Hồ Chí Minh - Người là niềm tin tất thắng In
Chủ nhật, 19/05/2024 07:47

Với ý chí và nghị lực phi thường, với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn trùng sóng gió, tìm ra con đường cứu nước cứu dân, cùng toàn Đảng đưa nhân dân ta bước lên đài vinh quang, thoát khỏi kiếp nô lệ, làm chủ vận mệnh của mình. Không những thế, Người còn để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ, vô cùng quý giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khát vọng và niềm tin

Độc lập tự do cho dân tộc là khát vọng cháy bỏng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Chính khát vọng ấy đã thôi thúc người con mang dòng máu Lạc Hồng quyết ra đi tìm con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước đó, nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu cũng đã “muôn dặm đường xa” mong cứu nước nhưng đều thất bại, vì không có niềm tin vào sức mạnh dân tộc, muốn dựa vào nước ngoài. Độc lập tự do là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta, nhân dân ta. Nhưng vì thiếu niềm tin vào chính mình nên khát vọng ấy mãi mãi xa vời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong hang đá tại Việt Bắc vào năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong thời gian ác liệt nhất. Ảnh tư liệu.

Với tầm nhìn xa trông rộng, tin vào sức mình và phải bằng chính sức mình, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu buôn của Pháp, rời đất mẹ khi mới 21 tuổi. Chàng thanh niên ấy đã làm đủ nghề để kiếm sống, để hoạt động cách mạng; giữa đất Pháp mà vẫn kiên cường đấu tranh chống lại mọi chính sách hà khắc của chế độ thực dân, đòi quyền sống và tự do cho các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Thông qua hoạt động thực tiễn, Người hiểu rõ hơn bản chất của chế độ thực dân phong kiến, hiểu rõ con đường đấu tranh cách mạng không dễ dàng. Tìm đến với chủ nghĩa Lênin, Người đã nhận ra con đường đi đúng đắn cho cách mạng nước nhà. Đó là muốn làm cách mạng thắng lợi phải có đảng cách mạng. Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, thành lập và rèn luyện Đảng ta, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối chính trị. Nhờ có Đảng lãnh đạo, cách mạng Việt Nam tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.

Dù Người đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng trước đây cũng như hiện nay, trên mỗi bước đường thắng lợi của dân tộc luôn hiện hữu, lấp lánh hình ảnh của Người - vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc; người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết của loài người tiến bộ trên thế giới. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người để lại cho Đảng, nhân dân ta nhiều bài học quý giá. Chỉ khát vọng thôi chưa đủ mà phải có niềm tin; và muốn có niềm tin vững chắc thì phải có trí tuệ, tầm nhìn, nắm bắt được quy luật để định ra con đường đấu tranh và kiên quyết đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng…

Những điều ấy đã hội tụ trong con người Hồ Chí Minh, làm nên phẩm chất của một bậc vĩ nhân và chính khát vọng, niềm tin của Người được thổi bùng lên thành khát vọng, niềm tin của cả dân tộc, thành ý chí hành động của đồng bào ta ở mọi miền đất nước trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Người là hiện thân của một dân tộc anh hùng, là sự kết tinh những nét đẹp tinh tế mà kiên cường, mang cốt cách và tâm hồn Việt Nam.

Đúng như Điếu văn của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9/9/1969: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử”.

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Người Việt Nam yêu nước coi Chủ tịch Hồ Chí Minh “là cha, là bác, là anh”, là niềm tin yêu, tự hào và kiêu hãnh. Từ khi Người qua đời đến nay, Đảng ta có rất nhiều chỉ thị, kết luận nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đem hết sức mình phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp mà Người đã vạch ra, mang lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.

Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến mừng Ngày sinh nhật Bác Hồ vào tháng 5/1956. Ảnh tư liệu


Không chỉ ở trong nước mà đồng bào ta ở nước ngoài; không chỉ Đảng, Nhà nước ta mà nhiều quốc gia - dân tộc và bạn bè quốc tế tôn vinh Người là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, danh nhân văn hóa thế giới. Ở các đất nước xa xôi như Cu Ba, Pháp, Nga, Trung Quốc,… đều dựng tượng Bác và thiêng liêng biết bao, đối với người dân Việt Nam cũng như nhiều bạn bè quốc tế thân thiết đều có một Tượng đài Hồ Chí Minh trong tâm thức và coi đó như một phần máu thịt của mình.

Tình yêu thương vô bờ bến dành cho Người càng thôi thúc chúng ta phải học tập và làm theo Người thiết thực hơn. Đó cũng chính là cách mỗi người tự hoàn thiện chính mình, sống, làm việc tốt hơn, để không chỉ cống hiến cho xã hội mà còn có ích nhiều hơn cho gia đình và bản thân. Học Bác ở đạo đức cách mạng, ở phong cách, lối sống giản dị, gần dân, sát dân, không quan liêu, hách dịch,… Đó là yêu cầu của các cấp ủy Đảng, là mong muốn của từng gia đình và mỗi chúng ta. Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều việc phải học và làm theo Bác. Song trước hết là học và làm theo tấm gương đạo đức của Người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; ngăn chặn bằng được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Dường như cuộc sống ngày nay đang trôi đi nhanh quá với đủ các gam màu sáng, tối khác nhau, đa dạng và phức tạp. Con người bị nhiều thứ áp lực hơn mà đôi khi không có “điểm dừng” để ngẫm nghĩ, nhìn lại và tự điều chỉnh mình sao cho không vấp ngã trước những cám dỗ đời thường. Hãy nghĩ nhiều hơn về Bác, học tập Bác nhiều hơn trong cuộc sống, công tác một cách thiết thực. Đó vừa là tình cảm, là lòng biết ơn công lao của Người như biển rộng, núi cao đối với dân tộc ta, vừa là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên trước cuộc sống hiện nay. Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn.

Bắc Văn