NGHIÊN CỨU KHOA HỌC & HTQT
Hội nghị Khoa học & Công nghệ năm 2017 In
Thứ hai, 20/03/2017 11:53

Nhằm phân tích, đánh giá những điểm hạn chế để từ đó xác định nguyên nhân, tìm ra giải pháp thúc đẩy hoạt động Khoa học & Công nghệ (KH&CN) trong thời gian tới, ngày 18/3/2017, tại Hội trường B5, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị Khoa học & Công nghệ năm 2017.

 

TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị


Dự Hội nghị có TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Đoàn Văn Soạn – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Bình Nhự - Chủ tịch Hội đồng Trường cùng Trưởng, Phó các đơn vị, giảng viên và cán bộ giảng dạy trong toàn trường. TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và TS. Cấn Văn Toàn – Phó trưởng phòng KH&HTQT chủ trì Hội nghị.

 

 

TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường trình bày báo cáo đánh giá các hoạt động KH&CN  giai đoạn 2011 - 2016

 

Trong chiến lược phát triển Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030, lãnh đạo Nhà trường đã định hướng xây dựng trường trở thành trường đại học nghiên cứu ứng dụng, “học đi đôi với hành, đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”. Xác định được điều đó, trong thời gian vừa qua lãnh đạo Nhà trường cùng với tập thể cán bộ, giảng viên đã có nhiều nỗ lực trong  hoạt động KH&CN và đạt được những kết quả bước đầu. Theo báo cáo đánh giá hoạt động KH&CN giai đoạn 2011 – 2016, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã thực hiện 19 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ; 07 nhiệm vụ cấp tỉnh; 04 nhiệm vụ cấp huyện  và 118 nhiệm vụ cấp trường, trong đó có 23 đề tài của sinh viên. Năm 2016, Nhà trường đã xuất bản được 02 số ấn phẩm KH&CN với 20 bài viết là kết quả nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trong trường.

Ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học, Nhà trường còn tập trung thực hiện chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, trong 5 năm đã có gần 100 lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới và 22 nhiệm vụ KH&CN được thực hiện tại các địa phương Tuấn Đạo (Sơn Động - Bắc Giang), Bát Xát (Lào Cai), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Vĩnh Linh (Quảng Trị). Những đề tài trên có sức ảnh hưởng và hiệu quả đối với địa phương, được lãnh đạo và người dân đánh giá cao, có nhiều đề tài được nhân rộng và mở rộng diện tích, quy mô nhất là các đề tài tại Tuấn Đạo (Sơn Động – Bắc Giang), Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Đặc biệt trong giai đoạn này, Nhà trường đã góp phần cùng với các đơn vị tư vấn điều tra Trung ương triển khai và thực hiện thành công Dự án điều tra kiểm kê rừng tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Thuận. Sự thành công của Dự án đã góp phần khẳng định trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ Nhà trường đối với các dự án quy mô, tầm cỡ.

Trong vòng 5 năm 2011 – 2016, Nhà trường đã mở rộng các hoạt động liên kết về hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với trên 20 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điển hình như UBND tỉnh Bắc Giang, Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc), Viện Chăn nuôi, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam,  Công ty TNHH New Hope, Công ty Cổ phần Bagico,....

 

TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và TS. Cấn Văn Toàn – Phó trưởng phòng KH&HTQT chủ trì Hội nghị.

 

ThS. Diêm Tuyết Mai – Chuyên viên phòng Khoa học & HTQT trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến của các đơn vị về khó khăn, giải pháp phát triển KH&CN

 

Bên cạnh các kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong hoạt động KH&CN. Hội nghị đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận về những tồn tại, hạn chế nói trên, đồng thời tìm giải pháp cho thời gian tới. Trên tinh thần cầu thị, dân chủ, thẳng thắn, Hội nghị đã nhận được 8 ý kiến bằng văn bản của các đơn vị gửi về và 07 ý kiến phát biểu trực tiếp của giảng viên trong toàn trường đóng góp ý kiến về những khó khăn và giải pháp phát triển KH&CN. Hầu hết các ý kiến đã được Ban Tổ chức trao đổi, giải đáp ngay tại Hội nghị. Một số giải pháp dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 như: Nghiên cứu, phát triển theo hướng chuyên sâu, không đầu tư dàn trải; Khuyến khích các cá nhân đơn vị tìm nguồn kinh phí từ bên ngoài; Đầu tư cho các đề tài có sản phẩm cụ thể, mang thương hiệu BAFU; Thực hiện xây dựng kế hoạch hoạt động KH&CN ở cấp khoa, cấp trường; Tổ chức khen thưởng cho cán bộ, giảng viên, sinh viên có thành tích trong hoạt động KH&CN; Mở rộng các mối quan hệ, tìm các nguồn kinh phí KH&CN từ các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn...; Ưu tiên các đề tài nghiên cứu khoa học có sản phẩm là các bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước; Tiến hành công khai các kết quả nghiên cứu khoa học trên website Nhà trường.

 

Cán bộ, giảng viên Nhà trường tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị


Cũng tại Hội nghị, các đề xuất về điều chỉnh định mức NCKH đã được đưa ra trao đổi, thảo luận. Ban Tổ chức đã nhận được 21 ý kiến đề xuất điều chỉnh định mức nghiên cứu khoa học. Đa số các ý kiến nhất trí với dự thảo điều chỉnh định mức của phòng Khoa học & HTQT.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng, đội ngũ Nhà khoa học cần có các nghiên cứu tạo nên uy tín, thương hiệu của Trường. Nhà trường sẵn sàng đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, ưu tiên kinh phí cho nghiên cứu. Tuy nhiên các đề tài nghiên cứu phải tạo ra được kết quả có ý nghĩa thực tiễn và tính ứng dụng cao./.

 

TTTT-TV

 
<< Trang đầu < Trang trước 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 Trang sau > Trang cuối >>

Trang 77 / 117