Sinh hoạt chuyên đề về việc “Xây dựng Chương trình dạy học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo” năm 2021
Ngày 27/11/2021, Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học – Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề với mục tiêu xây dựng chương trình dạy học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Hoạt động với sự tham gia của các giảng viên giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, các giảng viên và cán bộ phụ trách chương trình đào tạo tại các bộ môn liên quan, các cán bộ quản lý đào tạo tại Khoa/Trung tâm nhằm mục tiêu xây dựng một chương trình dạy học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc không chỉ đáp ứng đầy đủ chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo mà còn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Phần giới thiệu về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc
Mở đầu buổi sinh hoạt chuyên đề, TS. Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học – kiêm Trưởng bộ môn tiếng Trung Quốc đã nhấn mạnh những nội dung chính cần thảo luận trong buổi sinh hỏa chuyên đề, đồng thời giới thiệu với các đại biểu tham gia về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, ông Nguyễn Công Thành cho biết “Trong buổi sinh hoạt chuyên đề ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng thảo luận và định hướng một chương trình dạy học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc không chỉ đáp ứng chuẩn đầu ra mà còn phát huy tối đa năng lực sáng tạo của sinh viên. Chúng ta cần chú trọng xây dựng một chương trình có tính linh hoạt cao, tích hợp lý thuyết với thực hành để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng thị trường lao động. Đẩy mạnh các phương pháp giảng dạy sáng tạo, như học qua dự án hoặc áp dụng công nghệ, để nâng cao trải nghiệm học tập. Cam kết cập nhật và cải tiến chương trình thường xuyên dựa trên phản hồi của người học và yêu cầu từ thực tiễn nghề nghiệp. Chúng ta cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển một môi trường học tập hiện đại, hiệu quả, và hội nhập.”
Phân tích yêu cầu chuẩn đầu ra chương trình đào tạo
- Nguyễn Công Thành cũng chia sẻ “Việc phân tích yêu cầu chuẩn đầu ra là bước quan trọng để đảm bảo chương trình đào tạo đạt được hiệu quả thực tế. Chương trình cần trang bị đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở mức thành thạo, cùng khả năng dịch thuật chính xác cho người học. Sinh viên cần nắm chắc các môn học nền tảng như Ngữ âm, Ngữ pháp tiếng Trung, đồng thời phải tiếp cận được các môn chuyên sâu như Biên phiên dịch, Ngôn ngữ học ứng dụng. Hơn thế, kết hợp lý thuyết và thực hành, như thực hiện các dự án nhóm, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, hoặc nghiên cứu các vấn đề thực tế trong ngành cũng là một trong những tiêu chí đáng lưu tâm. Chúng ta cần cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá để đo lường mức độ đáp ứng của sinh viên với chuẩn đầu ra này.”
Xây dựng cấu trúc chương trình dạy học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc
Cấu trúc chương trình là nền tảng quyết định sự thành công của quá trình đào tạo. Do đó, trong buổi sinh hoạt, có nhiều ý kiến đóng góp thảo luận xoay quanh nội dung này. TS. Ngô Viết Hoàn – Giảng viên tiếng Trung Quốc phát biểu “Cần tích cực tổ chức nhóm thảo luận để xây dựng cấu trúc chương trình dạy học, bao gồm các môn học bắt buộc như Ngữ âm, Ngữ pháp tiếng Trung Quốc, môn học tự chọn, các môn học bổ trợ liên quan đến văn hóa Trung Quốc, kinh tế, thương mại và du lịch nên kết hợp các phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung thực hành như học qua dự án, thực tập thực tế, giúp sinh viên mở rộng cơ hội nghề nghiệp.”
TS. Phan Huy Hoàng cũng đưa ý kiến đóng góp “Cần đảm bảo tính linh hoạt trong thiết kế các mô-đun học, chương trình học đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ, như sử dụng phần mềm học ngôn ngữ, giảng dạy qua dự án để nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên.”
Đề xuất phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập
Đánh giá kết quả học tập là yếu tố quan trọng để đảm bảo sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra. ThS. Đoàn Văn Hiện – Giảng viên tiếng Trung Quốc đã đưa ra đề xuất cải tiến phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập của người học “Chúng ta nên kết hợp các hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau như bài thi, bài tập, luận văn, dự án nhóm. Đưa ra các chỉ số và công cụ đánh giá chi tiết, ví dụ: thang điểm năng lực ngôn ngữ, kỹ năng làm việc nhóm.”
- Nguyễn Công Thành – Trưởng bộ môn cũng đồng ý với các ý kiến đề xuất triển khai các kỳ thi đánh giá năng lực mô phỏng HSK để chuẩn bị cho sinh viên trong các kỳ thi quốc tế và kỳ thi đánh giá năng lực chuẩn đầu ra.
Định hướng phát triển chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc trong tương lai
- Nguyễn Công Thành cho biết “Để bắt kịp xu hướng toàn cầu, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc cần đổi mới và cập nhật không ngừng. Do đó, chúng ta cần phân tích xu hướng phát triển ngành Ngôn ngữ Trung Quốc trong bối cảnh thị trường lao động quốc tế ngày càng cạnh tranh. Đồng thời cần bổ sung thêm các môn học liên quan đến dịch thuật và nghiên cứu quốc tế và tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để mở rộng cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.”
ThS. Đỗ Thị Huyền – Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học đưa ra kết luận tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Chúng tôi cam kết, với sự đồng lòng của đội ngũ giảng viên và sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, chương trình sẽ không ngừng cải tiến để mang đến cho sinh viên cơ hội học tập và phát triển tốt nhất.”
Tin và ảnh: Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học