Hội thảo đánh giá mô hình trồng cây Cà gai leo và Hoài sơn In
Thứ ba, 17/08/2021 16:43

Ngày 15/8/2021, Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện mô hình trồng cây Cà Gai Leo và Hoài Sơn theo một số tiêu chuẩn GACP-WHO” thuộc dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP – WHO cho đồng bào dân tộc miền núi tại tỉnh Bắc Giang”. Đơn vị chủ trì là Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, các đơn vị tham gia và phối hợp gồm: Sở NN&PTNT Bắc Giang, UBNN huyện Yên Thế và Sơn Động; Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội chịu trách nhiệm về công nghệ; Công ty TNHH MTV phát triển thảo dược Hoa hoa phối hợp thực hiện chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Phòng NN&PTNT huyện Yên Thế và Sơn Động; Các HTX, hộ gia đình, cá nhân tại huyện Yên Thế, Sơn Động tham gia xây dựng mô hình.

 

Toàn cảnh Hội thảo


Tham dự Hội thảo có Ông Triệu Ngọc Trung - Phó Giám đốc sở KH&CN; Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang; Ông Lê Đức Thắng - Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Sơn Động cùng các đại biểu đến từ Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang; Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Giang; UBND huyện Yên Thế; UBND huyện Sơn Động; Phòng NN & PTNT các huyện Yên Thế và Sơn Động; UBND các xã thực hiện dự án Hương Vỹ, Tân Hiệp, Hồng Kỳ và Thị trấn Tây Yên Tử; Công ty Dược thảo Hoa Hoa; Trung tâm nghiên cứu đất và phân bón vùng trung du; Công ty TNHH MTV Kim Hoàng; Công ty cổ phần lâm y dược Bắc Sơn. Về phía trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang có TS. Nguyễn Tuấn Điệp - Phó Hiệu trưởng cùng các thành viên trong Ban quản lý và thực hiện dự án, cán bộ chuyên viên phòng KH&HTQT, Trung tâm NCUD&CGCN Nông Lâm nghiệp, Khoa CNTP, Khoa Lâm nghiệp.

 

TS. Nguyễn Tuấn Điệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang phát biểu khai mạc Hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Điệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan quản lý địa phương, các cơ sở đã đồng hành cùng Nhà trường và Ban quản lý dự án trong thời gian qua. Phát triển dược liệu sẽ là thế mạnh của tỉnh Bắc Giang trong phát triển kinh tế cho đồng bào vùng núi, vùng sâu, vùng xa không chỉ ở thời điểm hiện tại mà sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. TS Nguyễn Tuấn Điệp mong các đại biểu, các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, cho ý kiến về cách thức điều hành, cách thức quản lý, phối hợp thực hiện dự án, kể cả những bài học kinh nghiệm về mặt chuyên môn.

 

TS. Nguyễn Tuấn Dương – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, Thư ký dự án trình bày Báo cáo kết quả thực hiện dự án

 

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Dương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, Thư ký dự án trình bày Báo cáo kết quả thực hiện dự án. Theo đó, mục tiêu của dự án là tạo mô hình thực tiễn có tính nhân rộng và mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu Cà gai leo (Solanum hainanense Hance), Hoài sơn (Dioscorea persimilis Prain et Burk) đạt một số tiêu chuẩn GACP-WHO, góp phần phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Bắc Giang


Dự án đã tiến hành xây dựng được 2 mô hình trồng cây dược liệu  Mô hình trồng cây Cà gai leo theo một số tiêu chuẩn GACP với tổng diện tích 5 ha do 3 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện tham gia thực hiện dự án tại xã Tân Hiệp, xã Hồng Kỳ, xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Thời gian thực hiện từ 9/2020 đến 05/2021, năng suất: 4,5 tấn nguyên liệu khô/ha/năm. Dự án đã tiến hành lấy mẫu phân tích dược tính, kết quả: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam-V: Solasodin: 0,542% trong đó tiêu chuẩn quy định là 0,1%. Dự án cũng đã tiến hành sản xuất thử nghiệm 5.000 hộp trà túi lọc đạt tiêu chuẩn. Mô hình trồng cây Hoài Sơn theo một số tiêu chuẩn GACP với tổng diện tích 5 ha do người dân tự nguyện tham gia thực hiện dự án tại Thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, thời gian thực hiện 01/2021- đến nay, năng suất dự kiến: 20-25 tấn nguyên liệu tươi/ha.

Dự án đã đào tạo bồi dưỡng 06 cán bộ kỹ thuật về nhân giống, trồng cây, chăm sóc, thu hái, bảo quản và sản xuất một số sản phẩm dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; Tập huấn về kỹ thuật trồng cho 200 lượt người dân về trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu tại khu vực triển khai thực hiện dự án.

 

Báo cáo cũng đánh giá về hiệu quả kinh tế của dự án. Đối với cây Cà gai leo trồng theo phương pháp truyền thống hiện nay năng suất <4 tấn nguyên liệu khô/ha/năm; giá bán 1kg dao động khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg. Trồng theo công nghệ của dự án thì năng suất đạt 4,2-5,1 tấn nguyên liệu khô/ha/năm, giá từ 25.000 - 30.000 đồng. Ước tính hiệu quả sẽ nâng cao sản lượng tối thiểu 20%, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt (hàm lượng dược tính), giá bán sản phẩm nâng cao, từ đó giúp nâng cao thu nhập cho người trồng và thu hoạch cây cà gai leo tối thiểu trên 20% so với công nghệ đang áp dụng trong sản xuất hiện nay. Đối với cây Hoài sơn: Hiện nay người dân chủ yếu sử dụng những kinh nghiệm truyền thống để nhân giống cây Hoài sơn, nguồn giống thu hái chủ yếu từ tự nhiên, trồng với quy trình truyền thống sản lượng đạt khoảng 10 - 15 tấn củ tươi/ha. Trồng theo công nghệ mới năng suất 20 - 25 tấn tấn củ tươi/ha. Ước tính hiệu quả sẽ nâng cao sản lượng tối thiểu 20%, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt (hàm lượng dược tính), giá bán sản phẩm nâng cao, từ đó giúp nâng cao thu nhập cho người trồng. Báo cáo đã đề cập đến  khả năng mở rộng thị trường ở trong nước và xuất khẩu; tác động của kết quả dự án đến kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

 

Đại biểu dự Hội thảo trình bày tham luận


Tiếp theo chương trình Hội thảo là các tham luận gồm: Tham luận của ThS. Nguyễn Thị Thanh Nguyên – Giảng viên Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang về Xây dựng mô hình trồng cây Dược liệu theo một số tiêu chuẩn của GACP – WHO; tham luận của ThS. Dương Quốc Hùng - Giảng viên Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang về Quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản Cây dược liệu; tham luận của ThS. Khổng Thị Thanh - Giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang về Quy trình sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu;

Đại diện cho các doanh nghiệp dự Hội thảo, Ông Ngô Văn Văn - Giám đốc công ty TNHH Dược thảo Hoa Hoa cũng đã phát biểu tham luận về mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu. Hiện tại, công ty đã phối hợp với dự án sản xuất ra được 03 loại sản phẩm Cà Gai leo gồm: Sản phẩm Kaganic hỗ trợ thải độc gan; Trà túi lọc Cà gai leo; Cà gai leo dạng sấy khô.

 

Các sản phẩm do công ty TNHH Dược thảo Hoa Hoa chế biến từ nguồn nguyên liệu được cung cấp bởi dự án.


Trong quá trình phối hợp thực hiện dự án, công ty Hoa Hoa cũng đã gặp không ít khó khăn, tuy nhiên công ty và các thành viên dự án đã khắc phục được để chủ động sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định đầu vào cho công ty thực hiện các khâu trong chế biến, sản xuất. Về cây Hoài Sơn, công ty cũng định hướng sản xuất một số sản phẩm, trong đó tập trung sản xuất bột dược liệu để cung cấp các sản phẩm tinh bột dược liệu cho các viện y học cổ truyền, cho các nhu cầu tiêu dùng trong nước.

 

Ông Phạm Văn Thiện - đại diện hộ nông dân tham gia mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Yên Thế phát biểu


Ông Phạm Văn Thiện - đại diện hộ nông dân tham gia mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Yên Thế đã đánh giá cao các hoạt động triển khai dự án của nhà trường. Theo ông Thiện, dự án đã được triển khai một cách đồng bộ, tạo được lòng tin cho người nông dân, những người trực tiếp thực hiện và thụ hưởng dự án. Dự án đã giúp cho bà con nông dân nâng cao những kiến thức, kỹ năng trong việc trồng cây và chăm sóc cây dược liệu; nâng cao được hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập cao hơn theo hướng ổn định hơn. Sự liên kết của 4 nhà: Nhà Nông, Nhà Khoa Học, Nhà Doanh Nghiệp dưới sự hỗ trợ của Nhà nước đã đem lại những hiệu quả rất tốt đảm bảo về nguồn giống, đảm bảo về quy trình chăm sóc và đảm bảo được đầu ra của sản phẩm.

 

Ông Triệu Ngọc Trung - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang phát biểu


Phát biểu tại Hội thảo Ông Triệu Ngọc Trung - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang, mong muốn nhà trường có những định hướng, nhân rộng kết quả của dự án. Cùng với doanh nghiệp và người dân khai thác nguồn cây dược liệu một cách hợp lý, đảm bảo sự phát triển cân bằng của hệ sinh thái.

 

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó chánh văn phòng điều phối Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bắc Giang


Ông Nguyễn Văn Minh - Phó chánh văn phòng điều phối Xây dựng Nông thôn mới, mong muốn các thành viên dự án đánh rõ hơn về tính phù hợp đối với bà con đồng bào miền núi tỉnh Bắc Giang qua đó xác định khả năng nhân rộng của mô hình. Đánh giá sâu hơn về hiệu quả kinh tế đối với một mô hình trong chương trình Xây dựng Nông thôn mới so với các cây trồng khác trên cùng một diện tích đất trồng của người nông dân.

 

Ông Lê Đức Thắng - Phó chủ tịch thường trực UBND Huyện Sơn Động


Ông Lê Đức Thắng - Phó chủ tịch thường trực UBND Huyện Sơn Động rất kỳ vọng vào mô hình chuỗi liên kết, khai thác có hiệu quả việc phối hợp giữa 4 nhà, trong đó nhà doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đầu ra bằng các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Kỳ vọng làm thế nào để góp phần giảm nghèo cho từ 50% hộ nghèo tại địa phương. Về phía cơ quan quản lý địa phương Ông Lê Đức Thắng cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện sẽ tạo mọi điều kiện để dự án thực hiện có hiệu quả.

 

Ông Lương Văn Hiến - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thế


Ông Lương Văn Hiến - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thế cho biết, việc thực hiện dự án ở vùng miền núi gặp nhiều khó khăn do phong tục, tập quán, canh tác truyền thồng theo kinh nghiệm, địa bàn trải rộng. Vì vậy việc tập huấn, chuyển giao TBKT trong phạm vi thôn bản là hình thức phù hợp nhất. Các hộ tham gia mô hình cam kết thực hiện theo yêu cầu của dự án và đề nghị Nhà trường tiếp tục phối hợp với địa phương nhân rộng mô hình sau khi dự án kết thúc.

 

TS. Nguyễn Tuấn Điệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang phát biểu bế mạc Hội thảo


Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Điệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang khẳng định Hội thảo đã thành công tốt đẹp, đồng thời cảm ơn các đại biểu đã quan tâm, dành thời gian tham dự. TS. Nguyễn Tuấn Điệp cảm ơn các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các hộ nông dân đã tạo điều kiện, đồng hành và thực hiện dự án.

Trước đó, ngày 14/8/2021, đại diện các đơn vị tham gia thực hiện dự án và các đại biểu tham dự Hội thảo đã tới thăm các mô hình trồng cây dược liệu thuộc dự án tại huyện Sơn Động.

Dưới đây là một số hình ảnh của Đoàn tại huyện Sơn Động:

 

TS Nguyễn Tuấn Điệp - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Ông Lê Bá Thành - PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh BG; Ông Lê Đức Thắng  - PCT thường trực UBND huyện Sơn Động cùng các Đại biểu tham quan mô hình trồng cây Hoài Sơn tại Sơn Động - Bắc Giang

 

TS Nguyễn Tuấn Điệp - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Ông Lê Bá Thành  - PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh BG và Ông Nguyễn Văn Toản đại diện hộ nông dân trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Bắc Giang

 

Các đại biểu lội suối để đến được khu vực trồng cây Hoài Sơn

 

Một góc của mô hình trồng cây Hoài Sơn

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại mô hình

Quang Hảo

 
truyen 18+, truyen cuoi, truyen kiem hiep, tieu thuyet tinh yeu, doc truyen teen