN SINH 1. Đối với kì thi chung 1.1. Đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 a) Đợt I: Ngày 4 - 5/7/2014, thi đại học khối A, A1 và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu Vẽ đến hết ngày 11/7/2014 (trừ các trường có đề án tự chủ tuyển sinh). b) Đợt II: Ngày 9 - 10/7/2014, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hoá (Khối H, N thi môn Ngữ văn theo đề thi khối C; Khối M thi môn Ngữ văn, Toán theo đề thi khối D; Khối T thi môn Sinh, Toán theo đề thi khối B; Khối R thi môn Ngữ văn, Lịch sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến hết ngày 13/7/2014 (trừ các trường có đề án tự chủ tuyển sinh). c) Đợt III: Ngày 15 - 16/7/2014, thi cao đẳng tất cả các khối thi. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa, thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 21/7/2014. 1.2. Lịch thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 a) Đối với hệ đại học Đợt I, ngày 4 - 5/7/2014 thi đại học khối A, A1 và V:
Đợt II, ngày 9 - 10/7/2014, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu
b) Đối với hệ cao đẳng Đợt III, ngày 15 - 16/7/2014, các trường cao đẳng tổ chức thi tất cả các khối.
1.3. Thời gian biểu từng buổi thi tuyển sinh đại học, cao đẳng a) Thời gian biểu từng buổi thi các môn tự luận
b) Thời gian biểu từng buổi thi các môn trắc nghiệm
1.4. Thời gian làm bài của mỗi môn thi tuyển sinh - Các môn thi tự luận: 180 phút. - Các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm: 90 phút. 2. Đối với tuyển sinh riêng Theo quy định đã được nêu trong Đề án tuyển sinh của trường. IV. CỤM THI ĐẠI HỌC ĐỐI VỚI KÌ THI CHUNG 1. Các cụm thi quốc gia 1.1. Cụm thi tại thành phố Hải Phòng: Dành cho thí sinh thi vào Trường Đại học Hàng hải và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực Hà Nội. Cụm thi này do Trường ĐH Hàng hải chủ trì phối hợp với các trường đại học liên quan tổ chức thi. 1.2. Cụm thi tại thành phố Vinh: Dành cho thí sinh thi vào Trường Đại học Vinh và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cụm thi này do Trường ĐH Vinh chủ trì phối hợp với các trường đại học liên quan tổ chức thi. 1.3. Cụm thi tại thành phố Quy Nhơn: Dành cho thí sinh thi vào Trường Đại học Quy Nhơn và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 6 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực Hà Nội và Tp.HCM. Cụm thi này do Trường Đại học Quy Nhơn chủ trì phối hợp với các trường đại học liên quan tổ chức thi. 1.4. Cụm thi tại thành phố Cần Thơ: Dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Cần Thơ và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 9 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh. Cụm thi này do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì phối hợp với các trường đại học liên quan tổ chức thi. Thí sinh của các tỉnh tại các cụm thi trên, nếu đăng ký dự thi vào các trường ĐH khối Quốc phòng và Công an hoặc các trường và các ngành năng khiếu vẫn phải đến trường ĐH, CĐ để dự thi (không dự thi ở cụm). Thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành phố được chỉ định dự thi tại cụm thi TP. Hải Phòng, TP. Vinh, TP. Quy Nhơn hoặc TP. Cần Thơ, thí sinh tự do không bắt buộc phải dự thi tại cụm thi được chỉ định theo hộ khẩu thường trú mà có thể dự thi tại trường đăng ký dự thi nếu có nguyện vọng. 2. Trách nhiệm của các trường đại học có thí sinh dự thi tại cụm thi TP Hải Phòng, TP. Vinh, TP. Quy Nhơn và TP. Cần Thơ. 2.1. Trước ngày 25/5/2014, thông báo cho Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường số lượng thí sinh dự thi vào từng khối của trường mình. 2.2. Gửi giấy báo dự thi cho thí sinh. 2.3. Trước ngày 25/5/2014 cử và thông báo cho Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường danh sách cán bộ tham gia Hội đồng coi thi liên trường, cán bộ làm Trưởng điểm thi, cán bộ giám sát thi và Ban thư ký tương ứng với số lượng thí sinh. 2.4. Ngày 3/7/2014, tất cả cán bộ của các trường được cử tham gia công tác thi tại cụm thi phải có mặt tại các cụm thi để chuẩn bị cho công tác coi thi. 2.5. Tùy theo từng điều kiện, các trường có thể trực tiếp thoả thuận với Trường Đại học Hàng hải, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn hoặc Trường Đại học Cần Thơ về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức thi tại cụm thi. 3. Trách nhiệm của Trường Đại học Hàng hải, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Cần Thơ. 3.1. Bảo đảm đủ số phòng thi cho các trường. Mỗi phòng thi có đủ bàn ghế, ánh sáng và các điều kiện về trật tự, an toàn, nước uống, phục vụ y tế cho thí sinh. 3.2. Trước ngày 30/5/2014, thông báo cho các trường địa chỉ cụ thể của các điểm thi và các phòng thi; số lượng thí sinh mỗi phòng thi. 3.3. Tổ chức in sao đề thi, đóng gói, bảo quản, phân phối đề thi theo đúng quy chế. Có phương án dự phòng in đề thi khi mất điện. Chú ý phòng ngừa thiên tai, hoả hoạn,... 3.4. Cử đủ cán bộ coi thi, cán bộ y tế, cán bộ phục vụ và lực lượng bảo vệ thi. Tổ chức tập huấn kỹ cho các cán bộ tham gia tuyển sinh. 3.5. Hướng dẫn và giúp đỡ các trường bố trí nơi ăn, ở cho cán bộ tham gia tuyển sinh. 3.6. Hướng dẫn và tạo điều kiện giúp đỡ nơi ăn, ở cho thí sinh và gia đình thí sinh ở các địa phương về phố dự thi. 3.7. Có phương án dự phòng và xử lý các tình huống thiên tai bất thường. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có phát sinh, các trường báo cáo Bộ GD&ĐT và Hội đồng coi thi liên trường tìm biện pháp giải quyết kịp thời. V. ĐIỀU KIỆN XÉT TUYỂN VÀO ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG 1. Đối với kì thi chung a) Căn cứ kết quả thi của thí sinh và quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, Bộ GD&ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển. b) Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số của các trường không được thấp hơn điểm qui định đảm bảo chất lượng đầu vào. 2. Đối với tuyển sinh riêng Chỉ xét tuyển những thí sinh: - Nộp đăng ký xét tuyển vào trường với hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và đúng quy định; - Có kiến thức văn hóa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về kết quả học tập được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường. VI. XÉT TUYỂN VÀ TRIỆU TẬP THÍ SINH TRÚNG TUYỂN 1. Đối với các trường tuyển sinh theo kì thi chung 1.1. Các trường ĐH, CĐ tham gia kì thi chung và sử dụng chung kết quả thi, chủ động trong việc xét tuyển theo nguyên tắc sau đây: a) Xác định phương án điểm trúng tuyển theo khối thi, theo ngành học hoặc điểm trúng tuyển chung; b) Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước; c) Xét tuyển thí sinh có kết quả thi từ điểm cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu; d) Chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1,0 điểm và giữa các khu vực là 0,5 điểm. 1.2. Các trường ĐH có đào tạo hệ CĐ, các trường CĐ thuộc các ĐH, nếu không tổ chức thi tuyển sinh cho hệ này, được xét tuyển thí sinh đã dự thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT có cùng khối thi, trong vùng tuyển qui định của trường. 1.3. Các trường có ngành năng khiếu, nhưng không tổ chức thi vào các ngành này theo đề thi riêng, thì được xét tuyển thí sinh đã dự thi ngành đó tại các trường khác, có các môn văn hoá thi theo đề chung của Bộ GD&ĐT. 1.4. Thời hạn xét tuyển Các trường công bố công khai các thông tin liên quan đến điều kiện xét tuyển, thời hạn xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày (đối với thí sinh tham dự kì thi chung). Công bố kết quả xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử về tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời hạn xét tuyển bắt đầu từ ngày 20/8/2014, kết thúc ngày 31/10/2014 đối với trường đại học và ngày 15/11/2014 đối với trường cao đẳng. 1.5. Việc cấp Giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ a) Các trường ĐH, CĐ thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT cấp 03 Giấy chứng nhận kết quả thi (có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường) cho thí sinh không trúng tuyển vào trường mình. b) Giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ phải thống nhất mẫu đã thiết kế, không được thay đổi và phải điền đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Giấy chứng nhận kết quả thi đều phải đóng dấu đỏ của trường để thí sinh có thể sử dụng đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ hoặc TCCN. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ in điểm các môn thi chưa nhân hệ số. 1.6. Đối với thí sinh dự thi liên thông theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo liên thông của trường. Nếu không trúng tuyển được xét tuyển vào học liên thông các trường khác, cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển. 2. Đối với các trường tổ chức tuyển sinh riêng 2.1. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành; 2.2. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định; 2.3. Trên cơ sở hồ sơ đăng kí, căn cứ tiêu chí đã xác định, tổ chức xét tuyển từ trên xuống đến đủ chỉ tiêu; 2.4. Kết quả tuyển sinh của thí sinh đăng kí vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác; 2.5. Chế độ ưu tiên trong tuyển sinh thực hiện theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và điểm ưu tiên chỉ cộng vào để xét tuyển đối với thí sinh có kiến thức văn hóa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về kết quả học tập quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh. 2.6. Báo cáo kết quả kịp thời sau khi kết thúc kỳ tuyển sinh theo quy định của Quy chế. VII. QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA CÁC TRƯỜNG TỔ CHỨC THI TUYỂN SINH VÀ CÁC TRƯỜNG KHÔNG TỔ CHỨC THI TUYỂN SINH Để bảo đảm quyền lợi cho những thí sinh có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện đúng những quy định sau đây: 1. Thí sinh có nguyện vọng học tại trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh phải nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí tuyển sinh và dự thi tại trường ĐH, CĐ tổ chức thi có cùng khối thi. 2. Các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi, nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí tuyển sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có nguyện vọng học tại các trường không tổ chức thi được dự thi. 3. Các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi, sau khi chấm thi xong, không xét tuyển thí sinh có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh, mà gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cùng dữ liệu kết quả thi cho trường mà thí sinh có nguyện vọng học trước ngày 10/8/2014. 4. Các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi, cử người đến nhận phiếu ĐKDT của thí sinh có nguyện vọng học tại trường mình trong ngày bàn giao hồ sơ ĐKDT. Sau khi có kết quả thi do các trường tổ chức thi gửi về, lên thống kê điểm trên máy tính, xét tuyển thí sinh, gửi Giấy triệu tập cho thí sinh trúng tuyển; Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh không trúng tuyển để các sở GD&ĐT chuyển cho thí sinh. VIII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO 1. Trước ngày 20/6/2014 các trường phải thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) biết số điện thoại trực thi tuyển sinh của Hội đồng tuyển sinh. 2. Mỗi buổi thi, sau khi thí sinh làm bài được 2/3 thời gian, HĐTS các trường cần báo cáo nhanh cho Ban chỉ đạo thi của Bộ qua số điện thoại: 04. 36231655; số Fax: 04. 36231656. 3. Sau khi hoàn tất việc chấm thi, các trường ĐH báo cáo kết quả về Bộ (qua Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) trước ngày 01/8/2014; các trường CĐ trước ngày 05/8/2014 để tổng hợp xây dựng tiêu chí đảm bảo chất lượng xét tuyển vào đại học, cao đẳng. 4. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, các trường báo cáo về Bộ (qua Vụ Giáo dục Đại học, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) kết quả xét tuyển. 5. Kết thúc kì thi tuyển sinh, các trường báo cáo kết quả tuyển sinh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục), chậm nhất ngày 30/11/2014. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện và các trường đại học, cao đẳng quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc.
LỊCH CÔNG TÁC TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HỆ CHÍNH QUY NĂM 2014 (Kèm theo công văn số: 1260/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 14/03/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
|