Lễ dâng hương tại chùa Bổ Đà và đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung

78

Chiều ngày 16/2/2024, sau khi kết thúc giờ làm việc, tập thể cán bộ viên chức Khoa Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thăm và dâng hương tại chùa Bổ Đà và đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung.

Tập thể CBVC dâng hương tại chùa Bổ Đà

Chùa Bổ Đà, còn được gọi là chùa Bổchùa Tam Giáo, còn có tên chữ là Tứ Ân tự (四恩寺) là một ngôi chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), bờ tả dòng sông Cầu, thuộc địa phận thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (thời phong kiến là xã Tiên Lát, tổng Tiên Lát, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc xưa). Chùa nằm cách trung tâm phường Bích Động khoảng 10km về phía Tây, Chùa Bổ Đà là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất vùng đất Kinh Bắc, là trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016 và bộ kinh phật khắc trên gỗ thị lưu giữ trong chùa được đánh giá là cổ nhất của dòng thiền Lâm Tế,…

Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán – Nôm phong phú.

Tập thể CBVC dâng hương tại đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung

Theo sử sách, Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1419-1499) là người khai khoa đầu tiên cho 10 vị tiến sĩ làng Yên Ninh nay thuộc tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên). Cuộc đời của Tiến sĩ Thân Nhân Trung bình dị nhưng cao đẹp, tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của ông mãi tỏa sáng, trở thành nguyên lý sáng chói về xây dựng đất nước của mọi thời đại.

Tiến sĩ Thân Nhân Trung tự là Hậu Phủ, người làng Yên Ninh, tên Nôm làng Nếnh, huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc; nay là tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên). Ông đỗ Hội nguyên khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (năm 1469), dưới triều vua Lê Thánh Tông. Sau khi đỗ đạt, Thân Nhân Trung được bổ vào Hàn lâm viện thị độc, sau thăng lên Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu. Đền thờ Danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung là một công trình tín ngưỡng, văn hóa được xây dựng trên chính quê hương của ông, thể hiện sự tri ân sâu sắc của hậu thế đối với bậc “Danh nho trùm đời” có công lao to lớn đối với quê hương, đất nước.

Tổ truyền thông Khoa TN&MT