4 hiểu lầm phổ biến về ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

193
Giữa sự đa dạng của các ngành học hiện nay, các bạn trẻ ngày càng có nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai. Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường vì thế mà vô tình bị “lãng quên”. Song, với sự phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa, ngành học này là một lựa chọn không thể bỏ qua với nhiều ưu điểm ít ai biết.

Để bạn tự tin và có động lực hơn để theo đuổi Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, bài viết này sẽ giải đáp 4 hiểu lầm không đáng có, giúp bạn sẵn sàng theo đuổi đam mê yêu thích làm việc trong lĩnh vực môi trường.

1. Quản lý tài nguyên và môi trường thu nhập thấp, khó xin việc

Thông thường, nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến việc học môi trường chỉ có thể làm ở các cơ quan nhà nước hay phải về quên làm việc với mức lương thấp. Thực tế, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường có nhiều cơ hội việc làm, ví dụ như cơ quan quản lý môi trường, các công ty trong và ngoài nước về đô thị, xử lí chất thải, và các tổ chức phi chính phủ,..

Mức lương tùy thuộc vào vị trí và năng lực của mỗi người. Đối với công ty trong nước dao động từ 10 đến 30 triệu/tháng. Đối với những bạn có kỹ năng Tiếng Anh tốt, mức lương phổ biến là gần 40 triệu/tháng. Ngoài ra, theo dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo phân theo 08 nhóm ngành tại TP.HCM giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025, nhóm ngành Xây dựng – Kiến Trúc – Môi trường là một trong những nhóm ngành thu hút nhiều lao động trong đó nhu cầu nhân lực 1 năm khoảng 10.800 chỗ việc làm trống.

2. Học quản lý tài nguyên và môi trường là làm việc với rác

Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường là ngành học cung cấp những kiến thức cơ bản để quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên và môi trường như: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, rừng, khoáng sản, khí hậu và môi trường.

Sinh viên theo học ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường được trang bị kiến thức nền tảng, áp dụng tri thức toán, khoa học tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường; phân tích ảnh hưởng của chính sách, pháp luật trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; đánh giá công tác quản lý tài nguyên, môi trường để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; lập kế hoạch sử dụng nguồn tài nguyên và môi trường đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của Việt Nam và toàn cầu.

Trong chương trình học sinh viên có quan sát và thực hành để hiểu bản chất của chất ô nhiễm. Tuy nhiên, sinh viên sau khi tốt nghiệp rất ít tiếp xúc với nước thải hay chất thải mà công việc chủ yếu là ở văn phòng.

3. Quản lý tài nguyên và môi trường học dễ nhàm chán

Sinh viên học ngành môi trường không hề nhàm chán như bạn tưởng mà luôn được đổi mới tư duy, sáng tạo các giải pháp, thiết kế để bảo vệ môi trường để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bên cạnh kỹ năng mềm (kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…), sinh viên còn được trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường; kỹ năng điều tra, thu thập, xử lý thông tin phục vụ việc giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường; thực hiện thành thạo các nghiệp vụ hành chính, pháp lý liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

4. Quản lý tài nguyên và môi trường ít có cơ hội thăng tiến

Thông tin này hoàn toàn không chính xác, vì bất kể bạn học ngành nào cũng có lộ trình thăng tiến trong nghề nghiệp, không chỉ riêng ngành Môi trường. Sự cố gắng, nỗ lực và không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn trong suốt quá trình làm việc và kế hoạch hành động rõ ràng sẽ giúp bạn sớm đạt được nấc thang thành công trong nghề nghiệp. Lộ trình thăng tiến trong ngành Môi trường ở các công ty nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ rất rõ ràng với các chức danh như junior, mid-senior, senior và giám đốc.

Bạn cũng có thể bắt đầu khởi nghiệp với những dự án môi trường. Một số dự án khởi nghiệp từ môi trường nổi tiếng hiện nay như kinh doanh ống hút làm bằng vật liệu hữu cơ; thu mua ve chai qua ứng dụng trên thiết bị di động có tên “App Ve chai”, thiết kế thiết bị làm khô nông sản bằng năng lượng mặt trời, dự án tủ sách làm bằng vật liệu bả cafe, dự án làm thiết bị sạc điện thoại bằng năng lượng mặt trời…

Hơn thế nữa, ngành Môi trường rất được quan tâm ở các nước trên thế giới, nhiều trường đại học và chính phủ ở các nước phát triển cấp học bổng toàn phần cho sinh viên học tiếp chương trình cao học và nghiên cứu sinh. Do đó, sau khi hoàn tất chương trình đại học, cánh cửa du học của bạn cũng rộng mở hơn. Thế nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm để theo đuổi ngành học này, đừng vì những hiểu lầm, băn khoăn mà bỏ qua cơ hội tốt cho tương lai nhé!