Đại học Việt Nam và Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số |
Thứ tư, 22/09/2021 11:50 | |||
Chiều 21/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Giáo dục đại học chuẩn bị cho chuyển đổi số”. Hơn 500 nhà quản lý giáo dục đại học (GDĐH), giảng viên, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp và sinh viên tham dự sự kiện.
Đây là một phần trong chương trình Hợp tác Đối tác Toàn cầu - Going Global Partnerships của Hội đồng Anh tại Việt Nam trong ba năm 2021-2024. Mạng lưới Giáo dục đại học Vương quốc Anh-Việt Nam (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đại diện với vai trò trường Chủ tịch Mạng lưới), Global Wales - tổ chức chuyên trách về xúc tiến hợp tác giáo dục xứ Wales và Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh (DIT) hỗ trợ tổ chức sự kiện này.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì tại điểm cầu trực tuyến Bộ GDĐT Hội thảo tạo cơ hội cho Chính phủ và các nhà quản lý GDĐH Việt Nam và Vương Quốc Anh thảo luận về thách thức, cơ hội trong lĩnh vực số hóa GDĐH nhằm đáp ứng sự phát triển của bậc đào tạo này ở cả hai quốc gia và tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách để giải quyết các vấn đề này. Phát biểu chào mừng sự kiện, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội thảo đối với GDĐH trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống và giáo dục. Đây là cơ hội để các trường đại học Việt Nam và Vương quốc Ạnh chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các vấn đề xung quanh chuyển đổi số trong lĩnh vực giảng dạy, học tập, nghiên cứu, hợp tác doanh nghiệp và đảm bảo chất lượng. Nội dung trao đổi của Hội thảo sẽ là cơ sở giúp cho Bộ GDĐT cùng các trường xem xét, đóng góp vào quá trình xây dựng kế hoạch và chiến lược chuyển đổi số trong tương lai. “Hội thảo mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong lĩnh vực GDĐH, một trong những trụ cột chính của nội dung đối tác hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định. Đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam, bà Donna McGowan cho biết, Hội đồng Anh luôn mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác đối tác với Bộ GDĐT Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực GDĐH. Bà Donna McGowan nhận định: “Trước bối cảnh toàn cầu cùng những gián đoạn học tập do dịch Covid-19 gây nên, chuyển đổi số là một thay đổi tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thế hệ trẻ trong tương lai, giúp họ trang bị kiến thức và kỹ năng chuyển đổi cần thiết để chuẩn bị cho một thế giới việc làm nhiều biến đổi”. Thảo luận sâu hơn về chủ đề này, phiên toàn thể đã lắng nghe những chia sẻ hữu ích về “Tại sao Giáo dục đại học cần chuyển đổi kĩ thuật số?” của Giáo sư Iwan Davies, Hiệu trưởng Trường ĐH Bangor, Chủ tịch Global Wales. Trình bày về “Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 và các chính sách”, PGS TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết, để sinh viên có thể tiếp tục học tập và đảm bảo an toàn, đã có những giải pháp như điều chỉnh kế hoạch năm học, khung chương trình; dạy học trực tuyến; dạy học trên truyền hình… Song song với đó là quá trình cập nhật chính sách, khuyến khích, thúc đẩy dạy học trực tuyến, nâng cấp chương trình đào tạo, phát triển kỹ năng CNTT, phát triển hạ tầng và học liệu,… Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều quy định và hoạt động nhằm tăng cường năng lực, tạo cơ sở thuận lợi cho chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng. Bộ GDĐT đã kịp thời ban hành nhiều văn bản liên quan đến triển khai đào tạo, đánh giá từ xa và đảm bảo chất lượng nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Đặc biệt, các thông tư mới ban hành trong năm 2021 đã cho phép đào tạo trực tuyến trong đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Theo PGS Nguyễn Thu Thuỷ, cho phép đào tạo trực tuyến trên diện rộng càng đòi hỏi phải tập trung vào các điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng của công tác đánh giá. Cùng với quá trình hoàn thiện các văn bản quy pháp pháp luật, quy chế nội bộ của các cơ sở GDĐH cần đảm bảo không thấp hơn quy định chung. PGS TS Nguyễn Thu Thuỷ cũng nêu bật một số thách thức trong đào tạo trực tuyến như tư duy quản lý, phương pháp giảng dạy, cơ sở hạ tầng, đảm bảo chất lượng và chính sách; đồng thời, đề cập đến những kế hoạch, giải pháp trong thời gian tới như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc về GDĐT, phát triển và khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số, đào tạo kỹ năng cho sinh viên, chuyển đổi cơ sở hạ tầng,… Trong khuôn khổ của Hội thảo, bốn phiên họp còn lại với sự tham gia của nhiều diễn giả đến từ các trường đại học, tổ chức và doanh nghiệp, sẽ thảo luận các vấn đề và thách thức thể chế chung mà các trường đại học của hai quốc gia đang đối mặt. Bao gồm: Nâng cao năng lực dạy và học; Hợp tác nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp; Đổi mới trong dạy và học – Công nghệ cho phép nền tảng và phân chia kỹ thuật số: đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau; Bảo mật dữ liệu và Kiểm định chất lượng. Tại đây, các diễn giả chia sẻ về các phương pháp hiệu quả cũng như nghiên cứu điển hình về việc áp dụng mô hình sáng tạo trong số hóa quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu, từ đó tạo tiền đề và hỗ trợ quan hệ hợp tác về chuyển đổi kỹ thuật số trong tương lai.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục |