Chương trình tập huấn “ Bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình” In
Thứ hai, 19/06/2017 09:31

Thực hiện kế hoạch số 152/CĐ-LĐVN ngày 20/02/2017 của Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang về việc triển khai chương trình giáo dục đời sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trong cán bộ viên chức và người lao động đến năm 2020, sáng ngày 17/06/2017, Công đoàn Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức buổi tập huấn “Bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình”. Đây cũng là hoạt động chào mừng ngày gia đình Việt Nam 28/6.

 

Đ/c Diêm Tuyết Mai – Trưởng ban nữ công khai mạc buổi tập huấn “Bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình”.


Tới dự buổi tập huấn có đ/c Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo viên của buổi tập huấn; TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Đ/c Nguyễn Thị Kim Nhung – Chủ tịch Công đoàn Trường, cùng cán bộ viên chức và người lao động trong toàn trường.

 

TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi tập huấn


Như chúng ta đều biết, bình đẳng giới là một vấn đề đã và đang được đặc biệt quan tâm ở  nhiều quốc gia trên thế giới. Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở hầu hết các nước.  Liên hợp quốc đã thống nhất quan điểm và thông qua Chương trình hành động giới, lồng ghép giới tại Hội nghị quốc tế về phụ nữ lần thứ tư năm 1995 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ở Việt Nam, Luật bình đẳng giới đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006, được công bố ngày 12/12/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Ngay sau khi Luật bình đẳng giới có hiệu lực, Đảng, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã ban hành nhiều văn bản liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam và là một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong thời kỳ đổi mới.

Đ/c Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chuyện về "Bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình.


Trong chương trình tập huấn, cán bộ viên chức và người lao động Nhà trường đã được nghe đ/c Hoa Hữu Vân - Chuyên viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói chuyện về chuyên đề “Bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình”. Với cách nói chuyện truyền cảm cùng những kiến thức, kinh nghiệm thực tế, chủ đề này đã thu hút được sự quan tâm chú ý đặc biệt của những người tham dự. Theo đ/c Hoa Hữu Vân, hiện nay, việc phân công lao động trong gia trong gia đình ở nhiều vùng miền trên cả nước vẫn còn mang tính chất phân biệt theo giới rất rõ nét. Công việc gia đình vẫn tập trung vào vai người phụ nữ là chủ yếu. Theo kết quả điều tra về Bình đẳng giới năm 2007 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, riêng việc đi chợ mua thức ăn: tỷ lệ phụ nữ là 88,6%, nam là 5,5%; việc nấu cơm: tỷ lệ tương ứng là 79,9% và 3,3%; việc giặt giũ: tỷ lệ tương ứng là 77,3% và 2,8%. Đáng chú ý là ở những việc này, số người cho biết cả hai vợ chồng làm ngang nhau là rất thấp. Trong khi đó, đối với việc chăm sóc người ốm và chăm sóc con cái, tỷ lệ vợ chồng làm ngang nhau là cao hơn, tương ứng là 3,3% và 38,2%. Do đó, phụ nữ ít có cơ hội để học tập nâng cao trình độ, nghỉ nghơi giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội. Ở một số vùng theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ không chỉ gánh vác hầu hết mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái, mà đồng thời còn lao động chính trong gia đình. Đây thực sự là gánh nặng quá tải, gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng sức khỏe của người phụ nữ...

 

Đ/c Nguyễn Thị Kim Nhung – Chủ tịch Công đoàn trường phát biểu bế mạc chương trình.


Bế mạc buổi tập huấn, Đ/c Nguyễn Thị Kim Nhung – Chủ tịch Công đoàn trường đã gửi lời cảm ơn tới đ/c Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận lời mời về tập huấn cho cán bộ viên chức và người lao động Nhà trường. Đ/c Nhung mong muốn sau buổi tập huấn này mỗi cán bộ viên chức và người lao động trong toàn trường sẽ có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ hơn về "Bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình" từ đó góp phần xây dựng tổ ấm gia đình ngày càng gắn bó, hạnh phúc.

Trung tâm TTTV