Sáng ngày 25/11/2021, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức Hội thảo Quốc tế “Hợp tác Việt - Trung về ứng dụng công nghệ cao trong Nông nghiệp” bằng hình thức trực tuyến với 5 điểm cầu.
Tham dự Hội thảo, về phía Trung Quốc có đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây; Học viện dạy nghề Tài nguyên môi trường và sinh vật Hồ Nam; Viện Khoa học Nông nghiệp Thượng Hải. Về phía đại biểu trong nước có các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT; Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bắc Giang; Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Giang; Trường Đại học Nông Lâm Huế; Học Viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại học Lâm nghiệp; các Doanh nghiệp, Hợp tác xã. Về phía Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang có PGS.TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Đặng Xuân Anh – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Mai Thị Huyền – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng; Trưởng các đơn vị, Phòng, Khoa, Trung tâm thuộc Trường.
Toàn cảnh buổi hội thảo tại điểm cầu Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang
Hội thảo Quốc tế “Hợp tác Việt - Trung về ứng dụng công nghệ cao trong Nông nghiệp” nhằm đánh giá kết quả, tiềm năng, cơ hội giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa một số Trường đại học, Học viện, Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT với một số đối tác Trung Quốc về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Tại buổi Hội thảo, các Học viện, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu của Việt Nam và Trung Quốc đã trình bày báo cáo khoa học về lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT, các nhà khoa học và các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đưa ra nhiều ý kiến phát biểu về lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao, đề cập đến những khó khăn, thách thức trong kỳ đại dịch và đề xuất những giải pháp từ hai phía để vượt qua khó khăn, thách thức. Trong đó, có bài tham luận của Thạc sĩ Phùng Duy Hiếu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nông lâm nghiệp, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang về Kết quả hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang với Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây – Trung Quốc; Tham luận của GS. Lu Rong Hua - Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây về Những lợi thế của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ; Tham luận của Học viện dạy nghề Tài nguyên môi trường và Sinh vật Hồ Nam về Nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh trung tính carbon toàn cầu; Tham luận của TS. Liu Pei Pei, Viện Khoa học Nông nghiệp Thượng Hải về Tiến bộ nghiên cứu về nuôi cấy cây mầm mới và kiểm soát xanh với cây ngô; Tham luận của Công ty Cổ phần giống cây trồng Bắc Giang về Kết quả hợp tác hành lang khoa học và công nghệ nông nghiệp vùng biên giới Việt – Trung,…
TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, chủ trì buổi hội thảo
TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, cho biết “Một số giống nho, dưa lưới và ngô mới được thử nghiệm và đánh giá có kết quả tốt, đặc biệt giống nho Hạ đen đã được nhân rộng khoảng 33 ha ở 20 tỉnh thành miền Bắc. Nho Hạ đen được người sản xuất đánh giá cao bởi năng suất cao, khoảng 10 tấn/ha/vụ, cho 2 vụ/năm. Chất lượng giống nho Hạ đen khá tốt, ăn giòn, ngọt, độ brix cao, từ 18 – 19%. Năm 2020 giống nho Hạ đen được Bộ Nông nghiệp và PTNN cấp bằng Bảo hộ giống cây trồng và cho phép lưu hành giống”.
Đại biểu tham quan các sản phẩm KHCN của nhà trường
Từ năm 2016 đến nay, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã ký kết các hợp tác thuộc lĩnh vực Nông Lâm nghiệp với 05 đơn vị của Trung Quốc, tiêu biểu là Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây, Học viện dạy nghề Tài nguyên môi trường và sinh vật Hồ Nam,… các viện nghiên cứu, giáo dục nghề nghiệp đã chuyển giao những công nghệ mới và cử các chuyên gia giỏi hỗ trợ Nhà trường.
Lãnh đạo Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu khách mời
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển giữa Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang với các đối tác Trung Quốc. Đây là tiền đề thuận lợi, tạo cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trao đổi, học hỏi, tìm hiểu những lợi thế của việc phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin - Thư viện |