Luật Đất đai năm 2024 mở ra hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

154

      Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, đã tháo gỡ nhiều nút thắt, mở ra hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

       Vừa duy trì sản xuất, vừa thu hút khách du lịch là nhiệm vụ kép trong lĩnh vực nông lâm nghiệp đối với huyện Mù Cang Chải, tỉnh Lào Cai.
   
     4 thành tố mới gọi là du lịch nông nghiệp
    Buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái” vừa tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, du lịch nông nghiệp là mô hình hiện nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, trải nghiệm mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch.
      Dự báo trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích. Từ đó góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp, hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ.
       Theo các chuyên gia, có 4 thành tố để được gọi là “du lịch nông nghiệp” đó là: Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

    Việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp có tác dụng giúp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn. Cũng như kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của ngành. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.

    Tại Việt Nam, du lịch và nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.

    Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp điển hình có thể kể đến như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, du lịch làng nghề ở An Giang; tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu tại tỉnh Ninh Thuận…

    Theo báo cáo của một số địa phương, doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp nông thôn ngày một tăng. Hiện trong tổng thu nhập của người dân nông thôn thì thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, trong khi các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

    Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn và các miền quê trong cả nước… Đó được xem là tín hiệu tích cực bước đầu khi triển khai phát triển du lịch nông nghiệp ở nước ta.

     Tháo gỡ nút thắt

    Trao đổi với báo chí bên lề tọa đàm, ông Đặng Quý Nhân, Phó trưởng phòng Quản lý OCOP và Du lịch nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, Việt Nam có tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là rất lớn, vì có nhiều cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, cây trồng, sản vật từ Bắc vào Nam, từ miền Trung đến Tây Nguyên và mỗi nơi đều có thế mạnh riêng.

    Tuy là vậy nhưng theo ông Nhân, thời gian vừa qua, việc triển khai phát triển du lịch nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại bởi nút thắt về pháp lý. Chẳng hạn như vùng có tiềm năng phát triển du lịch lại thường nằm ở vị trí rất đặc biệt như rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc cảnh quan thiên nhiên, thác nước rất đẹp nhưng lại nằm trong rừng sâu. Tuy nhiên trong Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai lại không cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc xây dựng công trình để phục vụ cho những dịch vụ tại địa điểm đó.

    Tuy nhiên đến nay, Đảng và nhà nước, Chính phủ cũng đã quan tâm, có những bước tiến tháo gỡ cho nút thắt này. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/8 cũng đã có những nút gỡ pháp lý cho chương trình, khi có quy định về sử dụng đất đa mục đích.

    Do đó, người dân ở địa phương có thể sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác như dịch vụ, tạo ra vùng sinh thái, du lịch nông thôn để có thể đầu tư xây dựng những công trình phục vụ cho dịch vụ du lịch nhằm phát huy tiềm năng.

    “Đây là điểm mới và có thể mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực du lịch nông nghiệp”, ông Nhân chia sẻ.

     Một điểm nữa, Luật Đất đai năm 2024 cũng sửa Luật Lâm nghiệp cho phép hình thành những dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ở trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tuy nhiên phải theo quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt và đúng trình tự. Đây cũng là điểm sáng và hướng mở cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

(NNVN)