Bộ Giáo dục và Đào tạo: 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 In
Chủ nhật, 30/01/2022 21:24

GD&TĐ - Năm 2022, cùng với việc tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ Chương trình soạn thảo văn bản năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

 

Những kết quả nổi bật trong năm 2021

Ngày 14/1/2022, tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng, đại diện một số cơ quan Trung ương, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tham dự trực tiếp và tại các điểm cầu.

Sau khi nghe Chánh Văn phòng báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; ý kiến phát biểu của đại biểu các cơ quan Trung ương dự họp và ý kiến phát biểu của các Thứ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kết luận:

Năm 2021 diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức là chủ yếu. Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới ngành Giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng và đạt được một số kết quả nổi bật.

Toàn ngành Giáo dục đã chủ động, khẩn trương chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19, bước đầu đã hạn chế được các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động chung của toàn ngành. Đặc biệt, trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, đội ngũ nhà giáo đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, chủ động trong việc dạy học trực tuyến và đồng hành với học sinh, sinh viên.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dần được hoàn thiện, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Trong năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 Quyết định, 3 Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền 47 Thông tư. Tập trung triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Duy trì chất lượng giáo dục các cấp học và hoạt động giáo dục. Các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao. Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai tích cực từ công tác thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển cao đẳng, đại học năm 2021 bảo đảm an toàn trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế; số lượng các công trình khoa học công bố quốc tế tăng liên tục; nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả, trong đó có nhiều nghiên cứu có giá trị liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.

Đẩy mạnh chuyển đổi sổ trong quản lý nhà nước và trong triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến, trên truyền hình; tăng cường học liệu số gồm sách giáo khoa, bài giảng điện tử, video bài giảng, phần mềm mô phỏng...; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Công tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ quan Trung ương và các địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Giáo dục…

Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Những nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Năm 2022, cùng với việc tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ Chương trình soạn thảo văn bản năm 2022, Bộ trưởng nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục chỉ đạo ứng phó với dịch Covid-19, củng cố chất lượng, khắc phục các tác động của dịch bệnh đối với ngành Giáo dục.

Trong đó, hoàn thiện chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành Giáo dục. Tham mưu Chính phủ có giải pháp quyết liệt để chỉ đạo các địa phương mở cửa trường học để đón học sinh quay trở lại trường học; các cơ sở giáo dục đại học xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đưa sinh viên sớm quay trở lại trường học; đồng thời tăng cường bù đắp kiến thức, kỹ năng, củng cố chất lượng đào tạo cho học sinh, sinh viên, học viên.

Thứ hai: Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ nhằm khắc phục những điểm thiếu sót, những lỗ hổng; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời; rà soát Luật Giáo dục đại học.

Thứ ba: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; tổ chức kiểm tra, đánh giá và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10, sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học các môn tiếng dân tộc thiêu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Thứ tư: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, đảm bảo ổn định, phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới giáo dục đại học. Các trường đại học tiếp tục củng cố, phát triển các trung tâm khảo thí để tăng cường, góp sức cùng với ngành triển khai đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thứ năm: Ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt.

Thứ sáu: Tiếp tục triển khai thực hiện tự chủ đại học; hỗ trợ kịp thời các cơ sở giáo dục-đào tạo khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; tăng cường giải pháp phát triển khoa học, công nghệ; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ bảy: Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến.

Thứ tám: Phối hợp với Bộ Nội vụ từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương; tổ chức các sự kiện nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thứ chín: Ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác.

Thứ mười: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.

Cuối cùng: Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/