Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất Rau an toàn

10776

Ngày nay để  hạn chế tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các loại rau củ vượt quá ngưỡng cho phép, nhiều trang trại, hộ gia đình đã ứng dụng kỹ thuật trồng rau thủy canh vào sản xuất Rau an toàn. Trồng rau thủy canh là một phương pháp mới, tiết kiệm diện tích, đem lại hiệu quả cao, bên cạnh đó phương pháp này còn giúp rau cách ly với sâu bệnh, nguồn nước ô nhiễm và tránh được các yếu tố do môi trường tác động.

Thủy canh là hình thức canh tác không dùng đất. Cây được trồng trên hoặc trong dung dịch dinh dưỡng, sử dụng dinh dưỡng hòa tan trong nước dưới dạng dung dịch và tùy theo từng kỹ thuật mà toàn bộ hoặc một phần rễ được ngâm trong dung dịch dinh dưỡng.

Tại Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, vừa qua Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng & Chuyển giao công nghệ Nông – Lâm nghiệp đã chính thức triển khai mô hình “Sản xuất rau công nghệ cao” theo hình thức thủy canh. Với tổng diện tích gần 300m2 và số vốn đầu tư gần 500 triệu đồng. Hệ thống thủy canh hồi lưu của Trung tâm gồm 13 giàn, mỗi giàn trồng được 256 cây, các loại rau được Trung tâm đưa vào trồng thử nghiệm lần đầu là các giống Xà lách như: Xà lách xoăn 3 giàn; Xà lách xoăn đỏ 3 già; Xà lách cuộn HP 3 giàn; Xà lách Iceberg 3 giàn; còn lại là Xà lách chịu nhiệt và Xà lách Romanne đỏ.

Ưu điểm của trồng cây bằng phương pháp thủy canh có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, các loại dinh dưỡng cung cấp theo yêu cầu của từng loại cây, có thể loại bỏ các chất gây hại cho cây và không có các chất tồn dư từ vụ trước. Tiết kiệm nước do cây sử dụng trực tiếp nước trong dụng cụ đựng dung dịch nên nước không bị thất thoát do ngấm vào đất hay bốc hơi. Giảm chi phí công lao động so với canh tác truyền thống ở một số khâu làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới nước. Hạn chế được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Trồng được các loại cây trái vụ do điều khiển được yếu tố môi trường. Nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, thu hoạch giảm từ 10-15 ngày so với canh tác truyền thống.

Theo TS. Đỗ Thành Trung – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm thì trồng rau thủy canh cho năng suất cao, hầu như không có sâu bệnh. Sản phẩm khi thu hoạch sạch, không dính đất cát, khi thu hoạch không mất nhiều công xử lý để đóng bao bì và bán ra thị trường.

Ngay sau khi mô hình hoàn thiện và đi vào hoạt động, Trung tâm đã vinh dự được đón đoàn công tác của Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Thị Liên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Bắc Giang thăm và làm việc. Ngoài ra, mô hình của Trung tâm còn được Trường THPT Việt Yên 1 chọn làm địa chỉ thăm quan và học tập cho các em Học sinh trong khuôn khổ nội dung môn học Nghề làm vườn và môn Công nghệ 10.

Đầu tháng 12, các sản phẩm rau thủy canh chính thức được cung cấp ra thị trường và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của sinh viên, cán bộ, giảng viên Nhà trường và bà con nhân dân trong khu vực.

Hiện nay Trung tâm đã bắt đầu triển khai chuyển giao xây dựng các mô hình sản xuất rau thủy canh từ quy mô hộ gia đình đến các dự án, trang trại cho các đơn vị doanh nghiệp trên các địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên …

Một số hình ảnh về Mô hình “Sản xuất rau thủy canh” của Trung tâm:

Lãnh đạo Nhà trường và một số phòng chức năng thăm quan mô hình (1)

Lãnh đạo Nhà trường và một số phòng chức năng thăm quan mô hình (2)

Đoàn công tác của Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Bắc Giang thăm quan mô hình

TS. Đỗ Thành Trung – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm giới thiệu mô hình với học sinh Trường THPT Việt Yên 1

Cán bộ Trung tâm kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của cây rau

Mô hình Thảo hoa viên bên cạnh nhà trồng rau thủy canh

Quý vị có nhu cầu lắp đặt, triển khai hệ thống trồng rau thủy canh xin vui lòng liên hệ: Phòng Nghiên cứu Ứng dụng – Trung Tâm NCUD&CGCN Nông – Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang

Điện thoại: 0240.3840.288

E.mail: RAT@bafu.edu.vn

Website: caygiongnonglam.com

Nguồn: TTNCUD&CGCNN-LN

Biên tập: Trần Trang