1. Vị trí và chức năng
Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng là đơn vị thuộc Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang có chức năng tham mưu và giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến và tổ chức thực hiện công tác quản lý, điều hành các hoạt động thuộc lĩnh vực khảo thí, đảm bảo chất lượng giáo dục và thanh tra của Nhà trường.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
2.1. Công tác khảo thí
a) Chủ trì xây dựng các quy định nội bộ về thi kết thúc học phần, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các văn bản về công tác khảo thí sau khi được ban hành.
b) Giám sát việc xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi tự luận, thi vấn đáp và trắc nghiệm cho tất cả các học phần đào tạo đại học, sau đại học thuộc các hệ đào tạo.
c) Chủ trì việc tổ chức thi, chấm thi kết thúc các học phần trong chương trình đào tạo đối với trình độ đại học và sau đại học; chịu trách nhiệm chính về thanh tra, phúc khảo trong thi kết thúc học phần các hệ đào tạo.
2.2. Công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục
a) Chủ trì công tác xây dựng văn bản về mục tiêu, chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục.
b) Tổ chức triển khai các nhiệm vụ liên quan đến kiểm định, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục, kiểm định chương trình đào tạo.
c) Chủ trì việc tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo chất lượng, báo cáo tự đánh giá và các kiến nghị cải tiến chất lượng theo định kỳ.
d) Thường trực Hội đồng Tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục, tự đánh giá chương trình đào tạo.
đ) Chủ trì thực hiện việc lấy ý kiến phản hồi đánh giá, giám sát công tác giảng dạy qua đánh giá phản hồi của người học, mức độ sinh viên chấp nhận chất lượng giảng dạy toàn khoá hay từng học phần, kết quả học tập của sinh viên, tỷ lệ đạt yêu cầu từng học phần.
e) Xây dựng quy trình tổ chức khảo sát lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan đối với hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng.
ê) Phối hợp với Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế nghiên cứu đánh giá công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong Trường.
g) Phối hợp với Phòng Tổ chức - Hành chính và Phòng Tài chính - Kế toán đánh giá chất lượng đội ngũ, công tác hành chính và các dịch vụ của nhà trường.
h) Phối hợp với Phòng Đào tạo và các đơn vị đào tạo nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng như đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá.
e) Chủ trì định kỳ tiến hành tự đánh giá toàn bộ các hoạt động và các chương trình đào tạo của nhà trường và đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục cũng như đánh giá ngoài.
k) Chủ trì xây dựng và bảo quản cơ sở dữ liệu hoạt động tự đánh giá theo yêu cầu kiểm định chất lượng.
l) Xây dựng các quy trình đảm bảo chất lượng (các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá hoạt động của các đơn vị) của Trường và giám sát việc thực hiện chính sách chất lượng (văn hoá chất lượng, mục tiêu chất lượng...).
2.3. Công tác thanh tra
a) Định kỳ lập và trình Hiệu trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra; thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt.
b) Chủ trì biên soạn và trình Hiệu trưởng ban hành các quy định, tài liệu, hướng dẫn, chỉ đạo về công tác thanh tra, kiểm tra trong Trường.
c) Chủ trì đề xuất thành lập các tổ thanh tra và thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất theo quyết định của Hiệu trưởng.
d) Chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy chế của Trường và của Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu chương trình, quy mô, kế hoạch đào tạo; công tác quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoạt động của cán bộ, viên chức, người lao động, việc học tập của người học thuộc các hệ đào tạo và các công tác khác của Trường.
e) Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị, cá nhân trong Trường, phát hiện các tồn tại, kiến nghị với bộ phận quản lý kịp thời khắc phục hoặc báo cáo với Hiệu trưởng những vấn đề về quản lý cần sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý.
ê) Chủ trì tiếp nhận, xem xét, thẩm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị biện pháp giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
g) Tổ chức thực hiện các nội dung công tác cụ thể khác theo sự chỉ đạo của Hiệu trưởng.
h) Phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc có liên quan.
2.4. Thực hiện những nhiệm vụ khác
a) Quản lý và sử dụng có hiệu quả viên chức, người lao động thuộc phòng theo phân công, phân cấp; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ và duy trì kỷ luật lao động trong Phòng theo quy định của pháp luật và của Nhà trường.
b) Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị được giao theo quy định của pháp luật và của Nhà trường.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng phân công.
3. Cơ cấu tổ chức
3.1. Lãnh đạo phòng gồm có Trưởng phòng và không quá hai Phó Trưởng phòng do Hiệu trưởng Nhà trường quyết định bổ nhiệm theo quy định.
3.2. Trưởng phòng điều hành hoạt động của Phòng, chịu trách nhiệm trước Hiệu trường và trước pháp luật về hoạt động của Phòng; bố trí viên chức phù hợp với nhiệm vụ được giao và đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
3.3. Phó Trưởng phòng giúp Trưởng phòng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Trưởng phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
3.4. Viên chức, người lao động trong Phòng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn do Trưởng phòng phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao. |