Tiến tới Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9 (1945-2022): Mùa thu cách mạng, ký ức và hôm nay |
Thứ ba, 30/08/2022 09:23 | |||||
(BGĐT) - Lịch sử dân tộc viết thêm trang mới chói lọi khi cuộc Tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước vào mùa thu Ất Dậu 1945. Được làm công dân của một nước độc lập, niềm hân hoan tràn ngập ba miền. Non sông bừng tỏa trong ánh sáng cách mạng và hình như mỗi người dân cũng thấy mình không còn nhỏ bé yếu ớt nữa. Hào khí ấy căng đầy trong thơ Tố Hữu, giữa những ngày thu mới mẻ: Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời... Hà Nội ngày mùng 2/9/1945, trời xanh lồng lộng, nắng vàng rực rỡ. Trên lễ đài giản dị nhưng trang nghiêm tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy". Từ mùa thu tim bỗng hóa mặt trời, đất nước đã sang trang. Một trang mới, diễn đạt chính xác hơn là dân tộc Việt Nam sau gần một thế kỷ bị thực dân Pháp cai trị hà khắc đã bước vào kỷ nguyên: Độc lập tự do! Bốn chữ thiêng liêng ấy không chỉ một lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến; trong những ngày đất nước chống đế quốc Mỹ xâm lược ác liệt nhất sau này, Bác đã nâng lên thành chân lý thời đại: Không có gì quý hơn độc lập tự do! Dân tộc và nhân loại chắc còn phải rất nhiều lần nữa nhắc đến Hồ Chí Minh. Đó là một Con Người mang tinh hoa truyền thống và ánh sáng tương lai. Thương nước, trọng dân là mạch chảy xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh; tôi luôn luôn nghĩ thế về Người. Những gì Bác có đã minh chứng rất rõ ràng, sinh động cho điều này, khó ai có thể chối cãi, xuyên tạc, bôi đen được. Trở lại với ngày mùng 2/9/1945, có một chi tiết thực sự khó quên với ai đã từng chứng kiến, từng nghe kể lại. Đó là, đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng dừng lại, hạ giọng hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hình tượng này đã vào thơ Tố Hữu làm xao động hàng triệu con tim Việt Nam thuộc nhiều thế hệ: Người đọc Tuyên ngôn… rồi chợt hỏi:/ “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”/ Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi/ Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!... Bác đã truyền cảm hứng hành động cho triệu triệu người dân Việt Nam từ những gì rất đơn sơ, bình dị như thế. Tư tưởng, phẩm chất, tài năng của Người lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là thuộc về nhân dân, cho nhân dân, vì nhân dân. Hồ Chí Minh cùng dân tộc, dân tộc cùng Hồ Chí Minh viết tiếp những trang sử vẻ vang trong công cuộc giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng non sông từ dấu mốc lịch sử chói ngời: Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trước đó, lịch sử đã ghi rõ quyết tâm, hành động, việc bắt nắm thời cơ của những người yêu nước trong bước ngoặt kỳ diệu của thế cuộc năm Ất Dậu 1945 dẫn đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại. Từ Pác Bó (Cao Bằng) nơi có "Non xa xa, nước xa xa / Nào phải thênh thang mới gọi là / Đây suối Lê Nin, kia núi Mác / Hai tay xây dựng một sơn hà", Hồ Chí Minh đã về Tân Trào và dừng chân ở đình Hồng Thái vào ngày 21/5/1945. Sự chuyển dịch của lãnh tụ báo hiệu bước chuyển mình vĩ đại của lịch sử dân tộc mà chỉ sau đó ba tháng đã trở thành hiện thực. Đình Hồng Thái là nơi đón tiếp các đại biểu ở ba miền Bắc - Trung - Nam về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng từ ngày 13 đến 15/8/1945. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhấn mạnh tình thế cấp bách phải nắm đúng thời cơ, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương… Quốc dân đại hội mang tầm vóc như một Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai được tổ chức vào ngày 17/8/1945; bàn luận và quyết định thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, Mười chính sách của Việt Minh, Quốc kỳ, Quốc ca… Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) được bầu ra do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc đã được điểm từ đây, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời Tuyên thệ trước đồng bào: "Chúng tôi, là những người được Quốc dân đại hội bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc để lãnh đạo cuộc Cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng không lùi bước…" Và, ngày 16/8/1945, dưới bầu trời xanh ngăn ngắt, gió thu từ những ngọn núi cao đổ xuống rào rào trong tán lá cây đa Tân Trào có một đội quân chân đất áo nâu mang tên Quân giải phóng nghiêm trang nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc trước sự chứng kiến của các đại biểu dự Quốc dân đại hội và nhân dân Tân Trào… Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 truyền vào nhân dân có thể nói vô cùng rộng lớn và sâu sắc. Tháng ngày lịch sử này cũng đã nhiều lần tỏa sáng trong thơ ca Việt Nam. Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, khi đắm mình trong không khí mùa thu cách mạng năm 1945 đã hào hứng viết trường ca "Ngọn quốc kỳ" dài 203 câu vào mùa đông năm này. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong trường ca của Xuân Diệu như một biểu tượng mới mẻ, tràn trề sức sống của nước Việt Nam độc lập tự do: Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!/ Những ngực nén hít thở Ngày Độc Lập!/ Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!/ Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca… Làm sao không tự hào cơ chứ, từ một đất nước thực dân phong kiến "Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ/ Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi" (thơ Chế Lan Viên) đã "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa" (thơ Nguyễn Đình Thi)…
Có một vấn đề thuộc về lịch sử cần sòng phẳng đối với những lời lẽ xuyên tạc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó đây, lúc này, lúc khác có kẻ cho rằng đây chỉ là cuộc “cướp” chính quyền đơn thuần của lực lượng xã hội này với lực lượng xã hội khác. Thật hồ đồ và sai lầm! Đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trước năm 1930, đã có không ít cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống sự xâm lược của thực dân Pháp. Một số sĩ phu phong kiến, kể cả người đứng đầu triều Nguyễn (vua Duy Tân, vua Hàm Nghi) đã giương cao ngọn cờ chống thực dân Pháp. Tiêu biểu như phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi lãnh đạo và cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy. Tất cả đều bị thất bại. Bi kịch cuối cùng của giai đoạn lịch sử tăm tối này mang tên Yên Thế, dẫu cuộc khởi nghĩa vũ trang kéo dài dằng dặc suốt ba mươi năm. Và, những thế hệ sau Hoàng Hoa Thám đã thành công trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc. Đấy là những người cộng sản chân chính có Đảng kiên cường, có lãnh tụ tài giỏi, hết lòng vì nước vì dân. Luận điểm mấu chốt trong kế sách dựng nước và giữ nước của thời đại Hồ Chí Minh là phải hết lòng coi trọng nhân dân. Để từ đó gắn mục tiêu giành, giữ độc lập cho đất nước với tự do hạnh phúc của nhân dân. Từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Bác mong muốn: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Người còn căn dặn cán bộ ta: Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân… hay: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh… Đừng phút giây nào quên đi lời Bác dặn. Bảo bối giữ nước, dựng nước hôm nay và mai sau là ở đó chứ đâu nữa. Làm đúng lời Bác dặn, Tổ quốc, chế độ sẽ vững bền muôn thuở, sẽ tung cánh bay lên mặc phong ba sóng gió dữ dội đến cỡ nào. Thêm một mùa thu mới. Đất nước đang chuyển động về tương lai với những diện mạo, sắc thái, sinh khí mới. Nhưng cũng còn đó nhiều khiếm khuyết, yếu kém, sai lầm. Bộn bề bao việc cần làm. Ngổn ngang bao điều cần chỉnh sửa. Trách nhiệm không của riêng ai, chẳng phải của một nhóm người nào. Tất cả dân tộc phải đồng tâm hành động vì mục đích chung cao cả: Giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước, dựng xây tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong những ngày này, bỗng dưng tôi lại bâng khuâng nhớ tới những lời tâm sự của nhà thơ Tố Hữu: "Ôi, đất nước bao năm bom đạn/ Từng chia cơm, chia lửa, chia hầm/ Cao đẹp vậy, lòng người thanh thản/ Ta cùng ta, đồng chí, đồng tâm/ Đời, đâu phải thị trường nhân phẩm/ Gian ác mang mặt nạ thánh hiền/ Tình nghĩa cũng theo thời lạnh ấm/ Bạc vàng đo giá trị sang hèn?/ Có lẽ nào ta lại quên ta/ Đàn chim én báo mùa xuân tới/ Vượt muôn trùng sóng lớn, đường xa/ Ta sẽ đến những chân trời mới…". Nguyễn Hữu Quý |