QUY ĐỊNH
Về việc Quản lý, khai thác và sử dụng tài liệu Thư viện
Căn cứ:
– Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10, ngày 28/12/2000;
– Quyết định số 13/2008/QÐ-BVHTTDL, ngày 10/3/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành quy chế mẫu tổ chức và hoạt động Thư viện trường đại học;
– Quyết định số 58/2010/QÐ-TTg, ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”;
– Quyết định số 133/QĐ–TTg, ngày 20/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang;
– Căn cứ hiện trạng nguồn lực thông tin- tài liệu của Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang;
Hiệu trưởng Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang ban hành “Quy định về quản lý, khai thác và sử dụng tài liệu của Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang” áp dụng trong nội bộ Trường.
Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng phục vụ
- Toàn thể sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và cán bộ, giảng viên đang học tập và làm việc tại Trường đã được cấp thẻ (thẻ cán bộ viên chức, thẻ sinh viên, học viên) theo quy định đều được sử dụng các dịch vụ của Thư viện.
- Bạn đọc ngoài trường có nhu cầu sử dụng tài liệu Thư viện phải có Chứng minh thư nhân dân, lệ phí đặt cọc và phí dịch vụ theo quy định của Trung tâm.
Điều 2. Thời gian phục vụ
Các ngày trong tuần theo giờ hành chính, trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ. Thời gian khác do Hiệu trưởng quy định (khi cần sẽ có thông báo cụ thể).
Điều 3. Hình thức phục vụ
- Mượn đọc tại chỗ: Tất cả tài liệu có trong Thư viện.
- Mượn về: Đối với giáo trình; tài liệu có trong kho mở.
- Tra cứu và khai thác tài liệu điện tử, các cơ sở dữ liệu (CSDL) trực tuyến.
Điều 4. Phân loại tài liệu
- Tài liệu đọc tại chỗ: tất cả các loại tài liệu có trong Thư viện.
- Tài liệu được mượn về: giáo trình, tài liệu tham khảo thuộc kho mở.
- Tài liệu điện tử.
Chương II: KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG TÀI LIỆU
Điều 5. Chính sách cho mượn
- Mượn đọc tại chỗ: 5 tài liệu/lượt/bạn đọc.
- Mượn về: Sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được mượn tối đa 5 cuốn trong thời gian 45 ngày, hết thời gian mượn được phép gia hạn 1 lần, thời gian gia hạn là 15 ngày; cán bộ, giảng viên được mượn tối đa 10 cuốn trong thời gian 1 học kỳ (tương đương 20 tuần học).
- Đối với tài liệu điện tử
– Sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh được tải 3 tài liệu/ngày, không giới hạn lượt xem.
– Cán bộ, giảng viên được tải 5 tài liệu/ngày, không giới hạn lượt xem.
Điều 6. Yêu cầu đối với bạn đọc
- Có ý thức trân trọng, giữ gìn, bảo quản tài liệu, máy tính và các thiết bị, tài sản có trong Thư viện. Không tráo đổi, cắt xén, đánh dấu, tẩy xóa, làm rách nát, hư hỏng tài liệu; không viết nháp hoặc ghi chép vào các trang sách, báo, tạp chí và các tài liệu khác. Tuyệt đối không mang tài liệu ra khỏi Phòng đọc khi chưa được phép của cán bộ Thư viện;
- Không được sao chụp các tài liệu khi chưa được sự đồng ý của Thư viện. Bạn đọc nếu có nhu cầu sao chụp cần liên hệ với cán bộ Thư viện để được phục vụ;
- Hết thời hạn mượn, nếu muốn mượn tiếp tài liệu cần làm thủ tục gia hạn. Bạn đọc mượn tài liệu quá thời hạn cho phép bị phạt tiền theo quy định tại điều 11 của quy định này. Các trường hợp chưa trả sách quá hạn thì không được phép mượn tiếp các tài liệu khác của Thư viện;
- Người học tốt nghiệp ra trường, thôi học, ngừng học, cán bộ, giảng viên nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển công tác phải trả hết tài liệu đã mượn, thanh toán hết các khoản phạt, bồi thường (nếu có);
- Bạn đọc phải kiểm tra tài liệu trước khi mang khỏi Thư viện (số lượng, tình trạng tài liệu), trả sách đúng thời hạn, đúng nơi mượn;
- Bạn đọc có trách nhiệm bảo quản thẻ và tài khoản Thư viện, không cho người khác mượn thẻ, tài khoản Thư viện và không sử dụng thẻ, tài khoản Thư viện của người khác. Nếu bạn đọc vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 điều 9 của quy định này.
- Khi đến Thư viện, trang phục phải lịch sự, chỉnh tề; không đội mũ, không mang túi sách khi vào kho sách, Phòng đọc,…
- Phải có thái độ tôn trọng cán bộ Thư viện và các bạn đọc khác, không lớn tiếng hoặc có hành vi khiếm nhã với cán bộ Thư viện. Mọi thắc mắc, phản ánh trình bày trực tiếp hoặc gửi bằng văn bản cho cán bộ/lãnh đạo Trung tâm.
Điều 7. Đối với cán bộ Thư viện
- Có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chính đáng của bạn đọc (trong phạm vi quyền hạn của mình) với thái độ nhiệt tình, hoà nhã, trên quan điểm phục vụ;
- Có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài sản trong Phòng đọc (tài liệu, trang thiết bị) tránh thất thoát, hư hỏng; Giữ gìn trật tự vệ sinh chung trong Thư viện;
- Có trách nhiệm giám sát, theo dõi, kiểm tra quá trình sử dụng tài liệu của bạn đọc, nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm;
- Cán bộ có trách nhiệm tổ chức sắp xếp tài liệu hàng ngày để đảm bảo thuận lợi tối đa cho bạn đọc khi sử dụng;
- Cán bộ Thư viện có quyền thực hiện các biện pháp xử lý đối với vi phạm của bạn đọc theo các hình thức đã được quy định cụ thể trong quy định này
Điều 8. Đối với bạn đọc ngoài trường
Bạn đọc ngoài trường có nhu cầu sử dụng tài liệu của Thư viện phải có chứng minh thư nhân dân và được sự đồng ý của lãnh đạo Thư viện. Chỉ được đọc tài liệu tại chỗ, khi cần sao chép đối với tài liệu in, đĩa CD hoặc tải về đối với tài liệu điện tử trên mạng phải liên hệ với cán bộ Thư viện (báo cáo lãnh đạo Thư viện) để được phục vụ và trả phí theo quy định của Thư viện. Nghiêm cấm các cá nhân, cửa hàng dịch vụ sao chụp tài liệu in, tải tài liệu điện tử của Thư viên khi chưa được sự đồng ý của Nhà trường.
Chương III: XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 9. Các hình thức xử lý vi phạm
- Nhắc nhở: đối với các trường hợp không xuất trình thẻ khi vào Thư viện, gây mất trật tự, mất vệ sinh trong Phòng đọc, không tuân theo hướng dẫn của cán bộ Thư viện, làm xáo trộn tài liệu trên giá, trả sách hộ người khác, có thái độ, hành vi thiếu văn minh, thiếu tinh thần xây dựng đối với Thư viện,…
- Cảnh cáo và khóa quyền sử dụng tài liệu, quyền truy cập Thư viện số trong các trường hợp sau:
+ Khóa quyền khai thác và sử dụng tài liệu 1 tháng trong các trường hợp: tái phạm khi đã bị nhắc nhở đến lần thứ 2; cố ý không trả chìa khóa tủ hành lý; mượn tài liệu hộ người khác;
+ Khóa quyền khai thác và sử dụng tài liệu 2 tháng đối với các trường hợp: sử dụng thẻ/tài khoản Thư viện của người khác hoặc cho người khác mượn thẻ/tài khoản Thư viện để khai thác và sử dụng tài liệu;
+ Khóa quyền khai thác và sử dụng tài liệu 5 tháng trong các trường hợp: Sử dụng các công cụ/phần mềm không được phép để in/tải tài liệu; In/tải tài liệu vượt quá số lượng cho phép; In/tải tài liệu không phục vụ mục đích học tập và nghiên cứu khoa học của cá nhân;
- Hình thức “Lập biên bản”, khóa quyền khai thác và sử dụng tài liệu 1 năm và đề nghị hội đồng kỷ luật Trường xem xét, xử lý kỷ luật khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
+ Đã bị cảnh cáo khoá thẻ 1 lần nhưng vẫn tái phạm;
+ Mang tài liệu ra khỏi Thư viện khi chưa được sự đồng ý của cán bộ Thư viện;
+ Tráo đổi tài liệu, hủy hoại tài liệu, cố ý làm hư hại tài sản của Thư viện;
+ Giả mạo hoặc cố tình sử dụng thẻ của người khác với mục đích xấu, tải và chuyển nhượng tài liệu điện tử của Thư viện cho người khác.
+ Có thái độ vô lễ, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của cán bộ Thư viện.
Điều 10. Thẩm quyền xử lý vi phạm
- Đối với các vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Thư viện thì lãnh đạo Thư viện tiến hành xử lý, sau đó báo cáo Ban Giám hiệu và thông báo tới các đơn vị, cá nhân liên quan.
- Đối với các vi phạm thuộc quyền xử lý của Nhà trường, Thư viện làm đề nghị gửi các đơn vị chức năng để xử lý.
Chương IV: XỬ PHẠT, BỒI THƯỜNG
Điều 11. Mức xử phạt
- Phạt 50% giá trị tài liệu khi làm rách, viết vẽ bẩn (còn giá trị sử dụng);
- Phạt 200% giá trị tài liệu khi làm rách, viết vẽ bẩn (không còn giá trị sử dụng) hoặc làm mất sách (đối với sách không có giá bìa phạt 1000đ/trang);
- Phạt 1.000đ/ngày/1 tài liệu khi mượn quá hạn (trường hợp số tiền phạt lớn hơn 30.000đ/tài liệu hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì báo lãnh đạo trung tâm xem xét, xử lý);
- Phạt 150% giá trị các tài sản khác khi làm hư hỏng.
Ghi chú: Đối với các tài liệu quý hiếm không có giá bìa thì áp dụng mức phạt gấp 3 lần các mức quy định ở trên.
Điều 12. Quản lý và sử dụng các khoản phí.
Các khoản phí phạt, bồi thường đều do Phòng Tài chính – Kế toán Nhà trường thu, quản lý và dùng vào việc khắc phục các hư hỏng, thiệt hại cho Thư viện. Thư viện có trách nhiệm lập và gửi danh sách đề nghị xử phạt, bồi thường cho Phòng Tài chính – Kế toán. Thư viện được thu, quản lý và sử dụng các khoản phí kể trên nếu được Nhà trường ủy quyền.
Chương V: HIỆU LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
Điều 13. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký quyết định ban hành, các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
Toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường và người ngoài trường có nhu cầu khai thác và sử dụng tài liệu Thư viện tại Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quy định này.
Cán bộ, giảng viên trước khi chuyển công tác đến cơ quan khác, trước khi nghỉ hưu hoặc thôi việc phải xin xác nhận của Thư viện đã hoàn thành trả tài liệu, phí phạt (nếu có) nộp Phòng Tổ chức cán bộ .
Sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh phải xin xác nhận của Thư viện đã hoàn thành trả tài liệu, phí phạt (nếu có) nộp Phòng Đào tạo làm điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp.
Sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh khi chuyển trường, thôi học phải xin xác nhận của Thư viện đã hoàn thành trả tài liệu, phí phạt (nếu có) nộp Phòng Chính trị – Quản lý Sinh viên .
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề chưa hợp lý, các đơn vị cần phản ánh với lãnh đạo Nhà trường xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Bắc Giang, ngày tháng năm 2016
HIỆU TRƯỞNG
(đã ký)
TS. Nguyễn Quang Hà