Thực tập sinh ở Israel "Cơ hội học tập, trải nghiệm hữu ích" In
Thứ hai, 23/07/2018 16:16

Cuối tháng 6 vừa qua, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tổ chức buổi tọa đàm về ý nghĩa của chương trình thực tập sinh tại Israel. Nhiều bạn trẻ vừa có thời gian học tập, trải nghiệm thực tế ở đất nước hiện đại nhất nhì thế giới về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có chung cảm xúc hào hứng và chia sẻ học hỏi được nhiều cách làm hay, hiệu quả sau chương trình.

Gặp lại Nguyễn Tiến Ngọc, cựu sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm sau thời gian 11 tháng thực tập tại Israel, trông em rắn rỏi, chững chạc hơn nhiều so với trước. Tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm học tập do Trường Đại học Nông  - Lâm Bắc Giang tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, em mạnh dạn bước lên sân khấu trước hàng trăm người và không ngại ngần chia sẻ câu chuyện của cá nhân về hành trình trải nghiệm ý nghĩa. Tác phong nhanh nhẹn, cách nói chuyện với những dẫn chứng thuyết phục của Ngọc góp phần làm nên thành công của buổi trao đổi. Giờ đây, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, am hiểu hơn về lĩnh vực công nghệ thực phẩm, khả năng nói tiếng Anh lưu loát, tương lai phía trước của chàng thanh niên đang rộng mở khi em được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mời về làm việc với mức thu nhập khá cao. Còn với Bùi Thị Hà Linh, cựu sinh viên chuyên ngành Công nghệ Sinh học (Khoa Nông học) vừa trở về từ Israel cuối tháng 6 vừa qua cũng cho hay, chuyến đi giúp em học được cách quản lý thời gian, tài chính và phương pháp làm việc khoa học - vốn là điểm yếu của những người trẻ.

 


Chương trình đưa sinh viên đi thực tập tại Israel được Ban Giám hiệu Trường Đại học Nông - Lâm phối hợp với trung tâm AICAT- Israel thực hiện 5 năm trở lại đây. Để tham gia chương trình, sinh viên phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, kết quả học tập khá và khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh; chi phí ban đầu khoảng 25 triệu đồng. Mỗi năm, nhà trường có từ 20-30 sinh viên tham gia, thời gian thực tập từ 10- 11 tháng. Thời gian này, các em được học và trải nghiệm thực tế trên nông trại trồng trọt. Những kỹ thuật hiện đại được nghe, đọc nhiều qua sách vở, truyền hình nay được tận mắt chứng kiến và làm theo khiến nhiều cô cậu sinh viên hào hứng. Cụ thể như cách người nông dân tận dụng nguồn năng lượng sạch vô tận từ mặt trời để sản xuất điện; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc từ tự nhiên chăm sóc cho cây trồng; công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và chi phí... Mỗi tháng trừ chi phí học tập, sinh hoạt, các bạn dành ra được 10-15 triệu đồng gửi về gia đình làm khoản tiết kiệm để khởi nghiệp.



Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Điệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số lượng sinh viên có nhu cầu tham gia chương trình tăng dần qua mỗi năm. Những kiến thức được tiếp thu từ một đất nước phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp các bạn trẻ hình thành ý tưởng khởi nghiệp tiến tới xây dựng trang trại, mô hình sản xuất quy mô, hiệu quả. Thực tế, từ chương trình này, nhiều cựu sinh viên của Nhà trường nay trở thành chủ trang trại sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lao động mang lại giá trị kinh tế cao.

Hải Vân