Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Xác định điểm sàn thể hiện năng lực thực hiện tự chủ của trường In
Thứ ba, 27/12/2016 10:24

Trước dư luận ý kiến về việc bỏ điểm sàn đại học sẽ kéo theo chất lượng kém, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao và những trường đã được kiểm định.

Trao đổi với phóng viên về việc dư luận vẫn còn băn khoăn quy định bỏ điểm sàn đại học, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới tuyển sinh, nhiều chuyên gia và trường ĐH đề nghị Bộ không nên qui định điểm sàn vì thực tế điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa như khi tổ chức thi “3 chung”.

Mặt khác việc qui định điểm sàn chung không phát huy được tính năng động, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong việc xác định điểm sàn phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo cũng như đồng bộ với chính sách chất lượng của trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

PV: Quyết định bỏ điểm sàn đại học trong dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD&ĐT cho thấy nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng việc "thả cửa" vào đại học như vậy sẽ dẫn đến chất lượng đại học kém chất lượng. Bên cạnh đó, các trường cao đẳng đã khó tuyển sinh nay lại càng khó hơn. Căn cứ vào đâu để Bộ có quyết định này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Dựa vào thực tế tuyển sinh năm 2015 và năm 2016 và căn cứ vào Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, năm nay Bộ dự kiến chỉ qui định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT còn các trường ĐH qui định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Nghĩa là, thay vì Bộ qui định một ngưỡng sàn chung thì giao cho các trường qui định ngưỡng này tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo, uy tín, chiến lược phát triển của trường. Việc này được thực hiện tương tự như đối với các trường cao đẳng năm 2016.

Khi đưa qui định này vào dự thảo qui chế, Bộ cũng dự đoán được băn khoăn của dư luận liệu rằng khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có đảm bảo không, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng.

Mặc dù kinh nghiệm 2 năm qua cho thấy đại bộ phận thí sinh đã có suy nghĩ chín chắn khi chọn trường, chọn ngành; đa số các trường đã xây dựng được văn hóa chất lượng nhưng kinh nghiệm, năng lực quản lý và thực hiện tự chủ của các trường vẫn còn khác xa nhau; tâm lý sính bằng cấp trong xã hội vẫn còn nặng.

Thực tế, vẫn còn có trường chạy theo số lượng, thiếu sự sàng lọc trong quá trình đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo có thể bị giảm sút nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo nhất quán phương châm lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu cho mọi hoạt động.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nên Bộ GDĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ.

Luật Giáo dục Đại học cũng qui định trường đại học được thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Trên thực tế điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường ĐH).

Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ thì xã hội cũng có thể yên tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn).

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp Hiệu trưởng các trường ĐH sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp.

PV: Thưa thứ trưởng, ngoài quy định bỏ điểm sàn, dư luận cũng băn khoăn về quy định cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng dẫn đến "loạn" trong xét tuyển?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng là nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.

Dù đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và trong đợt xét tuyển chính (đợt 1), thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Điều này được thực hiện nhờ phần mềm thống kê nguyện vọng xét tuyển của thí sinh chạy tự động trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ.

Do mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng nên hạn chế được tối đa tình trạng “thí sinh ảo” trong đợt xét tuyển chính.

PV: Tất cả thông tin tuyển sinh của các trường đều được công bố trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Liệu phần mềm của Bộ có đảm bảo hoạt động thông suốt trong thời gian thí sinh xét tuyển không, thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tất cả thông tin tuyển sinh của các trường được công bố trên cổng thông tin tuyển sinh.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển, qui chế cho phép thí sinh được đăng ký trước khi thi, cùng lúc với khi làm thủ tục đăng ký dự thi, sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến trong khoảng thời gian qui định.

Do đó cổng thông tin tuyển sinh chỉ hỗ trợ cho một số ít thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng.

Việc công bố kết quả thi do các Sở GD ĐT thực hiện; việc xét tuyển ĐH do các trường thực hiện; cổng thông tin tuyển sinh chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu để các trường khai thác, xét tuyển và chạy phần mềm thống kê nguyện vọng giúp các trường loại bỏ “thí sinh ảo”.

Do đó so với năm 2016, hệ thống năm nay chạy nhẹ tải hơn nhiều nên khó có thể xảy ra nghẽn mạng.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh (ghi)

Nguồn: dantri.com.vn