Câu chuyện "Tre già măng mọc" In
Thứ tư, 17/07/2024 23:40

Đôi khi chưa kịp lựa chọn chủ đề cho bài viết mới, thì đồng nghiệp, bà con đã nhiệt tình gợi mở, “đặt hàng”. Nên mỗi lần viết không chỉ là sự thôi thúc từ bên trong bản thân, mà còn là “nối tiếp” câu chuyện còn dang dở vì thời gian không cho phép, với anh chị em ở cơ sở, với bà con nông dân.

Dịp về thăm Bắc Giang vừa rồi, cứ nhớ đến gợi ý vui của lãnh đạo tỉnh: “Chuyến này thế nào cũng có bài về câu chuyện tre già măng mọc cho coi”. Đấy là vì đoàn công tác được giới thiệu mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn tại Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, huyện Tân Yên. Những liếp tre xanh xào xạc, phía dưới gốc là những búp măng vừa mới vươn mình khỏi mặt đất, bên trong nhà là măng tươi vừa thu hoạch và măng qua chế biến thành sản phẩm OCOP.

Lắng nghe chị Giám đốc Hợp tác xã Dương Thị Luyện tự hào chia sẻ về nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, càng thêm hạnh phúc trước sự thay đổi, chủ động của người nông dân. Thưởng thức từng miếng măng tươi, măng luộc thật ngọt ngào, thanh mát. Không biết vị ngọt do cây tre lục trúc được trồng hữu cơ hay vị ngọt từ mảnh đất và con người nơi đây?

Thật xúc động khi nhiều người trân trọng nhắc lại việc bác Nguyễn Công Tạn - người lãnh đạo năm xưa tâm huyết đưa giống tre lục trúc về vùng đất này. Một nhà lãnh đạo đã sống mãi trong lòng người dân vì đã khai mở giá trị mới. Nhìn hình ảnh bác Tạn ngồi cạnh búp măng càng thêm thấm thía về câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Nhớ ơn và biết ơn là tinh thần nhân văn ngàn đời của dân tộc.

Đất nước mình có khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ và độ ẩm cao thuận lợi cho tre nứa phát triển. Dọc theo chiều dài đất nước, đâu đâu cũng có những thực vật họ tre trúc, với 194 loài, thuộc 26 chi, đứng thứ 4 thế giới về diện tích tre trúc. Cây tre đi vào lịch sử từ câu chuyện thánh Gióng. Cây tre đi vào tâm hồn người Việt từ những tác phẩm văn học.

Khai thác giá trị tích hợp đa tầng từ cây tre trúc, măng tre trúc là hướng đi khai mở không gian giá trị mới, tạo cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Măng lục trúc sẽ còn gia tăng giá trị hơn nữa nếu biết cách sáng tạo nhiều hơn nữa, theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá

Đến thăm Hợp tác xã Sâm núi Dành - Đức Hạnh, lại một lần bất ngờ với loài sâm được người dân tự hào là sản phẩm tiến vua. Chuyện xưa kể rằng, Hoàng thái hậu Từ Dũ, mẹ của vua Tự Đức, bị bệnh nặng, mắt mờ dần, không nhìn thấy nữa. Thuốc, thầy khắp nơi thượng kinh mà bệnh tình không thuyên giảm. Bỗng một hôm, nhờ củ sâm dâng biếu từ núi Dành, Hoàng thái hậu dần hồi phục. Sâm núi Dành trở thành sản phẩm tiến vua kể từ đó.

Thật cảm xúc khi được biết câu chuyện về cây cổ thụ sâm núi Dành 55 tuổi được rước từ vườn nhà cụ Riễn, thôn Sấu - xã Liên Chung. Con người có gốc tích, tổ tiên thì cây trái cũng có gốc tích, tổ tiên như vậy. Đời cây cũng giống như đời người!

Từ câu chuyện Sâm núi Dành, vỡ ra nhiều điều đáng suy ngẫm. Làm sao những sản vật địa phương đi xa, vươn cao, được nhiều người biết đến, trở thành đặc sản mà không phải nơi nào cũng có được. Củ sâm sẽ được gia tăng giá trị cao hơn nhiều lần nhờ gắn với câu chuyện tiến vua.

Củ sâm sẽ được giá trị cao nhiều lần hơn nữa nhờ gắn với chỉ dẫn địa lý, câu chuyện về một hệ sinh thái rừng thông, đền Dành thuộc hệ sinh thái sườn Tây Yên Tử. Mai này, HTX Đức Hạnh sẽ trở thành một điểm du lịch trải nghiệm một vùng đất tự hào đã tạo ra một sản phẩm tiến vua. Đó chính là tư duy tích hợp đa tầng giá trị.

May mắn có dịp tìm hiểu, được giới thiệu về hành trình tạo dựng thương hiệu sâm của một quốc gia không xa. Từ củ sâm tươi, qua quá trình áp dụng phương pháp tinh luyện truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại trở thành những sản phẩm mang tên Thái cực sâm, Hồng sâm, Hắc sâm.

Từ những củ sâm tươi được chế biến thành hàng trăm sản phẩm dành cho người già, trẻ nhỏ. Ngoài ngâm rượu, những sản phẩm nho nhỏ như bánh kẹo, túi bột, gói trà, viên cao,… tiện dụng cho người tiêu dùng. Tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng là nấc thang tiếp đến của tư duy kinh tế.

Bắc Giang có vùng vải thiều Lục Ngạn nức tiếng gần xa. Bắc Giang có hồ Cấm Sơn, khơi nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác bài hát “Hồ trên núi”. Bắc Giang có địa danh lịch sử Yên Thế ngày xưa gắn với người anh hùng Đề Thám, hôm nay gắn với thương hiệu Gà đồi nổi tiếng. Những sản vật, cảnh quan địa phương đều có thể tìm ra mối liên hệ giữa “xưa và nay” để trở thành câu chuyện chứa đầy cảm xúc. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm sản phẩm, mà còn quan tâm đến câu chuyện gắn với sản phẩm.

Tài nguyên hữu hình thì hữu hạn, tài nguyên vô hình thì vô hạn. Đất nông nghiệp hữu hạn sẽ giảm dần trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và sự sinh sôi của con người. Giá trị hữu hình rồi sẽ tới ngưỡng, chạm ngưỡng. Trong khi đó, giá trị vô hình không có giới hạn nhờ sức sáng tạo của con người. Tích hợp những yếu tố vô hình như văn hóa, lịch sử sẽ tạo cảm xúc, giá trị mới, độc đáo cho sản phẩm hữu hình.

Mì chũ Lục Ngạn, măng khô Tân Yên, ruốc gà Yên Thế, cam Bố Hạ, và còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của Bắc Giang, khi được kết hợp lại với nhau, có thể tạo nên giá trị mới. Giống như câu chuyện cổ tích cây tre trăm đốt, người Bắc Giang rồi đây sẽ có câu thần chú “khắc xuất, khắc nhập” với tư duy mới, mở ra cơ hội mới, vận hội mới.

“Tre già măng mọc” là lời nhắc nhở của người xưa về quy luật của tạo hóa. “Những cây tre” đã tạo ra chừng ấy giá trị và đang tư duy để tạo ra giá trị cao hơn.

“Những búp măng” nếu được gửi gắm niềm tin, được giao phó trọng trách, sẽ kế thừa, tiếp nối, tạo ra giá trị cao hơn nhiều lần nữa.

“Những búp măng” là lớp trẻ tuổi đôi mươi, là những bạn sinh viên đang theo học tại Đại học Nông Lâm Bắc Giang, và xa hơn nữa là những cháu đang mang huy hiệu búp măng non trong các ngôi trường ở Bắc Giang.

Niềm vui đã về khắp nẻo đường nông thôn mới quê hương. Niềm vui sẽ kích hoạt trí sáng tạo, chủ động của những người nông dân. Sự sáng tạo sẽ giúp người nông dân trở thành những nghệ nhân, nhờ biết cách chăm chút và tạo ra giá trị mới cho những sản vật quê nhà.

Tinh thần liên kết, hợp tác, vì cộng đồng sẽ giúp những Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp trở thành những doanh nông trong tương lai, nhờ thích ứng với xu hướng kinh tế mới. Rồi đây, mỗi người Bắc Giang càng thêm tự hào hỏi khách phương xa: “Đã bao lâu rồi bạn chưa về Bắc Giang?”.

Nội dung: Lê Minh Hoan

Thiết kế: Tiến Thành

Ảnh: Tùng Đinh

Nguồn: nongnghiep.vn