Trồng 200 cây xanh hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán In
Thứ sáu, 16/06/2023 21:17

Ngày 16/6, Bộ NN-PTNT và trường Đại học Nông lâm Bắc Giang tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023.

Các đại biểu và đông đảo các em sinh viên trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, học sinh trường THPT Thân Nhân Trung tham dự buổi lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các đại biểu và đông đảo các em sinh viên trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, học sinh trường THPT Thân Nhân Trung tham dự buổi lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chủ đề của Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023 là “Đất đai và quyền của phụ nữ”. Có thể nhận thấy, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ tài nguyên đất. Thời gian tới, phụ nữ trên toàn cầu cần được tiếp cận các vấn đề về đất đai nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy quyền sử dụng đất của nhóm đối tượng này, hướng tới đạt các mục tiêu liên kết toàn cầu về bình đẳng giới cũng như các mục tiêu phát triển bền vững khác.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Chống sa mạc hóa, trên thế giới có tới 40% diện tích đất đã bị suy thoái và 3,2 tỷ người bị ảnh hưởng bởi thoái hóa đất, đặc biệt là các cộng đồng nông thôn, nông dân sản xuất nhỏ và những người rất nghèo.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Việt Nam không phải quốc gia trọng điểm về sa mạc hóa nhưng suy thoái đất đã và đang diễn ra âm thầm nhưng rất mạnh. Theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có tổng diện tích đất bị thoái hóa là gần 12 triệu ha, chiếm khoảng 35,74% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Trong đó 1,2 triệu ha bị thoái hóa nặng; gần 3,8 triệu ha bị thoái hóa trung bình và hơn 6,8 triệu ha bị thoái hóa nhẹ.

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng thực trạng trên buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất bền vững, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Theo đó, đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của các nhà khoa học và sự ủng hộ của người dân và cộng đồng quốc tế.

PGS. TS. Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi nhà trường được lựa chọn là địa điểm tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

PGS. TS. Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi nhà trường được lựa chọn là địa điểm tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Với quyết tâm cao, cam kết mạnh mẽ và hành động thực tế, Việt Nam đang nỗ lực thông qua nhiều giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn tài nguyên đất, gắn với bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, lâm nghiệp không những đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giữ vững và đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp chiến lược xanh, góp phần bảo vệ, duy trì, phục hồi sức sản xuất của đất.

Học sinh trường THPT Thân Nhân Trung đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu về chống sa mạc hóa và hạn hán. Ảnh: Phạm Hiếu.

Học sinh trường THPT Thân Nhân Trung đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu về chống sa mạc hóa và hạn hán. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngành lâm nghiệp thời gian qua đã có sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội. Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng và kết quả của toàn ngành, đặc biệt là nỗ lực của nhiều địa phương.

Song Thứ trưởng cũng lưu ý rằng cần nghiêm túc nhận thức, có giải pháp đối với một số tồn tại cần khắc phục để ngăn chặn tình trạng mất, suy thoái rừng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.

Dẫn câu “Tấc đất, tấc vàng”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chuyển hóa được những thách thức và hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành cần nhận thức rõ giá trị vai trò của đất, có hành động ngay bằng những việc làm thiết thực nhằm bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững và hồi sinh, phục hồi những vùng đất bị thoái hóa, góp phần thực hiện mục tiêu Phát triển Bền vững của Công ước Chống sa mạc đó là: "Đến năm 2030, chống sa mạc hóa, phục hồi đất và đất bị suy thoái, bao gồm cả đất bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt, và phấn đấu đạt được một thế giới cân bằng thoái hóa đất".

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị và các đại biểu trồng cây xanh để hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị và các đại biểu trồng cây xanh để hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tại buổi lễ, các đại biểu và cán bộ, học sinh, sinh viên trường Đại học Nông lâm Bắc Giang đã thực hiện trồng 200 cây xanh các loại như sến xanh, chò chỉ, vù hương tại vườn cây của nhà trường.

Cũng nhân dịp này, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã vận động được 50 triệu đồng để dành tặng cho những học sinh, sinh viên trường Đại học Nông lâm Bắc Giang vượt khó và có thành tích cao trong học tập.

Bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi trường Đại học Nông lâm Bắc Giang được lựa chọn là địa điểm tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023, PGS. TS. Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, những năm qua, bên cạnh công tác giáo dục, nhà trường luôn quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.

Hiện nay Đại học Nông lâm Bắc Giang đang có điểm du lịch sinh thái nông nghiệp; khu rừng chim nước là nơi trú ngụ và sinh sản của gần 15.000 cá thể các loại.

Nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên đơn vị có những đề tài nghiên cứu khoa học về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đã được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn.

 

Một số hình ảnh tại buổi lễ mít tinh:

 
      
Phạm Hiếu
Nguồn: https://nongnghiep.vn/