Nghiên cứu khoa học trong sinh viên: Bước đệm cho tương lai |
Thứ hai, 07/03/2016 09:03 | ||
(BGĐT) - Nghiên cứu khoa học trong sinh viên là một trong những yếu tố quan trọng góp phần gắn lý thuyết với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo. Những năm qua, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang rất quan tâm, đầu tư cho hoạt động này.
Động lực trong học tập Năm học 2015 - 2016, Trần Thị Lài, sinh viên năm thứ 4, Lớp D- CNTP 2A, Khoa Công nghệ thực phẩm cùng nhóm bạn thực hiện thành công đề tài khoa học “Nghiên cứu chế biến thử nghiệm kẹo gôm có bổ sung màu tự nhiên từ atiso đỏ, cà rốt, lá dứa nếp”. Đề tài được Hội đồng khoa học của khoa và trường đánh giá cao về tính sáng tạo và ứng dụng. Lài chia sẻ: Việc sử dụng chất màu thực phẩm đang tồn tại nhiều bất cập ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, nhóm quyết định nghiên cứu, tìm ra công thức phối trộn các thành phần, nguyên liệu thích hợp tạo màu cho kẹo gôm. Nguyên liệu cụ thể là atiso đỏ, cà rốt, lá dứa nếp. Từ khi đăng ký ý tưởng, bắt tay thực hiện đề tài, nhóm của Lài được khoa và trường quan tâm. Ngoài giúp đỡ tận tình về cơ sở vật chất, không gian, nhà trường còn hỗ trợ nhóm 5 triệu đồng. Những kiến thức tích lũy được không chỉ giúp ích cho việc học tập hiện tại mà còn là “bước đệm” đầu tiên chuẩn bị cho tương lai. Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên, giảng viên hướng dẫn đề tài “Áp dụng Quy trình nhân giống hoa đồng tiền kép nhập nội” của nhóm sinh viên Lương Thị Minh Thanh, lớp D- CNSH 3A, Khoa Nông học cho rằng: Nghiên cứu khoa học trong trường chuyên nghiệp giúp sinh viên nâng cao khả năng tư duy, phân tích các vấn đề, khi ra trường sẽ bắt nhịp nhanh với môi trường làm việc mới. Tính riêng năm học 2014 - 2015, Trường có gần 30 đề tài cấp tỉnh, huyện, trường (tăng 5 đề tài so với năm học trước). Các đề tài được đầu tư và nâng cao về chiều sâu, có tính ứng dụng cao. Bên cạnh thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, nhà trường còn động viên, khuyến khích sinh viên tích cực tham gia: Hội nghị Khoa học tuổi trẻ khối các trường nông - lâm - ngư toàn quốc; viết tham luận trong các hội thảo khoa học các cấp; cuộc thi sáng tạo khoa học- kỹ thuật và công nghệ… Nhờ vậy, từ năm 2003 đến nay, năm nào nhà trường cũng có đề tài khoa học của sinh viên giành giải. Đặc biệt, năm 2009, sinh viên Nguyễn Thị Phương, ngành Quản lý đất đai đoạt giải Nhì tại Hội nghị Khoa học tuổi trẻ khối các trường nông - lâm - ngư toàn quốc với đề tài “Đánh giá hiện trạng sử dụng đất trên vùng đất dốc”. Năm 2015, sinh viên Bế Thanh Tuyền, Khoa Cây trồng có đề tài “So sánh một số giống lúa chất lượng có triển vọng trong vụ mùa 2012 tại Trường Đại học Nông- Lâm Bắc Giang" xuất sắc giành được học bổng của Isarel… Còn nhiều sinh viên khác trưởng thành trong nghề nghiệp nhờ năng động, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học tại trường. Thông qua làm bài tập, bước đầu hình thành kỹ năng nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên học tập tốt hơn và là tiền đề sau này có điều kiện nghiên cứu cao hơn, sâu hơn trong lĩnh vực chuyên môn. Quan tâm, khuyến khích Từ năm 2010 đến nay, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang có hơn 50 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được báo cáo tại Hội đồng thẩm định cấp trường, trong đó đa phần thuộc ngành nông - lâm nghiệp. Những đề tài này được đánh giá cao về khoa học và ứng dụng thực tiễn trong sản xuất như: Nhân giống hoa đồng tiền kép nhập nội dự án nhân giống cam tại Yên Thế; Mô hình trồng cây chuối tây invitro tại Tuyên Quang… Đặc biệt, một số đề tài được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế như: Nhân nhanh giống chuối tiêu hồng bằng phương pháp invitro của sinh viên Lê Hoàng Phương, Trung tâm Công nghệ sinh học ứng dụng rộng rãi tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Vĩnh Linh (Quảng Trị); Khảo sát khả năng sinh sản, sinh trưởng của thỏ Newzealand White tại trại chăn nuôi của trường; Điều tra tình hình nhiễm giun đũa gà nuôi thả vườn tại huyện Việt Yên... Đánh giá công tác tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên, thầy giáo Nguyễn Quang Hà, Hiệu trường nhà trường cho biết: "Nghiên cứu khoa học chính là cách tự học tốt nhất. Nhà trường khuyến khích các em có những đề tài vào năm thứ 3, thứ 4 để tạo tiền đề thực hiện khóa luận tốt nghiệp, chuẩn bị kinh nghiệm cho các em khi tốt nghiệp ra trường. Đồng thời trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cơ bản về nghiên cứu khoa học". Mỗi năm, nhà trường dành khoảng 400 triệu đồng hỗ trợ đề tài cho sinh viên, giảng viên. Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp sinh viên hiểu sâu hơn về kiến thức trên giảng đường. Trong quá trình tìm tòi, khám phá, sinh viên có điều kiện tiếp cận những tri thức mới, rèn luyện kỹ năng, sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ xã hội, là tiền đề, hành trang cho mỗi bạn trẻ khi ra trường. Tuyết Mai (Baobacgiang.com.vn) |