Ống hút, bún gạo đạt quán quân Dự án khởi nghiệp nông nghiệp 2022 |
Thứ hai, 17/10/2022 08:52 |
Vượt qua 30 dự án vào chung kết cuộc thi 'Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo', dự án 'Các sản phẩm ống hút, bún gạo' đã giành giải nhất. Trong 2 ngày 15-16/10, tại TPHCM đã diễn ra chung kết cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 – năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. 30 dự án vào thi vòng chung kết là 30 niềm đam mê của những bạn trẻ, những sáng kiến được nảy sinh từ quá trình hoạt động “lên bờ xuống ruộng” của các bạn, những doanh nông làm ra những sản phẩm ngon, lành từ tài nguyên bản địa. Chị Hồng Hà với bún khô, ống hút gạo đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo lần 8/2022 Chị Trương Thị Hồng Hà (TPHCM), chủ dự án “Các sản phẩm ống hút, bún gạo” đã tạo ra sản phẩm từ tinh bột gạo kết hợp với củ dền, rau ngót, gấc, hạt dành dành, cà rốt, hoa đậu biếc… Sản phẩm không chỉ mang màu sắc riêng độc đáo, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. “Lần đầu tiên thi khởi nghiệp, mục đích của tôi là muốn được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia, từ các đội dự thi. Phần thưởng đạt được hôm nay sẽ giúp chúng tôi thêm tự tin khi ra thế giới” – chị Hà bộc bạch. Chị Bùi Phương Thanh (bìa phải) đạt giải 3 với dự án “Nâng cao giá trị nông sản Sơn La - Tạo sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc bản địa” Giải ba thuộc về dự án “Nâng cao giá trị nông sản Sơn La - Tạo sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc bản địa” của cô giáo môn hóa học Bùi Phương Thanh. Chị Thanh đã thành lập HTX Noọng Piêu tại Sơn La, địa phương thuộc vùng biên giới giáp Lào, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Xinh Mun, Thái, Mông sinh sống. Noọng piêu đã quy hoạch loại trái cây, vườn cây… chú trọng kết nối tiêu thụ, chuẩn hóa sản phẩm đầu ra góp phần nâng cao giá trị nông sản. Câu chuyện “Chế biến bún ngũ sắc” của bạn Phan Thị Tố Mười ở Bắc Kạn được trao giải Dự án nông nghiệp phát triển bền vững. Đây là điển hình cho thanh niên khởi nghiệp miền núi khu vực phía Bắc. Sản phẩm được làm từ gạo Bao thai truyền thống kết hợp với các thực phẩm tạo màu tự nhiên là các loại rau, củ, quả. Dự án này đã ứng dụng công nghệ vi sinh vào xử lí chất thải. Chất thải sẽ được làm thành phân bón và quay trở lại bón cho vùng trồng nguyên liệu. Cơm cháy Smile được nhiều bạn trẻ yêu thích Lần đầu tiên đưa cơm cháy đặc sản Smile – món ăn vặt quen thuộc của giới trẻ đi thi thố, startup Nguyễn Thu Hà (TPHCM) bộc bạch: “Em muốn đưa món cơm cháy thơm ngon, chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn. Hiện, sản phẩm đã có mặt tại hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất cả nước, em cũng đang đàm phán với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu sản phẩm. Hy vọng sẽ có thêm nhiều thành công trong thời gian tới”. Dương Ngọc Văn Long giới thiệu xốt gia vị đến người tiêu dùng Nụ cười luôn rạng rỡ khi tiếp thị đủ loại xốt từ xốt ướp nướng, xốt bún bò Huế, sa tế tôm đến khách hàng, Dương Ngọc Văn Long (TPHCM) cho biết: “Với mong muốn mang tới giải pháp nấu ăn tiện lợi nhất giữa nhịp sống hiện đại nhưng vẫn giữ được độ tươi ngon của món ăn và quan trọng là an toàn hơn với sức khỏe, chúng tôi đã nghiên cứu và tạo ra xốt gia vị hoàn chỉnh với cam kết không phẩm màu, không chất bảo quản, không hương liệu…”. Là doanh nghiệp khởi nghiệp, Long gặp không ít khó khăn bởi thị trường đã có nhiều sản phẩm xốt gia vị. Tuy nhiên Long và các cộng sự vẫn quyết định theo đuổi đam mê để làm phong phú thêm thị trường gia vị, khách hàng có nhiều sự lựa chọn tốt hơn. "Nhiều khách sau khi dùng thử đã trở thành khách thân thiết. Mình muốn đem đến những trải nghiệm, lựa chọn tốt hơn cho người dùng. Dù biết con đường phía trước sẽ không dễ dàng nhưng nhóm luôn kiên định và tin tưởng sẽ gặt hái nhiều quả ngọt” – Long chia sẻ. Uyên Phương Nguồn: baomoi.com |