Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang: Đào tạo đa ngành theo định hướng ứng dụng |
Thứ năm, 21/11/2024 14:42 |
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tập trung tổ chức đào tạo đa ngành, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng ứng dụng. Chú trọng thực hành Những năm gần đây, bên cạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả các ngành đào tạo truyền thống, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang mở thêm các ngành học mới; thường xuyên rà soát, sửa đổi, cập nhật chương trình hiện hành, đổi mới phương pháp đào tạo, tăng cường hợp tác, liên kết đáp ứng mục tiêu: “Đưa thực tiễn vào học đường và đưa ra trường những sản phẩm đáp ứng tốt các yêu cầu của thực tiễn”. Trường còn đầu tư xây dựng khu thí nghiệm hiện đại đạt chuẩn chất lượng cho các khoa: Chăn nuôi và Thú y, Tài nguyên và Môi trường, Cơ điện và Công nghệ thực phẩm. Xây dựng phòng thí nghiệm “Liên hợp bảo quản và chế biến nông sản Việt - Trung”. Hệ thống trại chăn nuôi và vườn ươm được đầu tư ngay trong khuôn viên, giúp sinh viên có điều kiện nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Giờ thực hành của sinh viên Khoa Chăn nuôi và Thú y. Đối với các chuyên ngành mới mở, trường đều tuyển bổ sung nhân lực, đào tạo bồi dưỡng cho giảng viên có chuyên môn gần với ngành mới; tổ chức liên kết với các trường có cùng chuyên ngành đào tạo. Nhà trường còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức “học kỳ doanh nghiệp”. Mỗi sinh viên có ít nhất 1 năm làm việc tại doanh nghiệp (được hưởng lương) trước khi ra trường. Đối với sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Quốc, các em có một học kỳ 4 tháng tại Trường Đại học Sư phạm khoa học kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc). Với cách làm đó, đến nay, 19 ngành đào tạo hệ đại học của nhà trường đã thu hút hàng nghìn sinh viên các tỉnh, TP trong cả nước theo học. Năm học này, Khoa Cơ điện và Công nghệ thực phẩm đào tạo 3 ngành, trong đó có hai ngành mới là: Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ điện tử. Tại Trung tâm Ngoại ngữ, tin học, ngoài ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đã có từ trước còn mở thêm ngành Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin. Cô Đỗ Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, tin học chia sẻ: “Chúng tôi có đội ngũ giảng viên từng công tác, học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Nhờ vậy, ngay năm đầu mở ngành mới, số hồ sơ đăng ký đều vượt chỉ tiêu”. Em Nguyễn Quang Huy (SN 2005), lớp D - CNKO 13A, quê ở thị xã Việt Yên cho biết: “Tìm hiểu nhu cầu thị trường, sau khi tốt nghiệp THPT, em chọn học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô để khi ra trường dễ tìm việc làm”. Theo Giáo sư, tiến sĩ Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng nhà trường, Trường có thế mạnh là đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với hơn 30 thầy giáo, cô giáo từng được đào tạo ở Trung Quốc; nhiều thầy, cô có trình độ tiến sĩ. Trường đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, liên kết hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực với nhiều doanh nghiệp, tổ chức. Tín hiệu tích cực cho thấy công tác đào tạo của nhà trường đi đúng hướng. Sinh viên khi vào Trường được trang bị kiến thức, kỹ năng toàn diện, khả năng thuyết trình và thực tế. Quá trình học tập, nhiều em đoạt giải cao trong các cuộc thi lớn. Năm 2024, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang có 2 sinh viên tham gia cuộc thi Hát tiếng Trung toàn quốc (đoạt 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích). Nhiều sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng. Tích cực nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ Cùng với làm tốt công tác đào tạo, những năm qua, cán bộ, giảng viên nhà trường còn chú trọng nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Từ năm 2011 (khi Trường Cao đẳng Nông - Lâm Bắc Giang được nâng cấp thành trường đại học), Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng, chuyển giao hơn 300 nhiệm vụ khoa học và công nghệ; có hơn 700 công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế. Tiêu biểu là mô hình nho Hạ đen đã được chuyển giao ở 30 tỉnh, TP trong cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhiều sản phẩm hình thành từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nổi bật là: Rượu nho, siro nho, trà túi lọc cà gai leo, đông trùng hạ thảo... Điều đó khẳng định thương hiệu, uy tín của đơn vị trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
Ông Phùng Duy Hiếu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ nông, lâm nghiệp (Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang) chăm sóc nho. Với mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng, xã hội, những năm gần đây, nhà trường tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu lai tạo, chọn tạo, khảo nghiệm giống mới; xây dựng, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng, chống bệnh trên gia súc, gia cầm; nghiên cứu các phương pháp bảo quản, chế biến trong sản xuất nông- lâm nghiệp, dược liệu; đề xuất các giải pháp, chính sách trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội; điều tra, đánh giá và bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu. Một trong những dự án hiệu quả của Trường là mô hình trồng sa nhân tím tại một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao. Đây là loài thuốc quý dùng trong đông y trị các chứng phong tê thấp, sốt rét, đường ruột, đau răng; có giá trị kinh tế cao, giúp nâng cao đời sống cho người dân. Trồng sa nhân tím còn khắc phục tình trạng rửa trôi gây xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật phong phú, góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Trước tầm quan trọng của cây thuốc quý, tiến sĩ Nguyễn Văn Hoàn, Khoa Nông học (chủ nhiệm mô hình) đã triển khai dự án trồng sa nhân tím tại 3 tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang (thực hiện từ năm 2021- 2023). Kết quả, dự án đã xây dựng được 9 mô hình trên diện tích 94 ha; tổ chức 17 lớp tập huấn cho 480 hộ dân; hình thành một số mô hình liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Một số dự án khác như: Phát triển mô hình chăn nuôi gà lông màu theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc do tiến sĩ Ngô Thành Vinh, Khoa Chăn nuôi - Thú y làm chủ nhiệm; Nghiên cứu vai trò và chính sách, giải pháp thúc đẩy hộ gia đình trong tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam” do tiến sĩ Mai Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm... cũng mang lại hiệu quả tích cực, được nghiệm thu, đánh giá cao. Khoa học chỉ có sức sống khi gắn liền với thực tiễn, nhận thức rõ điều đó, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đang nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học vào đời sống. Qua đây cung ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển ngành nông - lâm nghiệp nói riêng và các lĩnh vực KT - XH nói chung. Hải Vân Nguồn: baobacgiang.vn |