Tọa đàm tham vấn giải pháp, chính sách hỗ trợ DN bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật In
Thứ tư, 30/10/2024 16:21

Ngày 29/10/2024, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang phối hợp với Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức “Tọa đàm tham vấn giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật”.

Chương trình toạ đàm với mục đích tham gia góp ý đổi mới chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng thiệt hại thiên tai, dịch bệnh.  Thúc đẩy hợp tác công-tư trong xây dựng, triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn.

 

Quang cảnh toạ đàm


Chủ trì Toạ đàm có GS. TS Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang; TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ông Phan Vinh Quang - Giám đốc Hợp phần Hệ sinh thái Kinh doanh, Dự án IPSC.

Tham dự Toạ đàm còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, diễn giả, các tổ chức tư vấn, viện nghiên cứu chính sách, hiệp hội doanh nhân các tỉnh và các cơ quan ban ngành tỉnh Bắc Giang.

 

GS. TS Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang phát biểu


Phát biểu khai mạc Toạ đàm, GS. TS Phạm Bảo Dương vui mừng chào đón các đại biểu đã về tham dự chương trình tại Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang và cho biết cơn bão YAGI vừa qua Trường cũng chịu thiệt hại và ảnh hưởng. Giáo sư hy vọng trong buổi toạ đàm này các đại biểu sẽ cùng thảo luận đưa ra những giải pháp, kiến nghị hữu ích, khả thi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh.

 

TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phát biểu


Tại buổi Toạ đàm TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nặng nề. Hiện nay, muốn phát triển nông nghiệp bền vững cần chủ động tìm giải pháp chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chủ động ứng phó với thiên tai. Với tinh thần thẳng thắn đưa ra thực trạng và đề xuất kịp thời với các cơ quan, ban ngành có liên quan các giải pháp để phòng chống lụt bão, thiên tai.

Thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật ở nước ta rất nghiêm trọng. Phải nhắc đến những thiệt hại, mất mát do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra đã có 334 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương và gây sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ chưa đầy đủ trên 81.000 tỉ đồng (tương đương gần 3,3 tỉ USD)…. khiến nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng do ảnh hưởng của bão lũ, nguồn nguyên liệu cũng bị nước lũ cuốn trôi, khó khăn chồng chất khó khăn. Hoạt động sản xuất nông nghiệp đối diện với hàng loạt khó khăn khi nhiều hộ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp rơi vào cảnh tan hoang sau thiên tai. Từ đó rất cần các cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai.

 

Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed,  Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam trình bày tham luận


Toạ đàm đã nghe các tham luận đến từ các đại biểu tham gia: TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trình bày “Quá trình tham gia xây dựng, góp ý cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật: Kết quả và bài học kinh nghiệm”. Ông đã đề xuất các giải pháp dành cho doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất cần được hỗ trợ theo chính sách để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo đó các doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp cần có chiến lược mở rộng thị trường, khách hàng ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh thực vật; Tham luận “Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khôi phục sản xuất nông nghiệpvùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật” (do anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed,  Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam trình bày).  Tham luận đã nêu ra đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp luôn gặp khó khăn bởi tác động của thiên tai và dịch bệnh thực vật: Thiệt hại về thiên tai (1); Thiệt hại về dịch bệnh thực vật (2). Từ đó cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, tiền thuê đất. Xây dựng các gói hỗ trợ tài chính đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra rất cần đẩy mạnh chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp cần được hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ để tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai và dịch bệnh. Khuyến khích tái cơ cấu sản xuất và chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ đào tạo nhân lực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất và sử dụng công nghệ…

Các đại biểu tham dự toạ đàm đánh giá cao các giải pháp và tính thực tiễn của các bài tham luận. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với các ý kiến đến từ PGS.TS. Luật sư Trần Văn Dũng – Chủ tịch hãng luật vũ Mackenzie Việt Nam; Ông Ngô Sỹ Đạt – Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp; Ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Bắc Giang…

Thảo luận xoay quanh các vấn đề: Làm thế nào để các hộ nông dân, doanh nghiệp được hỗ trợ chính sách của Chính phủ kịp thời và hiệu quả? Các vấn đề quyền lợi của hộ nông dân và doanh nghiệp liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp? Vấn đề dự báo thời tiết chính xác để người dân và hộ kinh doanh có phương án phòng tránh kịp thời, vv…

Hội thảo cũng đã nghe chia sẻ của ông Đỗ Huy Thiệp, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp về “Chính sách bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm chống thiên tai ở Việt Nam và đánh giá tác động chính sách”; GS.TS. Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang về “Kinh nghiệm quốc tế: Chính sách bảo hiểm nông nghiệp ở Nhật Bản và gợi ý cho Việt Nam”; Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Hợp phần Hệ sinh thái Kinh doanh, Dự án IPSC về “các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm chống thiên tai”.

 

Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam phát biểu

 

Các đại biểu tham quan khuôn viên Nhà trường và chụp ảnh lưu niệm


Phát biểu tổng kết toạ đàm, ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho chương trình. Bên cạnh đó bày tỏ mong muốn các bảo hiểm nông nghiệp cần tăng cường nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho người dân phù hợp, hiệu quả./.

Nguyễn Nga