Hội thảo khoa học - Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình sản xuất nho Hạ Đen In
Thứ ba, 07/06/2022 13:57

Sáng ngày 02/6, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình sản xuất nho Hạ Đen nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và hộ nông dân. Các đại biểu tham dự đã nghe 3 báo cáo cùng nhiều tham luận và phát biểu sâu sắc nhằm đánh giá kết quả thực hiện dự án, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia về công tác ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất Nho Hạ đen nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Ảnh 1: Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Ngô Chí Vinh -  Phó Giám đốc sở Khoa học công nghệ tỉnh Bắc Giang; đại diện Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, Hà Giang; Trung tâm ứng dụng KHCN các tỉnh: Bắc Giang, Hà Giang, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Sơn La, Thừa Thiên Huế; Trung tâm khuyến nông các tỉnh: Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nội; đại diện một số Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện trong tỉnh Bắc Giang (TP Bắc Giang, Việt Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam); Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Thái Nguyên; các nhà khoa học; các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp; các hộ dân, doanh nghiệp quan tâm.

Đại diện Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang có:  TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; phòng KH&HTQT; đại diện TT NCUD&CGCN NLN; Chủ nhiệm và thành viên Dự án.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Tuấn Điệp - Phó Hiệu trưởng Nhà Trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Sau phát biểu khai mạc của TS. Nguyễn Tuấn Điệp - Phó Hiệu trưởng Nhà Trường, các đại biểu đã nghe 3 báo cáo về tình hình sinh trưởng và Phát triển của 2 vườn nho thuộc dự án, quy trình trồng và chăm sóc nho Hạ đen và quy trình nhân giống nho Hạ đen.

Ảnh 3: ThS. Phùng Duy Hiếu, báo cáo về tình hình sinh trưởng và Phát triển của 2 vườn nho thuộc dự án; KS. Trần Quang Đạo, báo cáo về quy trình trồng và chăm sóc nho Hạ đen; TS. Lê Công Hùng báo cáo về quy trình nhân giống nho Hạ đen

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Chí Vinh -  Phó Giám đốc sở Khoa học công nghệ tỉnh Bắc Giang rất phấn khởi bởi sự có mặt của nhiều cơ quan, đơn vị, bà con trong và ngoài tỉnh dự, tham quan và học tập kinh nghiệm. Điều đó đã chứng tỏ được hiệu quả của dự án, sự tâm huyết của cơ quan chủ trì là Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang và sự lan tỏa của dự án, góp phần khẳng định đó là định hướng nghiên cứu đúng của ngành khoa học. Đồng thời khẳng định, tính từ thời điểm triển khai dự án đến nay đã được tròn 2 năm, nhà trường đã tổ chức thực hiện dự án một cách bài bản, thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung đã được phê duyệt,  đúng tiến độ theo kế hoạch, báo cáo kịp thời kế hoạch thực hiện các nội dung công việc và những khó khăn cần xử lý. Đến nay, mô hình đã cho thu quả, vụ đầu tiên cho năng suất 5-5,5 tấn/ha/vụ, độ brix đạt 17%, đến thời điểm này là vụ thứ 2, năng suất dự kiến đạt 13-14 tấn/ha. Quy trình trồng và chăm sóc cây nho Hạ đen đã được Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ chuyển giao đến các tỉnh bạn như: Phú Thọ, Nghệ An, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Nội, Hưng Yên…

Ảnh 4 : Ông  Ngô Chí Vinh -  Phó Giám đốc sở Khoa học công nghệ tỉnh Bắc Giang

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang và Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Quảng Tây, Viện đã chyển giao công nghệ cho Trường và xây dựng khu trình diễn kỹ thuật giống nho Hạ đen tại trường. Bước đầu thử nghiệm cho thấy đây là giống cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm đánh giá tính thích ứng của giống nho Hạ đen trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đưa giống mới có hiệu quả kinh tế cao về cho nhân dân trong tỉnh, đi đến mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, năm 2020 Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình sản xuất nho Hạ Đen nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” (Quyết định số 1215/QĐ-UBND ngày 18/6/2020).

Dự án được phê duyệt thực hiện với 6 nội dung chính:

(1) Điều tra, đánh giá khả năng phát triển của giống nho Hạ Đen trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

(2) Xây dựng mô hình sản xuất cây giống nho Hạ Đen Quy mô  200 m2, tại Vườn ươm Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Nông, Lâm nghiệp - Trường Đại Học Nông lâm Bắc Giang sản xuất được 20.000 cây giống, khỏe, sạch bệnh.

(3) Xây dựng mô hình trồng nho Hạ Đen có mái che, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt quy mô sản xuất (tại huyện Lạng Giang 01 ha, huyện Việt Yên 0,5ha), tỷ lệ sống sau trồng đạt trên 90%, năng suất năm thứ 2 sau trồng đạt tối thiểu 16 tấn/ha; độ Brix đạt tối thiểu 16%.

(4) Hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nho Hạ Đen hoàn thiện phù hợp với điều kiện địa phương.

(5) Tổ chức đào tạo 10 kỹ thuật cơ sở ,  04 lớp tập huấn cho 200 lượt người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc nho Hạ Đen.

(6)Tổ chức 02 hội nghị đầu bờ; 01 hội thảo khoa học.

Hội thảo lần này là 1 trong những nội dung thực hiện thuộc dự án.

Trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị triển khai còn gặp một số khó khăn: do thời gian thực hiện trồng nho vào cuối tháng 10 dương lịch, khi cây nhú mầm bật lộc, gặp thời tiết rét, cây bị chết nhiều, ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ sống của cây cũng như khả năng sinh trưởng của cây trồng; một số khoảnh nhỏ của mô hình bị bệnh bọ trĩ gây hại ở mức độ tương đối nặng. Đây là điểm lưu ý, đơn vị triển khai cần cân nhắc và có biện pháp cụ thể để chuyển giao đến các địa bàn khác, tránh được tổn thất về kinh tế.

Sau giờ giải lao, Hội thảo đã nghe các tham luận về Thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất nho Hạ đen ở các tỉnh khu vực phía bắc Việt Nam; Hiệu quả kinh tế khi trồng nho Hạ đen tại Bắc Giang; Giải pháp liên kết tiêu thụ nho Hạ đen trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và nhiều phát biểu thảo luận của đại biểu tham dự.

Các phát biểu đã tập trung đưa ra các giải pháp xử lý đối với vấn đề thời tiết bất lợi; đánh giá năng suất, chất lượng mô hình dự án để có những điều chỉnh phù hợp cho vụ tiếp theo; so sánh, đối chiếu hiệu quả kinh tế đối với các giống nho khác triển khai ở các tỉnh. Nghiên cứu thị trường để xem xét khả năng nhân rộng của dự án, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, ảnh hưởng đến kinh tế của bà con. Tránh trồng ồ ạt mà đầu ra thì hạn chế; tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, chọn tạo các giống nho mới nói riêng, các giống cây trồng, vật nuôi khác có năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao để tiếp tục bổ sung vào cơ cấu giống cây ăn quả của tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; quy hoạch vùng sản xuất nho chất lượng cao, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng nho hạ đen để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành nho hạ đen, nâng cao sức cạnh tranh với nho Trung quốc và các nước khác; tổ chức liên kết 5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, nhà tiêu thụ và nhà nông; tăng cường quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, cấp phát tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nho hạ đen; Kết hợp vừa tổ chức sản xuất Nho Hạ đen vừa làm du lịch sinh thái, học tập trải nghiệm…

Trước đó, chiều ngày 01/6 các đại biểu đã  thăm quan 02 điểm trồng dự án là vườn nho tại Công ty CP Nông nghiệp sạch Bắc Giang (Huyện Lạng Giang – Tỉnh Bắc Giang) và vườn nho tại Hộ Gia đình Bà Thân Thị Tuyết (Huyện Việt Yên – Tỉnh Bắc  Giang).

Văn Hảo

 

Thiết kế website Bắc Giang

 
truyen 18+, truyen cuoi, truyen kiem hiep, tieu thuyet tinh yeu, doc truyen teen