NGHIÊN CỨU KHOA HỌC & HTQT
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Mộc Châu sẽ là 'Đà Lạt của miền Bắc'? In
Thứ năm, 26/11/2015 07:08

Không nằm ở vị trí đắc địa, nhưng vài năm gần đây, Mộc Châu được các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm.“Nếu được đầu tư bài bản, huyện Mộc Châu (Sơn La) sẽ trở thành “Đà Lạt của miền Bắc” trong thời gian không xa”, ông Fukada Hiroshi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã khẳng định như vậy khi chứng kiến nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu lãi hàng tỷ đồng/ha/năm tại đây.

Doanh nghiệp Nhật hướng lên Mộc Châu


Không nằm ở vị trí đắc địa, nhưng vài năm gần đây, Mộc Châu được các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Những người đến từ “xứ sở hoa anh đào” đã tận dụng tối đa lợi thế có một không hai của nơi đây để sản xuất nông sản giá trị cao.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và ông Fukada Hiroshi đã thăm và làm việc tại Sơn La. Trong đó, nội dung trọng tâm là tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mộc Châu. Tại xã Đông Sang, thị trấn nông trường Mộc Châu, đoàn công tác đã được chiêm ngưỡng mô hình SX rau, quả trong nhà kính hiện đại của Cty giống cây trồng Takii, với tổng diện tích gần 4,7 ha.

Ông Toyama, Giám đốc Cty Takii, chia sẻ: 3 yếu tố tự nhiên quyết định sự thành, bại của SX nông nghiệp là nước, đất và khí hậu. Con người có thể tác động vào mọi thứ để đạt được mục đích, trừ thời tiết. Nếu Đà Lạt (vùng đất có khí hậu ôn đới, biên độ nhiệt ít dao động) là thiên đường của rau, củ ôn đới chất lượng tốt, thì hầu hết các loại hoa quả ôn đới và cận nhiệt đới được trồng ở Mộc Châu (nơi có khí hậu mát mẻ, chia làm 4 mùa rõ rệt và biên độ nhiệt ngày – đêm dao động mạnh) sẽ đạt chất lượng hảo hạng.

Cũng theo ông Toyama, lợi thế khác của Mộc Châu so với các vùng sinh thái là rất ít côn trùng, sâu bệnh. Đây là điều kiện sống còn để sản xuất nông sản sạch.

Cách đó chừng 500 m là khu nhà kính trồng dâu tây của ông Shojiro, Giám đốc Cty rau quả Việt – Nhật. Theo chủ vườn, mỗi kg dâu tây sản xuất tại đây có giá 300.000 đồng, cao gấp đôi so với dâu tây xuất xứ ở các vùng sinh thái khác. Mỗi năm, khu nhà kính rộng 2.000 m2 cho sản lượng 2.600 tấn quả nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi dâu tây ở Mộc Châu có vị thơm ngon đặc trưng của tiểu vùng khí hậu mát mẻ, màu sắc đẹp và tuyệt đối an toàn do không sử dụng hóa chất BVTV.

Tuy nhiên, ông Shojiro cũng than phiền với Bộ trưởng Cao Đức Phát rằng, thủ tục cấp phép nhập khẩu cây giống kèm theo đất của Việt Nam rất rắc rối. Doanh nghiệp muốn mở rộng diện tích cũng khó.

Nghe xong, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: “Khi nào ông muốn nhập khẩu cây giống để mở rộng diện tích, hãy gọi điện thoại hoặc viết thông tin vào một tờ giấy rồi gửi cho tôi. Tôi sẽ giải quyết khó khăn của ông ngay tức khắc”.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm đầu tư trồng, chế biến chè Nhật ở Việt Nam, ông Sato, GĐ Cty sản xuất và chế biến chè Sato, khẳng định rằng: Không có bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng phát triển chè Nhật tốt như Mộc Châu. Bởi nơi đây có nhiều sương mù, cây chè tổng hợp được các dưỡng chất cần thiết, tạo nên chất lượng thơm ngon. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng nguyên liệu của Cty chè Sato đang gặp khó khăn do vướng phải quy hoạch xây dựng khu trung tâm hành chính huyện Vân Hồ (được tách từ một phần diện tích của huyện Mộc Châu).

Mô hình tỷ đồng/ha đã có, chỉ việc mở rộng

Đất nông nghiệp của Mộc Châu không chỉ là nơi các cường quốc nông nghiệp công nghệ cao nhắm tới, mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt rót vốn lên đây.

Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, cho biết: Dựa trên những lợi thế đặc biệt của tiểu vùng khí hậu, từ 10 năm trước, tỉnh đã lập quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở Mộc Châu với diện tích trên 3.000 ha. Ban đầu, việc kêu gọi các nhà đầu tư không hề đơn giản. Bởi Mộc Châu không chỉ xa xôi về địa lý mà còn hạn chế về chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là chính sách đất đai. Nhưng giờ đây, với sự “cởi trói” về cơ chế, chính sách, khu NNCNC đã mời gọi được hàng trăm lượt doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát và “đặt cọc” đầu tư điểm sản xuất nông nghiệp với hàng chục loại sản phẩm (như: đông trùng hạ thảo, hồng giòn, bơ, dâu tây, hoa nhiệt đới...).

“Trong tương lai, huyện Mộc Châu hướng tới một nền kinh tế dựa trên hai trụ cột là du lịch sinh thái và NNCNC. Và để làm được điều đó, ngoài việc quảng bá tiềm năng của địa phương để thu hút đầu tư, việc cải thiện hạ tầng cơ sở cũng vô cùng quan trọng. Tỉnh Sơn La mong muốn Chính phủ Nhật Bản sẽ viện trợ nguồn vốn ODA để xây dựng tuyến đường cao tốc nối Hà Nội với Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu, Điện Biên để rút ngắn thời gian lưu thông, kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô”, ông Hoàng Văn Chất nói.

Đặc biệt, Liên doanh Cty CP Cao Nguyên, Cty Đạt Gia Thuận (Đài Loan), Cty Rau-hoa-quả Mộc Châu đầu tư gần 100 tỷ đồng để thực hiện dự án SX rau, hoa, quả tươi với tổng diện tích 60 ha. Cty CP Hoa Nhiệt Đới đầu tư ban đầu hơn 30 tỷ đồng với diện tích 3,5 ha… Một số mô hình đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/ha/năm. Ông Chất cũng khẳng định: Tất cả các loại rau, hoa quả trồng được ở Đà Lạt đều phát triển tốt ở Mộc Châu. Riêng trái cây sẽ cho hương vị đậm đà hơn. Mặc dù đã có mô hình cụ thể đem lại hiệu quả cao lên tới cả chục tỷ/ha/năm, nhưng việc mở rộng mô hình và xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm lại rất yếu.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp gom đất, mở rộng mô hình, tỉnh Sơn La có cơ chế thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, mỗi hộ gia đình và cá nhân có đất bị thu hồi sẽ được hỗ trợ 800 triệu đồng/ha (trong 50 năm), sau đó giao cho doanh nghiệp để họ yên tâm đầu tư xây dựng mô hình NNCNC. Thậm chí, nếu quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Sơn La kìm hãm doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất NNCNC, chúng tôi sẽ tính đến phương án điều chỉnh với những trường hợp cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư VSC (công ty thành viên của Nafoods), chia sẻ: Hiện tại, VSC đang có kế hoạch chuyển dịch vùng nguyên liệu chanh leo xuất khẩu ở Tây Nguyên ra khu vực Tây Bắc (dự kiến khoảng 3.000 ha). Và, Mộc Châu là một trong những vùng chiến lược mà Cty đang hướng tới. Sau 1 năm triển khai, VCS đã phát triển được 6 ha vùng nguyên liệu chanh leo ở thị trấn nông trường Mộc Châu, chất lượng sản phẩm được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi rất lo lắng khi đầu tư vào đây. Bởi tỉnh Sơn La chưa có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chanh leo. Bà Nguyễn Thị Thành Thực, GĐ Cty CP Bagico, cũng dự định đầu tư xây dựng một khu khảo nghiệm các loại cây ăn quả ôn đới và cận nhiệt đới với diện tích từ 3 – 5 ha tại khu vực miền núi phía Bắc. Nếu thành công, chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư sản xuất để phục vụ thị trường trong nước, giảm phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu từ Hà Lan và Israel. Tuy nhiên, giá thuê đất ở Mộc Châu thời điểm này rất đắt. Bởi vậy, chúng tôi mong tỉnh Sơn La giới thiệu cho Bagico một đơn vị nhà nước có tâm huyết phát triển cây trồng ôn đới và cận nhiệt đới để mượn đất. Chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng toàn bộ khu vực khảo nghiệm

Theo NNVN

 

 
<< Trang đầu < Trang trước 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 Trang sau > Trang cuối >>

Trang 93 / 119