76 mùa thu Độc lập: Tự hào sức mạnh Việt Nam |
Thứ tư, 01/09/2021 16:27 | ||||
(ĐCSVN) – “Tuyên ngôn Bác đọc vang trời đất/Độc lập Người thề vọng núi sông”…76 năm đã qua nhưng những cảm xúc ngày Tết Độc lập trong nắng Ba Đình mùa thu năm ấy vẫn vẹn nguyên trong mỗi thế hệ người con đất Việt.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ thời khắc đó, toàn thể dân tộc Việt Nam đã cảm nhận niềm hạnh phúc thiêng liêng khi đất nước bước sang trang sử mới. Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 02/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển đất nước. 76 năm đã trôi qua, thực hiện lời thề Độc lập đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Chúng ta càng thêm tự hào khi trải qua nhiều năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân được cải thiện, chính trị xã hội ổn định, độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Có thể khẳng định, 76 năm trôi qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với tinh thần đoàn kết muôn người như một, đã giúp Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, từng bước phát triển ổn định. Đặc biệt, sau hơn 35 năm tiến hành đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; Chỉ số phát triển con người của Việt Nam dần được cải thiện, mức sống của người dân từng bước được nâng lên...Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều cấp độ... Chúng ta vui mừng và phấn khởi khi Kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XV – kỳ họp của nhiệm kỳ mới vừa kết thúc và thành công tốt đẹp. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đây cũng là một kỳ họp đặc biệt, bởi ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội đã bổ sung nội dung phòng chống COVID- 19 vào Nghị quyết của kỳ họp. Việc Quốc hội bổ sung ngay vào chương trình kỳ họp để xem xét, quyết định một số biện pháp cần thiết, chưa có tiền lệ nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch là việc làm hết sức cần thiết và mang ý nghĩa chính trị, pháp lý cao; thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
76 năm Quốc khánh 2/9 năm nay diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chung sức, đồng lòng chống giặc COVID-19. Đây cũng là mùa thu thứ 2 đất nước ta phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19. Hơn bao giờ hết, bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam tiếp tục ngời sáng. Vượt qua muôn vàn khó khăn, ngay từ đầu Việt Nam đã chủ động, đánh giá đúng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không chủ quan, lơ là. Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ. Đến nay, Việt Nam đã khống chế thành công cả 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, là tấm gương trong phòng chống dịch COVID-19. Và khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát và vô cùng nguy hiểm lại một lần nữa thử thách chúng ta. Vượt qua mọi khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Việt Nam tiếp tục chủ động ngăn chặn, đối phó với dịch bệnh bằng những quyết sách linh hoạt ở từng thời điểm khác nhau. Quyết liệt, khẩn trương và kịp thời, ngay tối 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Với tinh thần "chống dịch như chống giặc," bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng ta đã chạm đến trái tim của mỗi người, hiệu triệu toàn dân, toàn quân và đồng bào trong và ngoài nước cùng chung sức, đồng lòng, cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh. Tiếp nối lời kêu gọi của Tổng Bí thư, ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19." Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành và các địa phương để cùng chung sức chống lại dịch bệnh. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được phát huy và nhân lên trong cuộc chiến chống dịch. Các phong trào ủng hộ quỹ phòng chống dịch COVID-19 được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tích cực. Nhiều mô hình, hoạt động “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” được triển khai sâu rộng trong nhân dân nhằm chia sẻ với lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu mà Đảng, Nhà nước xác định rõ ràng từ những ngày đầu của cuộc chiến là “không ai bị bỏ lại phía sau”. Những ngày qua trên tuyến đầu chống dịch, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sỹ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân. Tại cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh. Nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng lên quyên góp giúp đỡ bà con khó khăn do dịch bệnh. Những cây "ATM gạo," những siêu thị 0 đồng được thiết lập ở giữa tâm dịch; những mớ rau, quả trứng được giao tận tay những người cách ly tại nhà, và còn nữa nhiều câu chuyện đẹp và cảm động được lan tỏa trong mùa dịch... Sống trong những ngày này, chúng ta càng thấm thía và thấy ý nghĩa hơn, bởi trong khó khăn, thử thách phẩm chất tốt đẹp từ trái tim và tâm hồn người Việt Nam càng tỏa sáng. Sự thành công lớn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sẽ là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Sức mạnh đó được kết tinh từ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam; là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự lực, tự cường, đồng cam cộng khổ, khoan dung nhân ái. Truyền thống cao đẹp đó một lần nữa đã được phát huy đúng lúc cùng với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước ta. Cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 còn trường kỳ nhưng chúng ta tin rằng phát huy tinh thần Tuyên ngôn Độc lập, sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc sẽ được nhân lên gấp bội để lập nên những kỳ tích mới, chiến thắng đại dịch. Đó cũng chính là ngọn lửa từ lời thề Độc lập năm xưa, đã và đang thắp lên để xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng./. Bích Liên
Nguồn: dangcongsan.vn
|