Tín dụng thúc đẩy 'Tam nông' phát triển nhanh và bền vững |
Thứ bảy, 12/10/2024 14:13 |
Ngày 9/10 tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy "Tam nông" phát triển nhanh và bền vững. Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ NHNN, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia kinh tế, tài chính… Đại diện Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang có GS.TS. Phạm Bảo Dương - Bí thư đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường và TS. Nguyễn Hải Nam - Trưởng Khoa Kinh tế - Tài chính tham dự Hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Tam nông) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, là trụ đỡ của nền kinh tế. Đây là vấn đề chiến lược luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, xuyên suốt qua từng giai đoạn. Bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định “Tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Do đó, đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này. Tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, thúc đẩy tín dụng "tam nông" phát triển là một mục tiêu cốt lõi trong chương trình hành động của NHNN nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp - nông thôn một cách bền vững. Hiện nay, tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn chiếm 25% tổng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế; tăng gấp gần 4 lần sau 9 năm Nghị định 55 được ban hành. Với dư nợ doanh nghiệp khoảng 31,5%; dư nợ cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khoảng 68,3%; dư nợ hợp tác xã và đối tượng khác khoảng 0,25%. Theo TS. Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), nông nghiệp phát triển ổn định là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng. Tháng 5/2023, Bộ NN&PTNT đã ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) về hợp tác đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp gắn với BHNN theo chuỗi giá trị và phát triển vùng nguyên liệu. Đến tháng 4/2024, Bộ NN&PTNT và NHNN ký kết quy chế phối hợp thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, kinh tế khu vực nông thôn có những chuyển đổi tích cực, có sự chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ). Tuy nhiên, bên cạch những kết quả tích cực các đại biểu tham dự hội thảo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực “Tam nông” như: Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, tiếp tục là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Mặt khác, phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, còn thiếu liên kết trong các khâu sản xuất…
GS. TS. Phạm Bảo Dương – Bí thư đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang phát biểu tại Hội thảo Tham dự phiên thảo luận, đại diện Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang đã có tham luận “ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG THEO CHUỖI GIÁ TRỊ LÚA GẠO TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC: THỰC TRẠNG, RÀO CẢN VÀ GIẢI PHÁP” để phân tích các rào cản trong tiếp cận tín dụng của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị lúa gạo Séng Cù tại khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Tham luận chỉ ra các tác nhân trong chuỗi giá trị đang đối mặt với ba nhóm rào cản: năng lực sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi, thiếu tài sản thế chấp và cách thức triển khai hoạt động tín dụng của ngân hàng từ đó đề xuất các hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy dòng tài chính chảy vào trong chuỗi giá trị nông sản. Các đại biểu, chuyên gia sau khi thảo luận, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với các vấn đề liên quan nhằm mục tiêu phát triển “tam nông” một cách bền vững. Như vậy, để hỗ trợ triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cần các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, như chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, vấn đề đất đai trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững... Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khoa Kinh tế - Tài chính
|