Bắc Giang phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp |
Thứ hai, 08/07/2024 08:05 | ||||||||||||
Ngày 7/7, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Bắc Giang có đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn, Lê Ô Pích; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ô Pích báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác tình hình KT-XH và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bắc Giang xác định phát triển nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, là trụ đỡ của nền kinh tế. Tỉnh tập trung đề ra nhiều chủ trương, cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp đa dạng cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản nhằm nâng cao thu nhập, đời sống người nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bắc Giang đã quyết liệt triển khai cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản. Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, phát triển theo lợi thế từng địa phương. Ngành Nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp, giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 52 triệu đồng/người/năm. Tỉnh đã hình thành 56 nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với mã vùng trồng, số hóa vùng sản xuất và 290 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm vải thiều của HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doạnh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) đạt tiêu chuẩn 5 sao. Tỉnh đã xây dựng được 3 chỉ dẫn địa lý (vải thiều, sâm núi Dành, na dai), 6 nhãn hiệu chứng nhận và hàng trăm nhãn hiệu tập thể…
Phong trào Bắc Giang chung sức xây dựng NTM đạt kết quả cao. Toàn tỉnh đã có 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 154 xã đạt chuẩn NTM (đạt 84,6% tổng số xã), có 59 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã NTM kiểu mẫu, bình quân các xã đạt 17,8 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Năm 2024, tỉnh phấn đấu có huyện Tân Yên đạt chuẩn NTM nâng cao, thêm 5 xã NTM, 12 xã NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu. Với những kết quả đạt được, Bắc Giang đã vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc về xây dựng NTM. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động của khí hậu, thời tiết. Dư địa phát triển lĩnh vực trồng trọt ngày càng gặp khó do không gian sản xuất bị thu hẹp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa đồng bộ, mô hình kinh tế tuần hoàn, hữu cơ chưa trở thành phổ biến.
Công tác bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch kém phát triển nên giá trị gia tăng thấp; sản phẩm nông sản chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô; chi phí đầu vào sản xuất cao, khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản còn thấp. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế... Nhân dịp này, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn các địa phương kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi thú y theo quy định tại Điều 6, Luật Thú y để bảo đảm thống nhất, góp phần tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi thú y địa phương, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Tham mưu Chính phủ tiếp tục quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với chức danh Chi cục trưởng thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT để thuận lợi trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp.
Hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện đo đạc, rà soát đất rừng, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn và diện tích đất bàn giao về cho địa phương quản lý. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng một số công trình thủy lợi giai đoạn 2025-2030 gồm: Tuyến kết nối chuyển nước từ hồ Cấm Sơn sang hồ Khuôn Thần; lập chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới hồ chứa nước Nà Lạnh (Sơn Động) để xây dựng hồ chứa sau năm 2030… Hỗ trợ giới thiệu doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ, đầu tư công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản phục vục xuất khẩu. Ưu tiên lựa chọn tỉnh Bắc Giang để tổ chức thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn hướng đến khai thác giá trị đa dụng của nông nghiệp sinh thái trong các chương trình, đề án, dự án của Bộ Nông nghiệp và PTNT...
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Gấu trân trọng cảm ơn đồng chí Lê Minh Hoan và thành viên trong đoàn công tác đã có những nhận xét, đánh giá, ghi nhận, động viên kết quả tích cực mà tỉnh Bắc Giang đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, có nhiều ý kiến gợi mở, định hướng quan trọng để tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển lĩnh vực “tam nông” trong thời gian tới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, mặc dù Bắc Giang đang "chuyển mình" trở thành trung tâm công nghiệp lớn của khu vực miền Bắc song trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, tỉnh luôn coi trọng lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, phát triển đồng bộ nông nghiệp với công nghiệp, thương mại và dịch vụ; bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các lĩnh vực, khu vực, vùng miền của tỉnh. Cùng đó, luôn nỗ lực để người dân ở nông thôn, khu vực miền núi nhanh chóng thu hẹp khoảng cách đời sống với khu vực đô thị. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của T.Ư về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế địa phương. Qua đây, đồng chí mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm xem xét, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh. Đồng thời, luôn đồng hành, quan tâm, hướng dẫn, phối hợp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh phí để tỉnh có thêm nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch và thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội, do vậy đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm định hướng, góp ý những vấn đề mang tính chiến lược về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh. Sau khi nghe báo cáo và ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan đánh giá, mặc dù là tỉnh có công nghiệp phát triển nhưng Bắc Giang luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng ghi nhận những thành quả trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển sản phẩm nông sản hàng hóa của các nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và châu Âu. Bộ trưởng cho rằng, các chủ thể OCOP cần chú trọng xây dựng câu chuyện sản phẩm, thiết kế bao bì hấp dẫn người tiêu dùng. Cùng đó, sáng tạo hơn trong thu hút khách hàng thông qua quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh Bắc Giang cần xây dựng và thực hiện những đề tài khoa học nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy, nâng cao năng suất, thay đổi mùa vụ cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị nông sản hàng hóa, phấn đấu đi đầu và trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng chí gợi mở, ngành Nông nghiệp Bắc Giang cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan, hướng dẫn nông dân phát huy các mô hình cây, con đặc sản, phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với du lịch sinh thái để bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị. Tích cực động viên thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, định hướng, hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu; xác định rõ lợi thế để tập trung xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm; tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi… Đối với một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đồng chí Lê Minh Hoan giao các cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiên cứu tham mưu để Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định trong thời gian tới. Trước đó, các đồng chí Lê Minh Hoan, Nguyễn Văn Gấu và đoàn công tác đã đến thăm mô hình sản xuất của Hợp tác xã (HTX) Sâm núi Dành Đức Hạnh, xã Liên Chung và HTX Măng lục trúc lâm sinh Ngọc Châu, xã Ngọc Châu (cùng huyện Tân Yên). Tin, ảnh: Thế Đại – Nguyễn Hưởng Nguồn: baobacgiang.vn |