NGHIÊN CỨU KHOA HỌC & HTQT
Mô hình trồng chăm sóc giống cà chua Savior an toàn In
Thứ hai, 12/05/2014 20:40

Đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường là nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ giảng viên trong từng năm học. Để thực hiện nhiệm vụ đó năm 2013 Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Yến – Giảng viên chính Khoa Nông học đã đăng ký làm đề tài khoa học “ Đánh giá hiệu quả sử dụng của một số loại phân bón qua lá trong sản xuất cà chua tại trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang”.

Giống cà chua được chọn để nghiên cứu trong đề tài là giống cà chua Savior có nguồn gốc từ Thái Lan do Công ty TNHH XNK Syngenta Việt Nam nhập khẩu phân phối. Đây là giống cà chua chịu nhiệt tốt, có tính kháng cao với bệnh vàng xoắn lá, bệnh sương mai, bệnh đốm lá, có khả năng sinh trưởng tốt, phát triển khoẻ. Hiện nay, tại khu ruộng thí nghiệm của trường cây cà chua Savior đang được trồng trên diện tích 1800m2. Đây là giống cà chua sinh trưởng bán hữu hạn, quả có dạng tròn dẹt, khi chín quả cứng đặc thịt, nếu để chín tại ruộng quả ít bị dập nát và rất được thị trường ưa chuộng.

Sau khi gieo cây con được từ 20 – 30 ngày, cây có từ 6 – 7 lá thật, chúng ta sẽ tiến hành làm đất, đất trồng phải được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ. Lên luống đôi rộng 1,4 m ( cả rãnh), cao luống 20 – 30 cm, mật độ cây từ 800 – 900 cây/ sào, khoảng cách hàng x hàng 70 cm, cây x cây 60 cm, trước khi tiến hành trồng ta tiến hành bón lót cho đất. Tiến hành rạch hàng  bón phân chuồng trộn toàn bộ vôi bột ủ trước trồng 2 tháng + phân NPK Lâm Thao vào rạch, đảo đều với đất và lấp trước khi trồng  7 - 10 ngày ( Tỷ lệ phân bón cho 1 sào gồm: Phân chuồng hoai mục: 3 tạ/sào; Phân bón Bình Điền (13 – 13 – 17): 9 kg/sào; Phân đạm: 1kg/sào; Phân NPK Lâm Thao (12 – 5 – 10): 15kg/sào; Phân Kali: 3 kg/sào; Vôi bột: 20kg/sào).

Sau khi trồng ta phải tưới nước để duy trì độ ẩm để cây bén rễ, hồi xanh. Thường xuyên tỉa những cành la, chỉ để một thân chính và một cành cấp một, biện pháp này cần được làm trong mỗi lần chăm sóc, thu hái. Sau khi trồng từ 25 – 30 ngày, ta phải tiến hành làm giàn cho cà chua, làm giàn theo hình chữ A, khi cây phát triển tốt cần buộc cây để tránh cây bị đổ, quả không bị chạm đất, không nhiễm sâu bệnh. Trong quá trình chăm sóc ta cần bón thúc 3 lần. Lần 1: Sau trồng 7 – 10 ngày (cây hồi xanh) hòa tan 2kg phân bón Bình Điền + 1gói Biobus + 1kg đạm tưới xung quanh gốc kết hợp nhổ cỏ, phá váng. Lần 2: Sau trồng 20 – 25 ngày (cây chuẩn bị ra hoa) bón 4kg Phân bón Bình Điền + 1 kg phân Kali vào giữa 2 hốc kết hợp với vun cao. Lần 3: Sau khi đậu quả đợt đầu (sau trồng 40 ngày) bón toàn bộ phân còn lại bằng phương pháp hòa tưới vào hốc.

Quy trình phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà chua Savior được thực hiện bằng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) một cách nghiêm ngặt từ biện pháp canh tác, biện pháp cơ giới, vật lý, sinh học. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và diệt sớm các ổ trứng, sâu non, sâu xám…

Mô hình sản xuất cà chua an toàn của Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Yến chỉ sử dụng các loại phân bón qua lá để đánh giá tốc độ sinh trưởng và phát triển của cây cà chua Savior. Có 4 loại phân bón lá đã được sử dụng để chăm sóc cây cà chua Savior gồm: Amilo axit, Greegelta 21, Polifood và HPC 207. Đến nay sau gần 3 tháng trồng thử nghiệm cây cà chua đang sinh trưởng phát triển tốt, cây đã ra trái và chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên trong thời gian tới.

Đề tài nghiên cứu “ Đánh giá hiệu quả sử dụng của một số loại phân bón qua lá trong sản xuất cà chua tại trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang” còn là mô hình để cho sinh viên lớp D – KHCT 1A thực tập bộ môn cây rau. Mô hình giúp cho sinh viên phát huy được những kiến thức đã học để vận dụng vào thực tế sản xuất. Từ đó giúp giảng viên đánh giá được chất lượng học tập của sinh viên.

Cây cà chua Savior đã được trồng ở nhiều địa phương như Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… Nó được đánh giá là cây có khả năng chịu nhiệt cao, vì đa phần các giống cà chua cũ đều thích nghi với khí hậu mát mẻ, riêng giống Savior có thể trồng được vào những tháng nóng nhất trong năm mà không hề ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây.


Một số hình ảnh


Mô hình sản xuất cà chua an toàn

 

 

 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Yến hướng dẫn sinh viên lớp D-KHCT 1A buộc cây tránh bị đổ

 

 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Yến hướng dẫn sinh viên tỉa những cành la


 

Trang Trần

 
<< Trang đầu < Trang trước 111 112 113 114 115 116 117 118 119 Trang sau > Trang cuối >>

Trang 111 / 119