Phát triển nông nghiệp đa tầng giá trị: Gắn kết “bốn nhà” để bứt phá |
Thứ năm, 02/01/2025 11:01 |
BẮC GIANG - Phát triển nông nghiệp đa tầng giá trị mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp Bắc Giang và đặt ra yêu cầu gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân). Trao đổi với phóng viên Báo Bắc Giang, Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã chỉ ra những giải pháp cốt lõi nhằm thực hiện mô hình này, góp phần gia tăng giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Thưa Giáo sư, những năm qua, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã có những đóng góp cụ thể nào trong phát triển mô hình nông nghiệp đa tầng giá trị ? GS.TS Phạm Bảo Dương: Nông nghiệp đa tầng giá trị là mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với các hoạt động gia tăng giá trị như chế biến sâu, du lịch nông nghiệp, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Nông nghiệp đa giá trị đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và khá thành công, điển hình là Nhật Bản. Bản thân tôi may mắn có dịp học tập, làm việc tại đất nước này và học hỏi được một số giải pháp để ứng dụng trong đào tạo, giảng dạy.
GS.TS Phạm Bảo Dương chia sẻ về sản phẩm khởi nghiệp với sinh viên. Những năm qua, với vai trò là cơ sở đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp đa tầng giá trị tại Bắc Giang và các địa phương khác trên cả nước. 5 năm qua, trường đã đào tạo hàng nghìn kỹ sư, cử nhân và thạc sĩ trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghệ thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường. Khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp đã và đang làm việc tại Bắc Giang, góp phần nâng cao chất lượng lao động tại địa phương. Nhà trường đã cử hơn 150 sinh viên tham gia các chương trình thực tập sinh tại các quốc gia phát triển như: Israel, Đan Mạch và Nhật Bản. Sinh viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo trở về nước đã học hỏi được kiến thức, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trường đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến khảo nghiệm giống cây trồng, bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu và phát triển mô hình liên kết chuỗi giá trị. Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đã có đóng góp tích cực vào việc phát triển nông nghiệp đa tầng giá trị tại Bắc Giang cũng như các địa phương khác. Dự án tiêu biểu như nghiên cứu biện pháp kỹ thuật trồng giống nho Hạ Đen nhập nội từ Trung Quốc tại một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Dự án sau khi thành công đã chuyển giao cho hơn 35 tỉnh, TP. Hiện nay, ở Bắc Giang đã xuất hiện nhiều nhà vườn trồng nho Hạ Đen, ngoài nguồn thu từ sản phẩm còn hấp dẫn du khách đến tham quan, thêm thu nhập từ du lịch sinh thái. Đó chính là đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Theo Giáo sư, đâu là những thách thức lớn đối với sự phát triển nông nghiệp đa tầng giá trị ở Bắc Giang hiện nay? GS.TS Phạm Bảo Dương: Bắc Giang có tiềm năng lớn trong nông nghiệp đa tầng giá trị, tuy nhiên việc phát triển mô hình này đối mặt với một số thách thức. Đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng và công nghệ; thiếu nhân lực chất lượng cao. Thị trường tiêu thụ chưa bền vững, phần lớn sản phẩm nông nghiệp ở Bắc Giang vẫn dựa vào thị trường truyền thống, dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Chế biến sâu còn hạn chế; du lịch nông nghiệp chưa phát triển. Thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại phường Tự Lạn (thị xã Việt Yên). Mô hình nông nghiệp đa tầng giá trị yêu cầu sự thay đổi trong tư duy và hành động của người dân. Đâu là những khó khăn trong thay đổi nhận thức của nông dân tại địa phương, thưa Giáo sư ? GS.TS Phạm Bảo Dương: Người dân Bắc Giang có truyền thống làm nông nghiệp và rất nhanh nhạy trong việc học hỏi, tiếp cận các mô hình nông nghiệp tiên tiến… Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn trong tư duy từ một nền sản xuất nông nghiệp thành ngành kinh tế nông nghiệp để “mọi nhà” cùng vào cuộc và giá trị sẽ kết tinh trong sản phẩm cuối cùng. Việc thay đổi nhận thức và hành động của nông dân tại tỉnh Bắc Giang trong áp dụng mô hình nông nghiệp đa tầng giá trị gặp phải một số khó khăn lớn liên quan đến cả yếu tố tâm lý, kinh tế và kiến thức: Tâm lý bảo thủ và thói quen cũ Nông dân Bắc Giang, đặc biệt là những hộ ở các khu vực nông thôn có xu hướng duy trì phương pháp canh tác truyền thống vì tính ổn định và quen thuộc. Khi sản xuất theo mô hình đa tầng giá trị đòi hỏi nông dân phải đầu tư công nghệ (giống mới, công nghệ mới), cơ sở hạ tầng, đồng thời phải chấp nhận rủi ro và thử nghiệm những cách làm mới. Điều này khiến nhiều người không muốn thay đổi do lo ngại mất mùa hoặc thiếu kinh nghiệm. Thiếu kiến thức và kỹ năng mới Mô hình nông nghiệp đa tầng giá trị yêu cầu nông dân phải nắm vững nhiều kỹ thuật mới, từ việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đến quản lý chuỗi giá trị, chế biến sản phẩm. Tuy nhiên, một số nông dân vẫn thiếu kiến thức hoặc hiểu chưa rõ về các tiêu chuẩn phải được áp dụng triệt để như VietGAP, GlobalGAP cho cây nông nghiệp hay GACP- WHO cho cây dược liệu hoặc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chế biến nông sản. Họ cũng ít có cơ hội tiếp cận với các khóa đào tạo và hướng dẫn chuyên sâu về kỹ thuật mới. Không đủ vốn đầu tư Mặc dù mô hình nông nghiệp đa tầng giá trị có thể đem lại lợi nhuận cao nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn để áp dụng các công nghệ mới, xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện các quy trình chế biến. Nhiều nông dân tại Bắc Giang thiếu khả năng tiếp cận vốn tín dụng hoặc không đủ vốn để đầu tư vào những công nghệ này. Sự thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng Mặc dù tỉnh đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ mô hình nông nghiệp đa tầng giá trị nhưng ở khu vực nông thôn vẫn thiếu trung tâm chế biến, hệ thống kho lạnh và những cơ sở hỗ trợ cần thiết để triển khai các chuỗi giá trị hiệu quả. Điều này làm giảm tính khả thi của việc phát triển sản phẩm chế biến sâu hoặc xuất khẩu. Khó khăn trong xây dựng mô hình liên kết Việc phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) gặp phải nhiều rào cản xuất phát từ tâm lý tự sản, tự tiêu. Từ nhiều bài học thực tiễn trong các mô hình, người nông dân vẫn còn do dự, thậm chí chưa hoàn toàn tin tưởng vào các hợp tác xã hay các DN vì lo bị ép giá hoặc không bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tâm lý chờ đợi hỗ trợ từ Nhà nước Trong quá trình phát triển nền nông nghiệp qua các thời kỳ, Nhà nước đã có những chính sách, chương trình phù hợp theo từng giai đoạn để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đào tạo. Nhiều nông dân mong đợi sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước nhưng lại thiếu chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và áp dụng các mô hình nông nghiệp mới. Họ chủ yếu dựa vào sự trợ cấp hoặc khuyến khích từ các chương trình của Nhà nước thay vì tự mình đầu tư nhằm thay đổi phương thức sản xuất. Để phát triển nông nghiệp đa tầng giá trị bền vững hơn, Giáo sư có những đề xuất gì đối với chính quyền địa phương, các DN và cộng đồng nông dân? GS.TS Phạm Bảo Dương: Để phát triển nông nghiệp đa tầng giá trị bền vững cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, nhà khoa học, DN và cộng đồng nông dân. Về phía chính quyền, cần xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho việc áp dụng phương pháp nông nghiệp đa tầng. Khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp và các mô hình kinh doanh nông nghiệp liên kết chuỗi. Đầu tư vào hệ thống hạ tầng nông nghiệp, bảo đảm nguồn nước và phân bón cho các vườn cây đa tầng. Khuyến khích nông dân tham gia các chương trình đào tạo về sản xuất hữu cơ, tái chế phụ phẩm và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Tỉnh cũng cần tạo cơ chế thông thoáng hơn nữa, hỗ trợ mời gọi các DN lớn đầu tư phát triển nông nghiệp đa tầng ở địa phương, nhất là các DN chế biến, tạo ra thế cân bằng giữa sản xuất và chế biến, chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm. Các DN cần đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp đa tầng. Hợp tác với nông dân để đầu ra sản phẩm ổn định, chia sẻ lợi ích theo mô hình kinh tế chia sẻ. Cộng đồng nông dân cần học hỏi và áp dụng các phương pháp nông nghiệp đa tầng hiệu quả từ các chuyên gia và tổ chức địa phương. Tham gia vào các mô hình hợp tác nông nghiệp. Áp dụng quy trình sản xuất sạch, tuần hoàn nhằm tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm đất, nước, không khí. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng như nhà trường tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư ! Nguồn: baobacgiang.vn |